Vô sinh hiếm muộn đang ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Tỉ lệ các cặp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn ngày càng tăng. Tuy nhiên, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các biện pháp hỗ trợ sinh sản như IUI, IVF… đã giúp mang lại hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng. Trong bài viết dưới đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu về IVF và quy trình làm IVF nhé.
IVF là gì?
IVF (In vitro fertilization) – thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản bằng cách cho trứng và tinh trùng thụ tinh bên ngoài cơ thể để tạo thành phôi. Sau một thời gian nuôi cấy, phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người vợ để làm tổ và bắt đầu quá trình mang thai.
IVF khác với IUI (Intra-uterine insemination) ở chỗ, khi làm IUI, tinh trùng sẽ được đưa vào buồng tử cung ở thời điểm rụng trứng để thụ tinh trong buồng tử cung còn khi thực hiện IVF, trứng sẽ được lấy ra khỏi cơ thể mẹ và thụ tinh được thực hiện ở môi trường phòng thí nghiệm, đến khi thành phôi mới đưa trở lại cơ thể mẹ để phát triển thành bào thai.
Tỉ lệ thành công khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam là 35-40%, con số này giảm từ 2-10% đối với phụ nữ lớn tuổi (sau tuổi 40). Độ tuổi của người mẹ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tỷ lệ thành công IVF. Người phụ nữ ở độ tuổi càng trẻ thì số lượng và chất lượng trứng càng tốt. Nếu kết hợp với tinh trùng khỏe mạnh của người chồng thì số phôi tốt được tạo thành càng nhiều, cơ hội chuyển phôi thành công sẽ cao hơn.
Khi nào thì cần làm IVF?
Thụ tinh trong ống nghiệm IVF được thực hiện khi vợ chồng đăng ký có một trong số các bất thường ở cơ quan sinh sản như sau:
- Tắc hai vòi trứng
- Lạc nội mạc tử cung
- Hiếm muộn không rõ nguyên nhân, bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhiều lần nhưng thất bại
- Tinh trùng ít, yếu, xuất tinh ngược hoặc không xuất tinh, tinh trùng dị dạng
- Không tinh trùng trong tinh dịch (lấy tinh trùng bằng phẫu thuật mào tinh, tinh hoàn)
- Đứt niệu đạo sau do di chứng vỡ xương chậu
- Xin trứng
Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm IVF
Khám sức khỏe sinh sản là bước đầu tiên trong quy trình làm IVF
Đây là bước đầu tiên của quy trình làm IVF. Hai vợ chồng sẽ được thăm khám sức khỏe sinh sản và làm 1 số xét nghiệm chuyên biệt, cụ thể:
- Siêu âm phụ khoa (nữ) và siêu âm tinh hoàn (nam): phát hiện u xơ tử cung, u nang buồng trứng, buồng trứng đa nang… hay các bất thường khác ở cơ quan sinh dục của 2 vợ chồng; Người vợ cũng cần siêu âm để đếm nang noãn cơ bản trên 2 buồng trứng vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt.
- Xét nghiệm nội tiết: Định lượng nồng độ hormone sinh dục (estrogen, progesterone,…) và hormone hướng sinh dục (LH, FSH).
- Lấy dịch âm đạo để xét nghiệm nấm Chlamydia, v.v.
- Xét nghiệm tinh dịch đồ đối với người chồng để kiểm tra, đánh giá số lượng cũng như chất lượng tinh trùng hiện tại: tinh trùng ít, tinh trùng yếu, tinh trùng bất thường hay là không có tinh trùng.
- Thử máu để làm các xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, HIV, viêm gan B ở cả 2 vợ chồng.
Trường hợp người chồng không có tinh trùng thì một số xét nghiệm khác sẽ được tiến hành bổ sung như định lượng nội tiết sinh dục, siêu âm phần bìu…
Kích trứng
Vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt, nếu người vợ đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành kích thích buồng trứng theo phác đồ phù hợp. Người vợ có thể được chỉ định dùng thuốc kích trứng đường uống/đường tiêm hoặc cả 2 tùy theo phác đồ và tình trạng cụ thể.
Thời gian dùng thuốc kích trứng dao động trong khoảng 10-12 ngày. Trong thời gian kích thích buồng trứng, bác sỹ sẽ theo dõi nang trứng thông qua siêu âm và xét nghiệm máu để có điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.
