Thông tin nhóm máu A dễ mắc Covid-19 vừa được trang South China Morning Post dẫn lại từ kết quả các nghiên cứu về dịch bệnh viêm phổi cấp tại Trung Quốc gần đây. Cũng theo nghiên cứu này, những người nhóm máu O lại có khả năng đề kháng virus cao hơn.
Người thuộc nhóm máu A dễ mắc Covid-19 hơn
Một nghiên cứu sơ bộ về các bệnh nhân ở Trung Quốc mắc bệnh viêm phổi cấp Covid-19 đã cho thấy những người có nhóm máu A có thể dễ bị nhiễm virus Corona chủng mới hơn các nhóm máu khác.
Các chuyên gia y tế tại đây đã lấy mẫu máu của hơn 2,000 bệnh nhân bị nhiễm virus tại thành phố Vũ Hán và Thẩm Quyến rồi so sánh với máu của số đông người khỏe mạnh tại địa phương. Kết quả nghiên cứu phát hiện ra rằng những bệnh nhân thuộc nhóm máu A có tỷ lệ nhiễm cao hơn và cũng có xu hướng phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Mặc dù các nhà nghiên cứu cho biết kết quả này chỉ mới là sơ bộ và cần đi sâu hơn nhưng họ cũng đã khuyến khích chính phủ và các cơ sở y tế nước sở tại xem xét sự khác biệt về nhóm máu khi lập kế hoạch giảm thiểu hoặc điều trị bệnh nhân bị nhiễm virus Corona chủng mới, hay còn gọi là virus Sars-CoV-2.
Trong báo cáo kết quả nghiên cứu được điều hành bởi giáo sư Wang Xinhuan thuộc Trung tâm nghiên cứu Y học của Bệnh viện Trung Nam Đại Học Vũ Hán, ông Wang đã đề xuất: “Những người thuộc nhóm máu A có thể tăng cường bảo hộ để giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân đã bị nhiễm bệnh do virus Sars-CoV-2 gây ra có nhóm máu A cũng cần được theo dõi thận trọng hơn và điều trị tích cực hơn.”
Nhóm máu O lại có nguy cơ mắc Covid-19 thấp hơn
Ngược lại, nhóm máu O có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn đáng kể so với các nhóm máu khác, theo một bài báo được công bố trên trang Medrxiv.org vào ngày 11 tháng 3 vừa qua.
Trong số 206 bệnh nhân đã tử vong vì nhiễm bệnh Covid-19 ở Vũ Hán thời gian vừa qua, 85 bệnh nhân có nhóm máu A, cao hơn 63% so với 52 ca nhiễm thuộc nhóm máu O. Các mẫu máu được lấy từ bệnh nhân thuộc nhiều nhóm độ tuổi và giới tính khác nhau.
Từ kết quả này, các báo cáo nghiên cứu của nhóm ông Wang về nhóm máu cho rằng nên phân loại và khai báo các nhóm máu ABO ở bệnh nhân và nhân viên y tế một cách thường xuyên để quản lý dịch bệnh hiệu quả hơn, cũng như giúp xác định các lựa chọn điều trị và đánh giá mức độ rủi ro phơi nhiễm của mọi người.
Nghiên cứu này đã được thực hiện bởi các nhà khoa học và bác sĩ từ các thành phố trên khắp Trung Quốc như Bắc Kinh, Vũ Hán, Thượng Hải và Thẩm Quyến. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu này cũng cảnh báo chưa có tính chính xác trên diện rộng và có thể có những rủi ro nếu sử dụng nghiên cứu này để hướng dẫn thực hành lâm sàng hiện tại.
Hạn chế của kết quả nghiên cứu
Một nhà nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm huyết học thực nghiệm ở Thiên Tân, Gao Yingdai, đã không tham gia vào nghiên cứu nhóm máu ở trên, mà bà Gao cho rằng cuộc khảo sát này nên được thực hiện ở diện rộng hơn và lấy mẫu ở nhiều trường hợp hơn.
Mặc dù với 2,000 mẫu thử không phải là nhỏ, so với tổng số bệnh nhân bị nhiễm virus corona hiện đã vượt quá 180,000 trên toàn cầu thì hoàn toàn không thấm thía. Một hạn chế khác của nghiên cứu là nó không đưa ra lời giải thích rõ ràng về hiện tượng này, chẳng hạn như sự tương tác phân tử giữa virus và các loại hồng cầu thuộc các nhóm khác nhau.
Sự khác biệt của các nhóm máu
Các nhóm máu được xác định bởi kháng nguyên, một loại chất trên bề mặt tế bào hồng cầu có thể kích hoạt các phản ứng miễn dịch. Nhà sinh vật học người Áo Karl Landsteiner đã phát hiện ra các nhóm máu chính vào năm 1901 và đặt tên chúng là A, B, AB và O. Phát hiện các nhóm máu cho phép việc thực hiện truyền máu an toàn bằng cách kết hợp các nhóm máu ở bệnh nhân.
Tỷ lệ nhóm máu cũng khác biệt trong số cư dân của mỗi quốc gia. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ, khoảng 44% dân số thuộc nhóm máu O, 41% người dân máu A. Còn tại thành phố Vũ Hán với dân số khoảng 11 triệu người thì có 32% thuộc nhóm máu O, 34% máu A trong số những người khoẻ mạnh.
Thực tế, các nhà khoa học vẫn không chắc chắn việc nhóm máu liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh, mặc dù cũng có giả thuyết cho rằng phân chia nhóm máu là kết quả di truyền của các loại bệnh dịch. Một số chuyên gia khác thì cho rằng các yếu tố môi trường như độ cao, nhiệt độ hoặc độ ẩm có thể góp phần vào việc gia tăng tỷ lệ của một số nhóm máu nhất định.
Theo các nghiên cứu trước đây, sự khác biệt về nhóm máu ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh đã được ghi nhận trong các bệnh truyền nhiễm khác như virus Norwalk, viêm gan B và hội chứng hô hấp cấp tính (Sars).
Người nhóm máu A không nên quá lo lắng
Bà Gao thuộc phòng thí nghiệm Thiên Tân cũng cho biết nghiên cứu mới có thể hữu ích cho các chuyên gia y tế, nhưng những người khoẻ mạnh bình thường cũng không nên quá coi trọng số liệu thống kê.
Nếu bạn thuộc nhóm A, không cần phải hoảng sợ việc nhóm máu A dễ mắc Covid-19, vì điều đó không có nghĩa là bạn sẽ bị nhiễm 100%. Còn nếu bạn thuộc nhóm máu O cũng không có nghĩa là bạn an toàn tuyệt đối. Dù nhóm máu gì chúng ta vẫn cần rửa tay và làm theo hướng dẫn phòng dịch của cơ quan y tế.
Theo scmp
Xem thêm:
- 101 thông tin quan trọng về Corona mẹ cần biết!
- 8 cách giúp bố mẹ giữ trẻ trong tuần nghỉ vì dịch corona và cách phòng dịch tại nhà
- Virus Corona lần đầu tiên được tìm thấy trên tay nắm cửa