Phân trẻ sơ sinh có mùi chua phản ánh vấn đề sức khỏe nào ở bé?

Phân trẻ sơ sinh có mùi chua có thể do bé đang không dung nạp glucose, không hấp thụ tốt dinh dưỡng, bị nhiễm khuẩn đường ruột hoặc đang dùng kháng sinh. Xử lý thế nào khi bé đi ngoài có mùi chua?

Vì sao phân trẻ sơ sinh có mùi chua?

Thông thường, vài ngày đầu tiên sau khi chào đời, trẻ sẽ đi ngoài phân su. Lượng phân này được tạo thành từ chất nhầy, nước ối và tất cả những gì bé đã tiêu hóa khi còn nằm trong bụng mẹ nên sẽ có màu xanh đen, dính và sệt.

Sau khoảng 3 ngày bú sữa, phân của trẻ sẽ thay đổi dần, có màu sáng hơn. Lượng đi ngoài nhiều hay ít tùy thuộc vào nguồn dinh dưỡng lấy từ sữa mẹ hay sữa ngoài, kết cấu phân có thể lỏng, sệt, lợn cợn hoặc vón cục. Tuy nhiên, dạng phân này thường ít có mùi khó chịu. Vì vậy, nếu phát hiện phân trẻ sơ sinh có mùi chua, rất có thể nguyên nhân xuất phát từ những vấn đề phổ biến sau:

Quá tải đường lactose hoặc bất dung nạp lactose

Ở những trẻ đang bú mẹ hoặc uống sữa công thức, nếu cơ thể bé chưa có đủ enzym để phân giải đường lactose có trong thành phần sữa, con sẽ đi ngoài có mùi chua do dịch dạ dày xúc tác phát sinh. Thông thường, tình trạng không phân giải được lactose phổ biến hơn ở những trẻ bú mẹ hoàn toàn.

Dấu hiệu đặc trưng khi trẻ gặp vấn đề này:

  • Đi ngoài phân xanh, lỏng, có mùi chua
  • Trẻ có xì hơi nhiều và hay quấy khóc do con bị đau, chướng bụng
  • 1 số trường hợp, phân trẻ có bọt hoặc đi ngoài kiểu “ném bom” – bắn ra với lực mạnh và tung tóe.

Phân trẻ sơ sinh có mùi chua vì bé không hấp thu hết chất dinh dưỡng

Hầu hết trẻ sơ sinh đều có hệ tiêu hóa còn non nớt, chưa thể hấp thụ hoàn toàn dưỡng chất có trong sữa. Lượng đường và chất dinh dưỡng được đưa vào cơ thể bé còn dư thừa là nguyên nhân gây kích ứng dạ dày hoặc tạo điều kiện cho các vi sinh vật phát triển và làm phân bé có mùi chua khó chịu.

Ngoài ra, trong giai đoạn ăn dặm, lượng tinh bột đưa vào cơ thể quá nhiều hoặc chưa đủ chín làm hệ tiêu hóa quả tải cũng dễ gây ra tình trạng đường tiêu hóa bị kích thích khiến trẻ đi ngoài sủi bọt, có mùi chua.

Bé bị nhiễm khuẩn hoặc loạn khuẩn đường tiêu hóa

Theo kinh nghiệm của các bác sĩ tiêu hóa nhi, nhiều trường hợp phân trẻ sơ sinh có mùi chua do bé bị nhiễm virus Rota hoặc bị nhiễm khuẩn, loạn khuẩn đường tiêu hóa. Rất có thể trong quá trình chăm sóc trẻ, nguồn thực phẩm mẹ ăn rồi cho con bú không được đảm bảo hoặc khâu vệ sinh, tiệt trùng dụng cụ, cách pha chế sữa chưa được kĩ lưỡng nên 1 số loại vi khuẩn có hại đã xâm nhập được vào bên trong cơ thể bé.

Những loại vi sinh vật này không chỉ gây ra tình trạng phân trẻ có mùi chua mà còn tấn công các lợi khuẩn có trong đường ruột, gây mất cân bằng vi sinh trong hệ tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy, mất nước thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trẻ được điều trị bằng kháng sinh

Nếu để ý, mẹ sẽ thấy những trẻ bị ốm sau khi được điều trị bằng kháng sinh, sẽ đi ngoài có mùi chua. Không phải trẻ chưa khỏi bệnh mà tác dụng phụ không mong muốn của kháng sinh là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Các bác sĩ lý giải rằng, trong những trường hợp cần thiết, trẻ bắt buộc phải dùng kháng sinh để điều trị các loại vi khuẩn gây hại, nhưng đồng thời thuốc cũng tiêu diệt cả những yếu tố có lợi.