Khi đã đủ số lượng nang trứng đạt yêu cầu, bác sỹ sẽ tiến hành tiêm mũi cuối cùng để kích thích trứng trưởng thành (mũi kích rụng trứng), mũi này cần phải tiêm đúng giờ.
Kích thích buồng trứng sẽ làm cho hai buồng trứng to hơn, gây cảm giác trì nặng ở bụng dưới, 2 bầu ngực căng tức và có thể buồn nôn. Tuy nhiên, những cảm giác này chỉ xảy ra vào 2 – 3 ngày cuối cùng của quá trình kích thích buồng trứng và sẽ nhanh chóng mất đi sau khi chọc hút trứng.
Việc sử dụng thuốc kích trứng liên tục trong thời gian dài có thể gây suy buồng trứng. Nếu đã điều trị bằng thuốc kích trứng từ 3-6 tháng mà chưa hiệu quả, các cặp vợ chồng nên tạm dừng một thời gian để buồng trứng nghỉ ngơi trong một vài chu kỳ trước khi thực hiện lại.
Chọc hút trứng là bước quan trọng của quy trình làm IVF
Trong vòng 24 – 36 giờ sau khi tiêm mũi kích rụng trứng, trứng sẽ được chọc hút từ cơ thể người vợ để thụ tinh trong phòng thí nghiệm. Trước khi thực hiện, người vợ lưu ý kiêng quan hệ từ 3-5 ngày; không sử dụng bia, rượu và chất kích thích; nhịn ăn uống trước khi chọc hút ít nhất 6 tiếng; không trang điểm, dùng nước hoa, mỹ phẩm có mùi; không đeo đồ trang sức; tẩy sạch sơn móng tay, móng chân (nếu có) vì mùi hóa chất có thể gây độc tính cho phôi, noãn và trứng.
Trong quá trình chọc hút, người vợ được gây mê tại chỗ nên sẽ không cảm thấy đau đớn. Các bước chọc hút trứng như sau:
- Toàn bộ âm đạo và vùng xung quanh cơ quan sinh dục ngoài được làm sạch bằng cách bơm rửa với nước vô trùng.
- Đưa đầu dò siêu âm vào âm đạo, xác định buồng trứng và các nang noãn trưởng thành, đếm số lượng nang noãn và khả năng tiếp cận của đầu dò với buồng trứng.
- Gắn kim chọc hút vào bơm tiêm (hoặc máy hút noãn), tráng kim và bơm tiêm bằng môi trường nuôi cấy. Tiến hành chọc và hút tất cả dịch nang noãn có chứa trứng, chuyển đến phòng thí nghiệm.
- Kiểm tra lại để đảm bảo không bị chảy máu trong. Khu vực âm đạo được làm sạch lần nữa, mỏ vịt được tháo ra và thủ thuật hoàn tất.
Lưu ý sau khi chọc hút trứng
Sau khi chọc hút trứng, người vợ cần nhớ không được tự lái xe, không làm việc nặng; tránh hoạt động mạnh; không sử dụng đồ uống có cồn; không quan hệ hay ngâm mình trong nước nhằm giúp âm đạo nhanh chóng hồi phục hoàn toàn.
Khi có biểu hiện bất thường như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở, chảy máu quá nhiều, đau rát khi đi tiểu, khó tiểu, sốt, chướng bụng thì nên liên hệ ngay cơ sở y tế để được trợ giúp.
Cùng thời điểm này, người chồng sẽ được tiến hành lấy tinh trùng để chuẩn bị cấy phôi hoặc lấy mẫu tinh trùng đông lạnh được trữ đông trước đó. Nếu vô sinh do các yếu tố nam giới như không có tinh trùng, tinh trùng bất động/dị dạng, số lượng tinh trùng ít, các kỹ thuật phẫu thuật lấy tinh trùng từ mào tinh và kỹ thuật chọn lựa tinh trùng bằng Laser hoặc từ trường sẽ được áp dụng để có được chất lượng tinh trùng tốt nhất.
Tạo phôi là bước tiếp theo của quy trình làm IVF
Trứng và tinh trùng được chuyển đến phòng thí nghiệm để thụ tinh và tạo phôi. Phôi sẽ được nuôi cấy bên ngoài 2-5 ngày.
Nếu phôi được chuyển ngay sau khi tạo phôi thì gọi là chuyển phôi tươi. Trong trường hợp người vợ không đủ điều kiện sức khỏe để chuyển phôi tươi thì toàn bộ số phôi đạt chất lượng sẽ được trữ đông và người vợ sẽ được chuyển phôi trữ vào chu kỳ tiếp theo.
