Nếu có một mẫu số chung cho mọi trường hợp thành công ở bất kì nơi đâu trên trái đất này, khẳng định với các bạn, 100% là người ấy có kĩ năng tự học rất cao. Những nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới đều chú trọng tới xây dựng kỹ năng tự học cho học sinh và đó là kỹ năng cao nhất mà mọi nền giáo dục cần hướng tới.
Ở Việt Nam, nhiều người thường nhầm lẫn giữa thái độ tự giác học và tự học. Đây là hai khái niệm khác nhau, và thái độ tự giác học mới chỉ là bước khởi đầu của khả năng tự học mà thôi!
Cùng nghe mẹ Thuy Tulip – cố vấn tâm lý cho trang Dạy Con Tự Học chia sẻ từng bước rèn cho con thói quen tự học!
LỤC TÌM NGUYÊN NHÂN: VÌ SAO MẸ NHẮC MÃI MỚI CHỊU HỌC?
Mẹ nhắc – giục – hô hào hay nịnh con mới chịu học
Do thói quen sinh hoạt của gia đình
Một phần do tính tình của bé
Bài vở ở trường chồng chất
Ví như, lớp 1 phải luyện viết, có cái chữ đấy, biết viết rồi mà còn bắt bé viết mấy trang cho đều và đẹp, nói thật là viết rã cả cánh tay của con. Các bài tập chẳng đòi hỏi sự sáng tạo gì cả, lại cũng chẳng liên quan gì tới trải nghiệm/ kinh nghiệm hay cuộc sống thực tế của bé. Thành ra khi làm bài thấy chán….là phải! Lên tới cấp 2 cấp 3 thì toàn bài học thuộc lòng. Nhìn đã ớn! Vì thế, cha mẹ nên hiểu và thông cảm cho con.
CÁC CÁCH LUYỆN THÁI ĐỘ TỰ GIÁC CHO CON
Thói quen sinh hoạt gia đình
Gia đình cần có sự đều đặn, khung giờ rõ ràng. Sau khi đi học về làm những gì, bắt đầu mấy giờ là phải ngồi vào bàn học, tới giờ nào là phải đi ngủ rồi. Nếu sinh hoạt gia đình chưa vào nề nếp thì nên điều chỉnh dần dần, cố gắng sắp xếp cho trẻ có giờ ăn, học và đi ngủ cố định vào buổi tối. Cuối tuần thì có thể thoải mái, cha mẹ con cái chơi thư giãn sao cũng được, nhưng những ngày trong tuần thì phải cố định.
Với bé từ 3 tới 6 tuổi
Trường hợp này rất dễ, bởi vì bé chưa bị áp lực phải hoàn thành bài ở trường. Cần luyện cho bé thói quen ngồi vào bàn học mỗi tối, dù 15- 20 phút thôi cũng là đủ. Trong thời gian ngồi đấy,nên cho bé tự hoạt động vẽ tranh, xem sách, tô màu, tô chữ, chơi trò chơi tìm hình, v.v., các hoạt động cần liên quan tới dùng kĩ năng tay để viết. Giờ ngồi vào học cần cố định, không nên bị xáo trộn.
Khi trẻ ngồi vẽ, bố mẹ cũng nên ngồi đọc một cái gì đó, tốt nhất là báo/ sách (không phải điện thoại), vừa ngồi quan sát trẻ vừa cho trẻ thấy bố mẹ có tinh thần đọc sách. Nếu trẻ hay í ới hỏi, không trả lời mà nên đặt đồng hồ, sau 5 phút con mới được hỏi, rồi tăng lên 6 phút, 7 phút cho tới 20 phút.