Khi còn nhỏ, Benjamin Carson thường bị mọi người nói là đứa trẻ đần độn và thất bại vì tính cách ngỗ ngược và thành tích học tập kém cỏi ở trường. Thế nhưng nhờ tình yêu thương và cách giáo dục tuyệt vời của mẹ, ông đã có một sự nghiệp lẫy lừng với danh tiếng vươn xa trên toàn thế giới.
Cuộc đời của bác sĩ, chính trị gia lừng danh Benjamin Carson có lẽ đã rất khác nếu như ông không có được một người mẹ vĩ đại như bà Sonya Carson. Người mẹ đơn thân mù chữ này đã không để những lời chê bai của mọi người xung quanh đẩy con trai mình vào bóng tối của thất bại và quên lãng.
Tuổi thơ buồn của đứa trẻ da màu nghèo khổ, bị bỏ rơi và xua đuổi
Benjamin Carson là một người Mỹ gốc Phi. Ông sinh ngày 18/09/1951 tại vùng quê Tennessee thuộc tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ. Benjamin là con thứ 2 của Sonya Carson, một phụ nữ mù chữ lập gia đình khi chỉ mới 13 tuổi. Cay đắng hơn, cha của Benjamin thực tế đã có một gia đình khác trước khi cưới mẹ ông. Phát hiện ra điều này, bà Sonya đau khổ và quyết định ly hôn khi ông được 8 tuổi. Bà mẹ đơn thân khi ấy phải làm giúp việc cho các gia đình trung lưu Mỹ để nuôi dưỡng ông và anh trai.
Việc sinh trưởng trong hoàn cảnh éo le đó đã hình thành trong Benjamin nhiều tính cách ngỗ nghịch và tiêu cực. Ông rất nóng tính, hay đánh nhau với bạn bè. Benjamin cũng chơi bời lêu lỏng và bỏ bê việc học. Ở trường, ông học rất tệ, tiếp thu bài chậm và bị bạn bè gọi là “kẻ đần độn”, “thằng thất bại”. Khi đó, Benjamin cũng đã chấp nhận rằng bản thân mình rồi sẽ thành một kẻ bỏ đi, không làm được trò trống gì.
Người mẹ vĩ đại không bao giờ ngừng tin tưởng con mình
Khi đó, chỉ duy nhất bà Sonya vẫn luôn đặt niềm tin vào con mình. Bà không bao giờ xem thường khả năng của Benjamin như những người khác. Người mẹ đơn thân và không biết chữ ấy dùng tất cả những từ ngữ yêu thương và trìu mến nhất để động viên đứa con nghịch ngợm và lười biếng của mình. “Con không hề ngu dốt”, “Con sẽ thành công khi con cố gắng”, “Con chỉ chưa phát huy hết những khả năng của mình mà thôi”… Bà Sonya không có nhiều tiền, không có một gia đình trọn vẹn, thứ lớn nhất bà cho con chính là lòng tin tuyệt đối vào bản thân cậu.
Đọc sách thay vì xem Tivi
Không chỉ nói suông, bà Sonya còn bắt con phải thay đổi lối sống. Khi giúp việc trong các gia đình giàu có, bà thấy rằng bí quyết giúp họ thành công hơn người khác là đọc nhiều sách hơn là xem Tivi. Bà lập tức đặt ra ngay 3 quy tắc mới với 2 con của mình.
Đầu tiên Benjamin và anh trai chỉ được xem 2 chương trình Tivi mỗi tuần. Thứ 2, các cậu chỉ được xem Tivi sau khi đã hoàn thành bài tập. Và cuối cùng cũng là quan trọng nhất, mỗi tuần Benjamin phải mượn 2 quyến sách ở thư viện và đọc hết. Sau đó sẽ phải kể lại nội dung sách cho bà nghe.