Trong khoảng thời gian này, người vợ sẽ dùng thuốc đường uống và đặt âm đạo để chuẩn bị cho quá trình chuyển phôi.
Chuyển phôi
Chuyển phôi là bước tiếp theo trong quy trình làm IVF, sau khi thống nhất số lượng phôi chuyển, số phôi khỏe mạnh nhất được đưa vào buồng tử cung để chuẩn bị làm tổ và phát triển thành thai khi niêm mạc tử cung đạt điều kiện để phôi làm tổ và phát triển.
Thủ thuật chuyển phôi tương đối nhẹ nhàng, bác sỹ dùng dụng cụ bộc lộ cổ tử cung và đưa phôi vào buồng tử cung qua một catheter mềm cực nhỏ nhằm không gây tổn thương cho niêm mạc tử cung. Khi chuyển phôi người vợ phải nhịn tiểu.
Chuyển phôi kéo dài khoảng 5 phút hoặc lâu hơn nếu tư thế cổ tử cung của người mẹ bất thường. Sau khi chuyển phôi người vợ sẽ được chỉ định dùng thuốc để hỗ trợ sự phát triển của thai. Nếu chuyển phôi trữ đông, chị em được siêu âm và dùng thuốc theo dõi niêm mạc từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh tiếp theo trong vòng 14-18 ngày, sau đó bác sĩ chọn thời điểm phù hợp để chuyển phôi.
Thử thai
Sau 2 tuần từ khi chuyển phôi, người mẹ được chỉ định thử máu để kiểm tra nồng độ Beta HCG. Nếu beta HCG ở mức > 25 IU/l thì được xác định là có thai, nồng độ này cao hay thấp còn phụ thuộc vào mỗi người.
Nồng độ này tăng gấp rưỡi trở lên sau 2 ngày thì được xác định là thai đang phát triển và tiếp tục cho thuốc dưỡng thai đến ngày siêu âm để xác định túi thai và tim thai.
Nếu kết quả sau 2 ngày không tăng hoặc giảm thì tiếp tục theo dõi. Trường hợp thai sinh hoá thì nồng độ beta HCG trở về âm tính (<5 IU/l).
Trong trường hợp chưa có thai nhưng còn phôi trữ, người vợ sẽ tiếp tục dùng phôi trữ để chuyển vào tử cung ở các chu kỳ tiếp theo mà không cần phải thực hiện lại các bước kích thích trứng, chọc hút trứng.
Lời kết
Thụ tinh trong ống nghiệm là một quá trình dài hơi và đòi hỏi sự chuẩn bị nhiều mặt trước khi thực hiện cả về tài chính, sức khỏe và tâm lý. Tổng chi phí cho 1 ca IVF rơi vào khoảng 70 – 100 triệu đồng.
Một số bệnh viện thực hiện IVF có tỉ lệ thành công cao hiện nay ba mẹ có thể tham khảo gồm: Bệnh viện Bưu điện (khoảng 75 triệu), Bệnh viện Từ Dũ (khoảng 60 triệu), Bệnh viện Tâm Anh (khoảng 90 triệu), Bệnh viện Hồng Ngọc (khoảng 170 triệu), Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec (khoảng 100 triệu)… Đây là chi phí tham khảo và có thể thay đổi tùy thuộc từng trường hợp.
Mặc dù là phương pháp hỗ trợ sinh sản có tỷ lệ thành công cao nhưng các cặp vợ chồng cũng nên chuẩn bị tâm lý có thể không thành công ngay trong lần thực hiện đầu tiên.
Bài viết trên đây đã phần nào giải thích quy trình làm IVF cho các cặp vợ chồng đang mong con. Hãy xác định trước đây sẽ là một hành trình khó khăn hơn bình thường, nhưng chỉ cần nghĩ đến việc ôm con yêu trong vòng tay thì chắc hẳn ba mẹ nào cũng sẽ được tiếp thêm động lực để thực hiện.
Xem thêm
- Thụ thai IVF sau 40 tuổi – Giảm khiếm khuyết dị tật bẩm sinh cho bé!
- Hiểu đúng về vô sinh hiếm muộn – Nỗi lo của các cặp vợ chồng thời hiện đại
- Ít trứng khi làm IVF có khả năng mang thai không?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!