Mách mẹ cách chăm sóc vết rạch tầng sinh môn khi sinh thường

Trên thực tế, không phải lúc nào sản phụ cũng phải rạch tầng sinh môn khi sinh thường. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ chủ động thực hiện rạch tầng sinh môn.

Trái với lo lắng của các mẹ, sinh thường rạch tầng sinh môn không quá đáng sợ. Thậm chí, mẹ có thể không cảm nhận được gì, vì lúc đó bạn hoàn toàn bị đánh gục bởi các cơ đau chuyển dạ.

  • Lúc nào sinh thường cũng phải rạch tầng sinh môn?
  • Hướng dẫn chăm sóc vết rạch tầng sinh môn đúng cách

Có phải mọi ca sinh thường đều cần rạch tầng sinh môn?

Cắt tầng sinh môn là một vết rạch được thực hiện ở đáy chậu, diễn ra trong quá trình sinh thường. Trong nhiều năm, rạch tầng sinh môn được cho là có thể giúp ngăn ngừa những vết rách âm đạo rộng hơn khi sinh con. Khâu lại những vết rạch này cũng dễ hơn "làm lành" những vết rách tự nhiên khi chuyển dạ. Thủ thuật này cũng giúp bảo vệ cơ và mô liên kết nâng đỡ của sàn chậu.

Khi nào sinh thường rạch tầng sinh môn?

Trên thực tế, không phải lúc nào sản phụ cũng phải rạch tầng sinh môn khi sinh thường. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ chủ động thực hiện rạch tầng sinh môn nếu:

  • Đầu em bé quá lớn, khó có thể chui ra ngoài
  • Mẹ trên 35 tuổi
  • Mắc bệnh tim mạch, có hiện tượng tăng huyết áp thai kỳ
  • Bị viêm âm đạo hoặc vùng đáy chậu có phù nề
  • Cơ tử cung của người mẹ co bóp không đủ lực
  • Đầu của thai nhi có đường kính lớn, khó chui ra ngoài
  • Phần cổ tử cung đã mở rộng và đầu thai nhi đã xuống thấp, nhưng có dấu hiệu suy thai, thai có thể chết lưu.

Rạch tầng sinh môn diễn ra như thế nào?

Khi có cơn gò và đầu thai nhi áp sát vào vùng tầng sinh môn, bác sĩ sẽ:

  • Gây tê vùng âm hộ.
  • Dùng kéo cắt một đường dài từ 3 - 5cm. Đường này từ mép âm hộ đi thẳng xuống vùng hậu môn hướng 6 giờ, hoặc một đường chéo hướng 7 giờ.

Sau khi sinh em bé, bác sĩ sẽ khâu lại vết cắt bằng chỉ tiêu. Đây là loại chỉ tự tiêu hủy sau một thời gian, mẹ không cần phải cắt chỉ.

Nếu không được chăm sóc đúng cách, vết khâu tầng sinh môn có thể bị bục chỉ, mưng mủ, nhiễm khuẩn. Nguyên nhân của nhiều biến chứng khó chịu sau sinh có thể bắt nguồn từ đây.

Chăm sóc vết rạch tầng sinh môn đúng cách

Nếu được chăm sóc cẩn thận và không xuất hiện bất kỳ biến chứng nào, vết khâu tầng sinh môn sẽ tự lành sau 2-3 tuần. Sau khoảng 1 tháng, tầng sinh môn sẽ tương đối ổn định, phục hồi cảm giác. Trong thời gian đó, mẹ cần chú ý thêm những điểm sau đây.

Tránh ngồi nhiều khi vết thương vẫn đang lành

Sau sinh, mỗi khi ngồi dậy, mẹ sẽ cảm thấy rất đau. Nguyên nhân là vì tư thế ngồi đè lên vết khâu tầng sinh môn. Để giảm bớt cảm giác bất tiện này, mẹ hãy chọn cho mình một tư thế ngồi ít tạo áp lực lên vết khâu. Lót vải mềm hai bên mông hoặc ngồi đệm hơi sẽ giúp mẹ không đè nén lên vết thương nhiều.

Giữ vết thương sạch sẽ

Mẹ nên lau sạch vùng đáy chậu, âm hộ khoảng 2 lần một ngày để ngăn ngừa viêm và nhiễm trùng. Tránh dùng xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ ở thời điểm này vì có thể gây kích ứng. Mẹ nên chỉ cần sử dụng nước ấm để vệ sinh

Sau khi đi vệ sinh, mẹ hãy lau rửa sạch từ trước ra sau nhẹ nhàng bằng khăn mềm thấm nước. Hoặc mẹ có thể sử dụng vòi sen để xịt rửa nhẹ nhàng. Không nên lau ngược từ sau ra trước vì dễ gây nhiễm trùng. Sau đó, mẹ nên thấm khô nước.

Để vết thương luôn sạch sẽ, giảm sự tích tụ của vi khuẩn, tình trạng ẩm ướt và nguy cơ nhiễm trùng, mẹ nên thay băng vệ sinh thường xuyên mỗi 4 – 6 tiếng. Tuyệt đối không nên thụt rửa bên trong khi không có chỉ định của bác sĩ.

Xông hơi vùng kín

Biện pháp này có khả năng giúp làm sạch âm đạo, tử cung, sát khuẩn và lưu thông máu huyết. Mẹ có thể xông hơi vùng kín bằng cách ngồi trên một nồi chứa hơi nước có các loại thảo mộc bổ sung.

Lá trầu không, kinh giới, sả, vỏ quýt, bưởi, lá ổi… đều có thể sử dụng để xông hơi.

Vết rạch tầng sinh môn khi sinh thường sẽ bắt đầu tự tiêu chỉ khâu trong vài ngày và khỏi hẳn trong từ 1-2 tuần. Mẹ có thể nhận thấy các mảnh của vết khâu khi bạn lau rửa. Chúng xuất hiện như những đốm đen nhỏ sót lại trên giấy vệ sinh. Khi thấy dấu hiệu sưng đỏ, đau, sốt, chảy máu vết khâu, hở vết khâu, vết khâu có dịch,... mẹ cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị.

Duy trì chế độ ăn lành mạnh

Một chế độ ăn lành mạnh nên gồm nhiều rau củ, ngũ cốc nguyên cám và ngũ cốc nguyên hạt. Không chỉ nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh, chế độ ăn này còn tốt cho sức khỏe và vết khâu tầng sinh môn.

Ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước giúp ngăn ngừa táo bón. Mẹ sẽ không gặp khó chịu khi cần phải đi vệ sinh trong thời gian này. Bên cạnh đó, mẹ có thể sử dụng thuốc làm mềm phân trước để tránh làm bục vết khâu khi đi vệ sinh.

Quá trình hồi phục sau sinh thường rạch tầng sinh môn không mấy dễ dàng. Chăm sóc đúng cách sẽ giúp mẹ nhanh chóng hồi phục, lấy lại tự tin trong mắt bạn đời.

Bài viết của

Nhi Le