Nhịp thở của trẻ sơ sinh có lúc nhanh, có lúc chậm, thi thoảng còn có lúc bé như ngưng thở. Vậy làm cách nào để xác định được khi nào nhịp thở của trẻ sơ sinh là bình thường?
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Nhịp thở trẻ sơ sinh dao động ở mức nào là bình thường?
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Nhịp thở của trẻ sơ sinh có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của trẻ. Việc theo dõi nhịp thở của trẻ sơ sinh có thể giúp ba mẹ nhận biết một số vấn đề bất thường để kịp thời xử trí và có phương pháp điều trị tốt nhất. Nhịp thở bình thường của trẻ được tính khi trẻ đang ngủ hoặc nghỉ ngơi và tùy từng độ tuổi của trẻ sẽ có nhịp thở khác nhau. Mẹ có thể kiểm tra nhịp thở của trẻ sơ sinh bằng cách kề tai gần mũi và miệng bé. Từ đó lắng nghe hơi thở của trẻ có êm đều hay là khò khè? Hơi thở có tiếng rít hay không? Mẹ cũng có thể đếm nhịp thở của trẻ thông qua cử động lồng ngực nhô lên hạ xuống của trẻ.
Đối với trẻ sơ sinh, nhịp thở bình thường nằm trong khoảng 30-60 lần/phút.
Đối với trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi thường có nhịp thở không đều. Vì vậy nếu đếm lần 1 thấy nhịp thở lớn hơn 60 lần/phút thì nên đếm lại lần 2. Nếu số nhịp thở cao hoặc thấp hơn bình thường, ba mẹ nên chú ý đến trẻ hơn.
Hơi thở tuần hoàn của trẻ sơ sinh đi từ những lần hít – thở sâu và nhanh dần đến hít thở chậm và hơi thở nông dần. Thỉnh thoảng, trẻ sẽ ngưng thở trong một vài giây, sau đó sẽ bắt đầu hơi thở tuần hoàn mới. Trẻ sơ sinh thường thở nhanh hơn so với người lớn và các bé lớn.
Nếu trẻ thở gấp trong khi bé ngủ, đó có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Vấn đề này sẽ thường gặp ở trẻ em từ 2-8 tuổi. Ngoài ra, hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể kèm theo các triệu chứng khác như ngáy. Tốt nhất là bố mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để thăm khám khi xuất hiện các trạng thái này.
Nhịp thở của trẻ bất thường khi nào?
Theo bác sĩ Nam, trẻ sơ sinh có xu hướng có nhịp thở không đều xen kẽ giữa nhanh và chậm, thỉnh thoảng ngưng thở. Nếu trẻ thở nhanh, thở gấp, khó thở, lồng ngực rung lên, thở rít, xuất hiện các cơn co kéo hô hấp nhất là tình trạng lõm ức và rút lõm lồng ngực, có cơn ngừng thở trên 10 giây hoặc tím tái, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay vì đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lí như viêm phế quản, hen suyễn, viêm phổi,…
Nếu trẻ sơ sinh nhưng được 1 tuổi nhưng có nhịp thở hơn 60 nhịp/ phút thì ba mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Thở nhanh ở trẻ dưới 2 tuổi là triệu chứng của bệnh viêm phế quản. Thông thường, trẻ hay mắc bệnh viêm phế quản vào mùa đông và mùa xuân. Bệnh này sẽ kèm các triệu chứng khác đi kè như sổ mũi, ho, sốt nhẹ, khò khè, biếng ăn… Càng để lâu, bệnh viêm phế quản sẽ dần lan vào phổi, chuyển thành viêm phổi. Với trẻ dưới 1 tuổi mà nhịp thở trên 70 nhịp/phút thì thường là triệu chứng của viêm phổi nặng.
Cùng với nhịp thở nhanh, trẻ bị viêm phế quản có dấu hiệu rút lõm lồng ngực trẻ hít vào. Nơi rút lõm là ở ranh giới giữa ngực và bụng. Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi có dấu hiệu rút lõm lồng ngực là biểu hiện bình thường. Bởi vì lúc này, thành ngực bé còn mềm. Nhưng nếu dấu hiệu rút lõm nặng, sâu thì là dấu hiệu của viêm phổi.
Khi viêm thanh quản, nắp thanh quản của trẻ bị phù nề. Nó sẽ gây nên sự co thắt, hẹp lại, cản trở thông khí ở phổi của bé. Từ đó, trẻ thở khò khè và có tiếng rít trong khi thở. có khi trẻ sơ sinh có nhịp thở nhanh cũng là triệu chứng trẻ mắc hen suyễn.
Đặc biệt chú ý khi bé ngưng thở quá 20 giây
Bình thường, trẻ sơ sinh có thể ngừng thở trong 5 hoặc 10 giây. Sau đó trẻ sẽ trở lại thở bình thường. Nhưng nếu nó kéo dài hơn 10 giây hoặc trẻ bị tím tái, hãy đưa trẻ đi cấp cứu gấp. Việc trẻ ngưng thở trên 20 giây là dấu hiệu nghiêm trọng.
Trong khi nhờ người gọi cấp cứu, mẹ nên thực hiện hô hấp nhân tạo cho trẻ. Hãy để trẻ nằm ngửa, hơi ngửa đầu trẻ ra sau, để miệng trẻ hé ra. Mẹ thổi hơi vào miệng trẻ, sau đó rời khỏi miệng trẻ trong khoảng 1 giây. Lặp lại thao tác thổi hơi 4 lần nữa. Tiếp đó, mẹ đặt 2 ngón tay vào giữa ngực trẻ, nhấn xuống 30 lần. Nếu trẻ chưa có dấu hiệu lay tỉnh, mẹ thổi hơi cho trẻ thêm 2 lần. Đồng thời mẹ cần ấn ngực 30 lần và lại thổi hơi 2 lần… Mẹ liên tục thực hiện như thế cho đến khi trẻ thở trở lại hoặc có nhân viên y tế đến.
Hãy luôn chú ý để nhịp thở của trẻ
Quan sát nhịp thở của trẻ sơ sinh sẽ giúp mẹ chủ động hơn trong việc chăm sóc trẻ. Đồng thời mẹ có thể nhanh chóng phát hiện ra những bất thường và có cách xử trí đúng. Đây là cách tốt nhất để ta tránh được tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra.
Xem thêm
Trẻ sơ sinh ngủ ngáy, thở khò khè có nguy hiểm không?
Cách theo dõi nhịp thở của con để phòng tránh rủi ro bệnh tật (Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh)
Trẻ sơ sinh thở khò khè, bình thường hay cần theo dõi điều trị?