Sau liệu trình dùng kháng sinh, 1 số lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa bị suy yếu, dẫn đến việc mất cân bằng vi sinh đường ruột. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa, khiến phân trẻ sơ sinh có mùi chua.

Trẻ đi ngoài có mùi chua cũng là 1 dấu hiệu nguy hiểm cần cảnh giác

Trẻ có thể đi ngoài nhiều lần có mùi chua nhưng không phải lúc nào cũng xuất phát từ cùng 1 nguyên nhân. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cần theo dõi và đề phòng nếu phân trẻ có mùi bất thường đi kèm những dấu hiệu sau:

  • Trẻ đi phân lỏng, tiêu chảy, phân sủi bọt
  • Bé đại tiên hơn 3 lần/ngày với lượng phân nhiều hơn bình thường
  • Phân có màu xanh, mùi chua, nhưng đi dưới dạng nước lỏng, không thành khuôn
  • Trẻ mệt mỏi, xanh xao, môi khô, mắt trũng sâu, da đàn hồi kém.

Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày và phân trẻ sơ sinh vẫn còn mùi chua tanh, bọt sủi, rất có thể con đang bị tiêu chảy cấp. Lúc này cần đưa bé đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, và điều trị kịp thời.

Xử lý thế nào khi bé đi ngoài có mùi chua?

Khi thấy phân trẻ sơ sinh có mùi chua, để yên tâm nhất, bé cần được đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám, xét nghiệm tìm ra nguyên nhân. Trong trường hợp phải dùng thuốc, mẹ hãy tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ đồng thời thực hiện thêm các bước chăm sóc sau:

  • Mẹ nên thay đổi chế độ ăn và điều chỉnh lượng đường nạp vào cơ thể, hạn chế tinh bột để sữa mẹ an toàn hơn với trẻ. Nên bổ sung nhiều những thực phẩm có lợi như rau củ, hoa quả, sữa chua và chọn thức ăn sạch, có nguồn gốc rõ ràng để tránh nhiễm khuẩn, gây ra tình trạng phân trẻ có mùi chua
  • Đối với những trẻ bắt đầu dùng sữa công thức thường gặp phải tình trạng phân chua trong 2, 3 ngày đầu, mẹ nên tiếp tục theo dõi khả năng hấp thu của bé. Trong trường hợp cần thiết, có thể xem xét đổi loại sữa khác phù hợp với cơ thể bé hơn
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi cho bé bú hoặc pha chế sữa. Ngoài ra, các vật dụng như bình sữa, núm ti hoặc đồ chơi mà trẻ tiếp xúc cũng cần được đảm bảo vệ sinh
  • Đối với trường hợp phân trẻ sơ sinh có mùi chua vì bị nhiễm khuẩn hay loạn khuẩn bố mẹ có thể bổ sung các loại thực phẩm cải thiện hệ tiêu hóa của trẻ nếu con đang trong quá trình ăn dặm như ăn hoặc uống nước luộc cà rốt. Bác sĩ cũng sẽ chỉ định 1 số thực phẩm hỗ trợ như men vi sinh, men tiêu hóa để giúp bé cân bằng lại đường ruột.

Lời ngỏ

Nhiều cha mẹ do không hiểu đúng về hiện tượng đi ngoài của trẻ nên thường tự chữa trị tại nhà bằng các loại thuốc kháng sinh vì cho rằng con bị rối loạn tiêu hóa. Đây là lý do khiến tình trạng tiêu chảy của trẻ ngày càng nghiêm trọng hơn. Bố mẹ nên thường xuyên theo dõi màu sắc, kết cấu của phân và những dấu hiệu đi kèm để sớm phát hiện tình trạng bất thường của bé. Hãy cung cấp những thông tin này cho bác sĩ khi đưa bé đến thăm khám, giúp tìm đúng nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị dễ dàng hơn!

Xem thêm

 Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

ZinVi