8 bước sống còn cho quá trình vượt cạn – Mẹ sinh thường đã sẵn sàng để bước vào phòng sinh?

Mặc dù phần lớn các mẹ đều mong muốn con yêu chào đời đủ ngày đủ tháng nhưng quá trình chuyển dạ vẫn có thể đến sớm hơn dự kiến. Các cơn đau đẻ hoàn toàn có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào ngay cả từ tuần thứ 34-35 trở đi.

Mẹ sinh thường nên chuẩn bị những gì để công cuộc này diễn ra thuận lợi và sinh nở dễ dàng nhất mà không quá đau đớn? Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:

  • Mẹ cần chuẩn bị đồ dùng đi sinh sẵn sàng từ tuần thai thứ 34
  • Nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ của cơ thể để biết rằng mẹ đang bắt đầu bước vào quá trình sinh thường
  • Các thủ tục nhập viện mẹ cần biết
  • Mẹ bầu nên chuẩn bị tâm lý thoải mái cho quá trình sinh thường
  • Thời điểm chờ sinh có thể nhanh chóng hoặc kéo dài, mẹ nên làm gì trong lúc này?
  • Mẹ nên tập hít thở để giảm thiểu các cơn đau khi cổ tử cung mở lớn
  • Hãy tư vấn với bác sĩ để sử dụng dịch vụ đẻ không đau
  • Rặn sinh cho đúng cách – mẹ bầu đã biết về điều này?

1. Mẹ cần chuẩn bị đồ dùng đi sinh sẵn sàng từ tuần thai thứ 34

Mặc dù phần lớn các mẹ đều mong muốn con yêu chào đời đủ ngày đủ tháng nhưng quá trình chuyển dạ vẫn có thể đến sớm hơn dự kiến. Các cơn đau đẻ hoàn toàn có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào ngay cả từ tuần thứ 34-35 trở đi. Do đó, để không bị động và luôn sẵn sàng cho công cuộc sinh nở, mẹ cần sắp xếp túi đồ đi sinh của mình hoàn chỉnh ở ngay từ tuần thai này.

Điều cần chú ý đầu tiên là nên tìm hiểu về dịch vụ sinh con tại bệnh viện nơi mẹ chọn để sinh bé trước khi chuẩn bị đồ vì có nhiều bệnh viện hiện đại cung cấp gần như đầy đủ mọi thứ cho sản phụ. Nếu không tham khảo sẽ dẫn đến lãng phí.

Đồ dùng đi sinh thông thường bao gồm 2 túi là túi đồ của mẹ và túi đồ của bé.

Đừng bỏ lỡ:

Mẹ nên chuẩn bị sẵn sàng túi đồ đi sinh cho quá trình sinh thường

Trong túi đồ của bé sơ sinh sẽ có các vật dụng như:

  • Quần áo của bé
  • Tã giấy hoặc tã vải
  • Tất, bao chân, bao tay
  • Băng rốn
  • Khăn sữa
  • Khăn lông nhỏ và khăn lông to để tắm và trùm cho bé
  • Giấy ướt
  • Phích đựng nước sôi
  • Một hộp sữa công thức gồm bình sữa, dụng cụ pha sữa để phòng trường hợp cần đến.
  • Một bộ quần áo dành cho mẹ sau khi ra viện.

Tất cả đồ này nên đóng gói trong 1 túi chung vì thường chỉ được dùng đến sau khi bé chào đời và chuyển ra phòng hậu sản.

Trong túi đồ của mẹ nên gồm các vật dụng như sau:

  • Áo bầu có cúc cài phía trước.
  • Túi vệ sinh cá nhân (bàn chải, kem đánh răng, …)
  • Tất
  • Quần lót
  • Băng vệ sinh (nên là loại dày)
  • Các giấy tờ cần thiết để đi sinh (sổ khám thai, sổ hộ khẩu, bảo hiểm)
  • Tất cả các vật dụng này nên được sắp trong một túi nhỏ.