Thương con nhưng cũng rất nghiêm khắc, bà buộc Benjamin phải tuân thủ tuyệt đối 3 quy tắc kể trên. Ban đầu ông tỏ ra vô cùng bất mãn. Tuy nhiên dần dần, Benjamin nhận ra mình sẽ biết thêm rất nhiều điều mới từ việc đọc sách. Ông không còn xem tivi mà lao đầu vào các quyển sách. Nhờ việc kể lại cho mẹ nghe, ông có cơ hội ôn luyện những gì mình đọc được thêm 1 lần nữa. Chính việc bà Sonya khuyên con đọc sách tiền đề để ông vượt lên số phận và trở thành một người thành công về sau.
Chịu trách nhiệm thay vì đổ lỗi
Bà Sonya không bao giờ muốn con mình thất bại, ngay cả trong suy nghĩ. Bà cho rằng việc bao biện, xin lỗi và đổ lỗi chỉ là hành động của một kẻ thua cuộc. Thay vào đó, con trai của bà phải là một người đàn ông mạnh mẽ, dám chịu trách nhiệm. Quan trọng hơn, bà muốn con mình phải luôn biết cách tìm ra giải pháp cho các vấn đề.
Để làm gương cho con, bà luôn luôn mạnh mẽ nhận trách nhiệm trong mọi chuyện. Chưa bao giờ Benjamin và anh trai thấy mẹ đỗ lỗi cho ai khác. Bà cũng không bao giờ đầu hàng số phận của mình. Sau này ông đã kể lại: “Mỗi khi chúng tôi định bào chữa cho bản thân, mẹ đều hỏi: Các con có não để suy nghĩ không? Tất nhiên chúng tôi sẽ trả lời là có, và mẹ thì sẽ bảo: Vậy dùng não mà nghĩ cách giải quyết”.
Quả ngọt từ niềm tin và sự nỗ lực của mẹ và con
Những bài học tưởng chừng đơn giản của bà Sonya dành cho Benjamin đã thay đổi hoàn toàn số phận của cậu. Benjamin học ngày một tốt hơn và đứng đầu trường học của mình. Ông giành học bổng vào Đại học Yale danh giá và liên tục cố gắng hoàn thiện bản thân. Ông trở thành giám đốc phẫu thuật thần kinh nhi của bệnh viện nổi tiếng Hoa Kỳ Johns Hopskin. Benjamin nổi tiếng trên toàn thế giới sau khi tách thành công 2 bé trai song sinh dính đầu ở Đức vào năm 1987.
Ông là tác giả của 3 cuốn sách nằm trong top bán chạy nhất thế giới. Đứa con trai ngỗ nghịch, lêu lổng ngày nào của bà Sonya thành một biểu tượng về tinh thần vượt lên số phận và hướng tới thành công. Ông đi khắp nơi động viên học sinh vượt khó nỗ lực, trao nhiều phần quà học bổng khích lệ trẻ em trên toàn nước Mỹ. Năm 2006, ông là một trong số những ứng viên tổng thống Mỹ. Ngoài ra, Benjamin còn được tổng thống Mỹ George W. Bush trao tặng huân chương tự do vì những đóng góp lớn lao của ông.
Đứa con thành công của một người mẹ thành công
Hơn ai hết, bà Sonya Carson là người tự hào và hạnh phúc nhất với những gì con trai mình đã và đang làm được. Bà và các con từng có một cuộc sống khó khăn, một số phận long đong và đầy trắc trở. Thế nhưng người mẹ da màu mù chữ, đơn thân và nghèo khổ ấy chưa bao giờ chịu thất bại và đầu hàng số phận. Bà đã dìu dắt các con vượt qua tất cả gian nan và thử thách. Benjamin vĩ đại và thành công vì mẹ ông, bà Sonya Carson cũng là một người mẹ vĩ đại và thành công.
Xem thêm
Top 5 cuốn sách dạy con thành công mà cha mẹ nào cũng phải đọc
“PARENT” – công thức nuôi dạy những đứa con hạnh phúc của bố mẹ Đan Mạch
62 Quy tắc nuôi dạy con của người Đức – thành người hữu dụng, trách nhiệm và kỷ luật