Nhiều mẹ lo lắng không biết bị nhau bám mép có sinh thường được không và phải điều trị thế nào? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết này mẹ nhé!
Hiện tượng nhau bám mép là gì?
Nhau thai (hay còn gọi là bánh nhau, bánh rau) là một cơ quan nối bào thai với thành tử cung. Cơ quan này có chức năng cung cấp các chất dinh dưỡng cho thai nhi qua máu của người mẹ.
Thông thường, bánh nhau bám ở mặt trước, mặt sau hoặc ở đáy tử cung, nếu một phần hay toàn bộ bánh nhau không nằm ở vị trí này mà nằm ở đoạn dưới tử cung, nơi gần cổ tử cung thì gọi là nhau tiền đạo.
Trong đó, nhau bám mép là một dạng của hiện tượng nhau tiền đạo, đó là khi bờ nhau nằm ở vị trí sát mép lỗ trong cổ tử cung. Khi chuyển dạ, cổ tử cung mở có thể sờ thấy mép bánh nhau. Ngoài ra, nhau tiền đạo còn có các dạng như nhau bám thấp, nhau tiền đạo bán trung tâm, nhau tiền đạo trung tâm. Tất cả những hiện tượng này đều nguy hiểm.
Dấu hiệu của hiện tượng nhau bám mép
Thông thường, dấu hiệu nhận biết mẹ bị nhau bám mép là mẹ chảy máu đỏ ở âm đạo một cách đột ngột, không rõ nguyên nhân, cũng không kèm đau bụng. Lượng máu ra thường ít trong lần đầu và ngày càng tăng lên ở những lần sau, đặc biệt là khi mẹ bầu đi lại nhiều, làm việc nặng hoặc khi quan hệ thì sẽ càng dễ ra máu hơn.
Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt, bánh nhau bám mép nhưng lại không hề chảy máu cho đến khi mẹ chuyển dạ mới chảy máu từ ít đến ồ ạt. Chính vì điều này nên để nhận biết mẹ có bị nhau bám mép hay không thì phải siêu âm mới kết luận chính xác được. Qua siêu âm định kỳ, ngoài việc khảo sát hình thái thai nhi, đo trọng lượng, số đo cơ thể của thai,… thì việc xác định vị trí bánh nhau cũng là một trong những việc làm quan trọng.
Nhau bám mép có nguy hiểm không?
Hiện tượng nhau bám mép có nguy cơ dẫn đến nhau tiền đạo, gây chảy máu âm đạo trầm trọng trong 3 tháng cuối thai kỳ, trong chuyển dạ và sau sinh, đồng thời gây nên tình trạng đẻ khó, trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ và thai nhi.
Ngoài ra, vì bánh nhau nằm ở phần dưới tử cung khiến thai nhi rất khó để xoay đầu xuống nên dễ dẫn đến tình trạng ngôi thai bất thường (ngôi mông hay ngôi ngang).
Nếu tuổi thai còn nhỏ, vị trí bánh nhau bám có thể được cải thiện tốt hơn khi tuổi thai càng lớn và tử cung phát triển lớn lên. Để cải thiện vị trí nhau cũng như hạn chế nguy cơ sinh non, sảy thai,… mẹ nên hạn chế đi lại và phải theo dõi sát sao trước khi chuyển dạ. Với trường hợp nguy hiểm, mẹ bị ra máu quá nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ mổ lấy thai sớm bất kể thai đã đủ tháng hay chưa.
Nhau bám mép có sinh thường được không?
Khi bị nhau bám mép tức là bánh nhau đã lấp đi 1 phần của lỗ tử cung, điều này gây cản trở quá trình chuyển dạ, khiến thai khó đi qua đường âm đạo. Hơn nữa, khi chuyển dạ, cổ tử cung của mẹ sẽ mở ra gây hiện tượng chảy máu ồ ạt trước khi thai nhi ra ngoài, khiến nhiều mẹ bị choáng, ngất, thậm chí là tử vong. Vậy trường hợp đã đến ngày sinh, mẹ bị nhau bám mép có sinh thường được không?
Theo các chuyên gia và bác sĩ, tùy vào thể trạng của mẹ khi bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ mà bác sĩ sẽ quyết định để mẹ sinh thường hay sinh mổ. Nhiều trường hợp nhau bám mép vẫn có thể sinh ngả âm đạo được nếu mẹ không ra máu nhiều và không có bất thường gì khác. Trước khi quyết định phương thức sinh thường hay sinh mổ, mẹ sẽ được siêu âm kiểm tra lại để xác định vị trí bánh rau. Tuy nhiên, thông thường vẫn sẽ là sinh mổ để đảm bảo an toàn.
Mẹ cần làm gì khi bị nhau bám mép?
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp y khoa nào có thể can thiệp và điều trị được tình trạng nhau bám mép. Tuy nhiên, mẹ có thể chú ý dưỡng thai thật kỹ để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra gây nguy hiểm cho mẹ và bé như:
- Ăn uống bổ dưỡng
- Nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, hạn chế đi lại, vận động và tuyệt đối không gây bất kỳ chấn động nào cho vùng bụng để tránh làm kích thích tử cung chảy máu.
- Tránh quan hệ tình dục
- Khám thai thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi sát sao tình trạng của nhau
- Nhập viện ngay khi có dấu hiệu chảy máu âm đạo
Vừa rồi là những thông tin giải đáp cho thắc mắc nhau bám mép có sinh thường được không. Vị trí bánh nhau có thể thay đổi theo thời gian nên mẹ bầu cũng đừng quá lo lắng. Hãy cố gắng dưỡng thai cẩn thận và giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái để hạn chế những nguy hiểm cho con mẹ nhé.
Xem thêm:
- Nhau thai bám thấp – Mẹ bầu có nguy cơ dọa sinh non, không thể đẻ thường?
- Sự thật về bước đẻ cuối cùng giúp mẹ phòng tránh biến chứng băng huyết
- Sanh đôi và hội chứng biến mất thai đôi – Mang song sanh nhưng chỉ sanh ra một bé! Một bé biến mất!