Các giấy tờ cần thiết mẹ cần chuẩn bị khi đi khám chuẩn bị sinh thông thường bao gồm như sau:

  • Sổ khám thai
  • Phiếu siêu âm
  • Các giấy tờ xét nghiệm trong quá trình mang thai
  • Bản sao hộ khẩu thường trú để tiện cho việc chứng sinh khi xuất viện.
  • Giấy chứng minh thư nhân dân và bản sao
  • Thẻ bảo hiểm y tế (còn hạn sử dụng) và bản sao.
  • Giấy chuyển viện (nếu có)

Nhận biết các dấu hiệu mẹ sinh thường

2. Nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ của cơ thể để biết rằng mẹ đang bắt đầu bước vào quá trình sinh thường

Một em bé sẽ chào đời đủ ngày đủ tháng từ tầm tuần thứ 38 trở đi. Do đó, vào thời điểm này, các mẹ hãy quan sát dấu hiệu chuyển dạ hàng ngày để biết khi nào mình cần kịp thời nhập viện.

- Cảm giác đau nặng bụng dưới

- Các cơn gò tử cung xuất hiện đều đặn và tần suất nhiều lên (3 cơn gò trong 1 phút hoặc 5 phút một cơn gò).

- Vùng âm đạo xuất hiện dịch nhầy máu hồng.

Ngoài ra, nếu mẹ bầu thấy có các hiện tượng như rỉ ối, chảy nước ối, chảy máu âm đạo, thai máy yếu hoặc máy ít đi, hoa mắt chóng mặt, phù nề, huyết áp cao, các cơn gò xuất hiện nhiều thì cũng cần nhanh chóng đến bệnh viện.

3. Các thủ tục nhập viện mẹ cần biết

Tại quầy làm thủ tục, mẹ bầu cùng người nhà phải hoàn thành việc điền các thông tin cần thiết để chuẩn bị cho quá trình đi sinh.

Sau khi xong xuôi, mẹ bầu chỉ cần mang theo túi nhỏ đựng giấy tờ. Cởi bỏ hết các vật dụng cá nhân như đồ trang sức, đồng hồ, điện thoại cùng túi đồ lớn đựng đồ đi sinh của mẹ và bé để người thân giữ giữ.

Tại phòng khám mẹ bầu, các mẹ sẽ được kiểm tra tổng quát sức khỏe như đo huyết áp, cân nặng, nhiệt độ, nhịp thở, khám toàn thân và khám sản khoa để biết tình trạng thai phụ cũng như thai nhi để có hướng theo dõi và xử trí thích hợp.

Mẹ bầu nên chuẩn bị tâm lý thư giãn cho quá trình sinh thường

4. Mẹ bầu nên chuẩn bị tâm lý thoải mái cho quá trình sinh thường

Các cơn đau có thể sẽ ngày càng nhiều hơn đối với mẹ bầu sinh thường vào thời điểm nhập viện và khám thai. Tuy vậy, mẹ nên nhớ rằng, công cuộc chuyển dạ sẽ dễ dàng hơn nếu mình nắm vững các kiến thức sinh nở cũng như hợp tác thật tốt với y tá, bác sĩ và tự tin vào chính bản thân mình.

Luôn tạo tâm lý cố gắng thoải mái và đừng quá sợ hãi. Đây là một hành trình hết sức tự nhiên. Mọi đau đớn rồi sẽ qua khi mẹ nhìn thấy bé yêu chào đời khỏe mạnh. Hãy nghĩ đến điều này như một động lực để mẹ được sinh đẻ thuận lợi hơn.

5. Thời điểm chờ sinh có thể nhanh chóng hoặc kéo dài, mẹ nên làm gì trong lúc này?

Một thai phụ có thể sinh ngay sau thời điểm có dấu hiệu sinh xuất hiện vài tiếng đồng hồ nhưng cũng có thể kéo dài đến hơn 20 tiếng. Đây thực sự là khoảng thời gian với nhiều khó chịu và đau đớn. Chính vì vậy, trong lúc này, mẹ bầu nên:

- Đi lại nhẹ nhàng.

- Có thể nhấp nước để cảm thấy dễ chịu hơn.

- Ăn nhẹ tại bệnh viện và chuẩn bị cho thời điểm đau đẻ thực sự.

