Sữa mẹ loãng có đủ chất không? Bí quyết duy trì nguồn sữa mẹ dồi dào
Sữa mẹ loãng có đủ chất không là câu hỏi hàng đầu của các mẹ đang nuôi con bú. Tại sao màu sắc sữa mẹ lại có sự thay đổi khác nhau? Có phải sữa mẹ loãng làm bé chậm tăng cân? Làm cách nào để duy trì lượng sữa mẹ dồi dào cho trẻ bú trong những năm tháng đầu đời?
Sữa mẹ như thế nào là đặc – loãng?
Không phải ai cho con bú cũng hiểu đúng về sữa mẹ. Khá nhiều chị em đang hiểu lầm khi nghĩ rằng sữa mẹ phải có màu trắng đục, ngà vàng mới là sữa đặc, còn trong như nước vo gạo là sữa loãng. Trên thực tế, nguồn sữa chính cho bé bú là sữa trưởng thành với thành phần có chứa tới 90% là nước. Sự biến đổi về màu sắc của dòng sữa này là để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé trong các giai đoạn tăng trưởng. Sữa trưởng thành được chia làm 2 dạng:
- Sữa đầu: là phần sữa được tiết ra trong khoảng 10 phút đầu khi mẹ bắt đầu cho bé bú. Màu sữa thường trong và loãng như nước vo gạo nhưng lại chính là nguồn cung cấp nước, vitamin và protein chủ yếu cho trẻ
- Sữa cuối: được tiết ra sau khi bé bú hết lượng sữa đầu, chứa hàm lượng cao chất béo, cung cấp nhiều năng lượng giúp trẻ lớn nhanh. Với nguồn dinh dưỡng dồi dào có trong thành phần nên lúc này sữa mẹ trở nên sánh đặc và có màu hơi vàng. Khi trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối con sẽ được cung cấp đủ dinh dưỡng và phát triển khỏe mạnh
Quan niệm về sữa mẹ đặc hay loãng chỉ hoàn toàn dựa trên cảm quan chứ không phải dựa trên đánh giá thành phần và chất lượng sữa.
Sữa mẹ loãng có đủ chất không?
Theo các chuyên gia, thực chất màu sắc sữa mẹ không phải là yếu tố thể hiện thành phần dinh dưỡng có trong sữa. Về cơ bản, chất lượng sữa ở tất cả các bà mẹ hầu như không có sự khác biệt dù lượng sữa nhiều hay ít, loãng hay đặc. Sữa đầu có thể trông loãng hơn nhưng vẫn chứa đủ các chất dinh dưỡng và thành phần cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
Mẹ chỉ nên quan tâm đến vấn đề sữa mẹ nhiều hay ít chứ hoàn toàn không có việc sữa mẹ loãng là không đủ chất cho con. Đối với những mẹ có quá nhiều sữa thì trẻ chỉ bú được sữa đầu và chóng đói, không bụ bẫm do thiếu năng lượng. Vì vậy, mẹ có thể vắt bớt sữa đầu để trữ đông và tiếp tục cho bé bú cạn bầu sữa.
Tuy nhiên, mỗi trẻ có khả năng hấp thụ dưỡng chất khác nhau nên việc lên cân của bé không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng sữa mẹ đặc hay loãng mà còn do nhiều yếu tố khác nữa. Điều quan trọng là mẹ hãy luôn tin rằng mình đang có nguồn sữa đủ dinh dưỡng để nuôi bé.
Khi nào sữa mẹ loãng là vấn đề đáng lo ngại?
Việc sữa mẹ đặc hay loãng là do cơ địa của người mẹ, hơn nữa, sữa đầu lúc nào cũng loãng hơn sữa sau nên mẹ cần cho bú từ 15–20 phút mỗi cữ để con bú được tới phần sữa đặc. Tuy nhiên nếu bé đã bú cạn mà sữa cuối vẫn có màu trắng trong và loãng như lượng sữa đầu nghĩa là mẹ đang gặp vấn đề về chế độ dinh dưỡng và phương pháp cho bú:
- Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, không đủ chất do mẹ kiêng khem quá nhiều hoặc điều kiện sống khó khăn, không được chăm sóc tốt cũng là một nguyên nhân khiến sữa mẹ loãng và chất lượng sữa bị ảnh hưởng
- Cho bé bú không đúng cách, không cho bú thường xuyên, bú lắt nhắt, bú vặt, không kiểm soát thời gian cho bú khiến sữa mẹ ít dần đi, bầu ngực mẹ không căng và mẹ không có cảm giác xuống sữa khi cho con bú. Nếu tình trạng này không được cải thiện, sẽ ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ
- Mẹ đang bị bệnh phải điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc loại thực phẩm mà mẹ tiêu thụ có thể ảnh hưởng rất lớn đến mùi vị cũng như độ đặc, loãng của sữa
Bí quyết duy trì nguồn sữa mẹ dồi dào
Thay vì lo lắng sữa mẹ loãng hay đặc, chị em đang cho con bú hãy quan tâm đến việc cải thiện chất lượng dinh dưỡng và duy trì nguồn sữa mẹ dồi dào bằng cách thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt hàng ngày:
- Sau sinh sản phụ cần được nghỉ ngơi, chăm sóc tốt. Mẹ cũng nên vận động nhẹ nhàng và giữ cho tinh thần thoải mái, dễ chịu. Chế độ sinh hoạt hợp lý cũng giúp cho nguồn sữa tiết ra dồi dào và giàu dưỡng chất
- Bổ sung đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết gồm chất đạm, chất béo, chất đường bột và vitamin, khoáng chất đồng thời duy trì bổ sung 2 loại chất cần thiết và quan trọng là Sắt và canxi bằng viên uống hoặc các loại thực phẩm chứa hàm lượng cao
- Tránh thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, có mùi vị nồng hoặc các loại đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, rượu, bia vì chúng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ
- Cho bé bú đúng cách và đều đặn. Việc này giúp kích sữa tiết ra nhiều và đều hơn
- Tránh nhầm lẫn việc uống nước làm cho sữa mẹ loãng mà ngược lại uống đủ nước và thêm một ly sữa ấm trước khi cho con bú góp phần kích thích tạo sữa cho con
Xem thêm:
- Thực hư sự thật đằng sau câu chuyện sữa mẹ loãng con tăng cân chậm
- Thiếu sữa cho con – 6 dấu hiệu làm mẹ lầm tưởng mình thiếu sữa
- Massage ngưc để sữa dồi dào cho con bú
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!