Sự phát triển của não bộ trẻ diễn ra như thế nào? Đâu là cột mốc quan trọng đánh dấu quá trình hoàn thiện của não bộ trẻ nhỏ?
“Bức tường năm 9 tuổi” là gì?
Theo 1 nghiên cứu kéo dài suốt 40 năm của đại học Yale, Hoa Kỳ, “bức tường năm 9 tuổi” là cột mốc quan trọng, quyết định thành tích học tập của trẻ.
Khái niệm “bức tường năm 9 tuổi” được giới thiệu bởi bác sĩ tâm lý nổi tiếng người Nhật Bản Hideki Wada, đề cập đến sự hoàn thiện trí não của trẻ khi hết giai đoạn này, khi bước sang tuổi thứ 10 là não bộ của con đã bước sang 1 giai đoạn khác.
Não bộ con người phát triển nhanh nhất trước 10 tuổi. Vào khoảng 12 tuổi, não người có kích thước và trọng lượng tương đương với người trưởng thành. Sau 9 tuổi, trọng lượng của não bộ tăng ít, tuy nhiên các cấu trúc bên trong tế bào não trở nên phức tạp hơn, các chức năng khác nhau của não trưởng thành hơn.
Nhà giáo dục Rudolf Steiner gọi đây là thử thách “một đi không trở lại” của trẻ. Trong giai đoạn này, các đặc điểm về thể chất, tâm lý của trẻ thay đổi đáng kể, trở thành bước cuối cùng để trở nên tự lập trong cuộc sống. Điều này không có nghĩa là bố mẹ có thể để trẻ tự do, nhưng cũng dần dần phải học cách buông tay, để trẻ tự đưa ra 1 số quyết định cho bản thân.
Cách xác định sự phát triển của não bộ trẻ
Mỗi trẻ là 1 cá thể khác nhau, có quá trình phát triển riêng. Mốc 9 tuổi là cột mốc áp dụng trên đa số trường hợp trẻ. 1 số bé có thể đã có tư duy trừu tượng khi được 7 – 8 tuổi, trong khi 1 số khác phải đợi đến năm 10 tuổi thì khả năng này mới phát triển đầy đủ. Nhìn chung quá trình này sẽ diễn ra trong giai đoạn từ 9 – 11 tuổi.
Bác sĩ Hideki Wada xác định rằng, sau cột mốc này, trẻ sẽ hình thành khả năng suy nghĩ và nắm bắt mọi thứ một cách trừu tượng, đồng thời có khả năng tự suy nghĩ về các khái niệm. Trẻ dần hiểu ý nghĩa và sự khác biệt của nguyên nhân và kết quả, mục đích và phương tiện, tiền đề và kết luận, khẳng định và phủ định… Dẫu vậy, 1 số bé có thể sẽ vẫn gặp khó khăn khi giải quyết các bài toán khó… do tư duy trừu tượng hoàn thiện chậm hơn trẻ khác.
Tại thời điểm này, thành tích học tập của trẻ có thể sẽ bị thay đổi do nhiều yếu tố: không nắm bắt được kịp lượng kiến thức, chịu nhiều sức ép từ thầy cô giáo, phụ huynh… Nhiều cha mẹ nhận thấy rằng con trở nên chểnh mảng hơn, kết quả học tập kém hơn dù thành tích của con khá tốt ở những năm học trước.
Ba mẹ nên lưu ý gì khi con ở lứa tuổi này?
Hãy bồi đắp sự tự tin cho trẻ
Nếu con bạn trong giai đoạn này có tiếp thu kém hơn, chểnh mảng hơn các bạn khác thì ba mẹ cũng đừng sốt ruột mà giục giã hay mắng mỏ con. Chỉ là con đang trên đường nắm bắt và học hỏi mà thôi. Tình trạng này không được giải quyết nếu chỉ học tập chăm chỉ, mà chỉ có một cách, là kiên nhẫn chờ đợi não bộ của trẻ thực hiện tư duy trừu tượng, tức là vượt qua “bức tường 9 tuổi”.
Ba mẹ không nên đổ lỗi cho trẻ “dốt”, không nên trọng thành tích mà ép trẻ học thêm. Điều này càng khiến trẻ mệt mỏi, thậm chí có suy nghĩ rằng mình dốt, dần dần trở nên tự ti.
Sự tự tin cần được vun đắp trong từng hành động nhỏ mỗi ngày. Thay vì trách móc mắng mỏ, hãy cho trẻ thời gian thư giãn, vận động, đồng thời động viên khuyến khích con và kiên nhẫn chờ đợi giai đoạn phát triển tiếp theo của con.
Phát triển khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ
Quan điểm của trẻ dần được xây dựng theo độ tuổi. Nhiệm vụ quan trọng nhất của ba mẹ là khơi gợi khả năng suy nghĩ độc lập và chủ động cho trẻ. Cha mẹ cần làm cho trẻ thấy được những nguyên nhân dẫn đến kết quả học tập của mình, tích cực tìm kiếm giải pháp nếu kết quả đó là kém đi. Từ đó, trẻ duy trì được sự nhiệt tình trong học tập.
Đọc sách là cách rèn luyện não bộ cho trẻ
Sách vở mở ra chân trời tri thức vô cùng rộng lớn không chỉ cho trẻ mà cho cả người lớn. Hãy khuyến khích thói quen đọc sách của con và đọc sách cùng trẻ khi có thể, đây cũng là cơ sở để con tự tin hơn trong nhiều lĩnh vực.
Thông qua những cuốn sách, trẻ có thêm kiến thức về vô vàn lĩnh vực khác nhau. Mỗi ngày đọc một câu chuyện, một năm đã tích lũy được hơn 300 câu chuyện làm vốn sống, đó chính là món quà ý nghĩa mà bạn dành cho con mình.
Theo vnexpress
Xem thêm
- Đặc điểm phát triển não bộ và mục tiêu nuôi dưỡng của mẹ dành cho bé sơ sinh 1-2 tuần tuổi
- Chỉ cần rèn thói quen nhỏ này, cha mẹ có thể giúp não bộ con phát triển hiệu quả không ngờ
- Chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào lớp 1 để trẻ tự tin và háo hức đến trường
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!