Hình ảnh mẹ sinh thường tập luyện hít thở trước khi sinh

6. Mẹ nên tập hít thở để giảm thiểu các cơn đau khi cổ tử cung mở lớn

Các cơn đau sẽ nhiều hơn khi cổ tử cung mở rộng tầm 4 cm trở lên. Đây cũng là thời điểm thai phụ sẽ được đưa vào phòng sinh để theo dõi tim thai và cơn gò. Các y tá sẽ theo dõi một tiếng một lần về mức độ mở cũng như quá trình chuyển dạ của thai phụ.

Vào thời điểm này, mẹ bầu cần hít thở như sau:

- Hít vào và thở ra từ từ bằng miệng.

- Điều chỉnh nhịp thở ngày càng nông hơn.

- Lâu lâu hít sâu một lần.

Việc thở từ từ sẽ giúp mẹ cảm thấy dễ chịu hơn khi tử cung co thắt nhiều và mạnh.

Đừng bỏ lỡ:

Quá trình cận cảnh mẹ sinh thường có thể ít đau đớn hơn với phương pháp đẻ không đau

7. Hãy tư vấn với bác sĩ để sử dụng dịch vụ đẻ không đau

Ngày nay, quá trình sinh đẻ của mẹ bầu sẽ bớt đau đớn hơn với các phương pháp đẻ không đau. Mẹ bầu nên tham khảo gói dịch vụ này trước thời điểm sinh để trao đổi với bác sĩ.

Trong khi sinh thường, nếu cổ tử cung mở chưa quá 6 cm và mẹ không có chống chỉ định gây tê thì sẽ được áp dụng cách đẻ không đau bằng phương pháp gây tê tủy sống.

Ưu điểm của cách sinh không đau này là mẹ bầu sẽ giảm bớt đau đớn nhưng vẫn có cảm giác rặn đẻ. Sau sinh mẹ cũng ít mất sức hơn so với đau đẻ như bình thường.

Các bước thực hiện:

Theo Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Tịnh - Bác sĩ Gây mê - Hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, mẹ bầu sẽ ngồi hoặc nằm nghiêng một bên và giữ nguyên tư thế này. Bác sĩ sẽ tìm khoang ngoài màng cứng (nằm giữa 2 đốt sống). Sản phụ sẽ được sát trùng rất kỹ vùng lưng và thực hiện gây tê tại chỗ với một cây kim rất nhỏ.

Bác sĩ sau khi xác định được khoang ngoài màng cứng sẽ đặt ống thông vào đó và cố định dọc theo lưng. Sau đó bơm thuốc tê qua ống thông vào khoang ngoài màng cứng, sau khoảng 10 phút cơn đau sẽ giảm hẳn sau khoảng 10 phút.

Một liều thuốc tê qua ống thông vào khoang ngoài màng cứng có tác dụng giảm đau trong khoảng thời gian từ 45 – 70 phút.

Bé chào đời và công cuộc sinh thường của mẹ thành công tốt đẹp

8. Rặn sinh cho đúng cách – mẹ bầu đã biết về điều này?

Mẹ nên biết rằng, quá trình rặn đẻ sẽ chỉ được thực hiện khi bác sĩ cho phép. Việc rặn đẻ sao cho đúng cách sẽ giúp rút ngắn thời gian sinh nở, mẹ bầu ít bị mất sức cũng như an toàn hơn cho bé.

Do đó, mẹ cần chú ý rặn đẻ khi thời điểm cơn gò xuất hiện. Hãy hít vào và thở ra một nhịp để chuẩn bị cho việc rặn. Sau đó, hít một hơi dài, miệng ngậm kín, mắt hướng về phía bụng để rặn. Hết hơi này, tiếp hơi khác. Khi hết cơn gò, mẹ cần hít vào và thở ra 2 nhịp để cân bằng lại lực của cơ thể rồi chờ đến cơn gò tiếp theo.

Cứ thế cho đến khi em bé chui ra, hoàn thành việc sổ nhau thai là coi như quá trình sinh thường của mẹ đã hoàn thành tốt đẹp.

Theo: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Xem thêm

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

Minh Hương