Mụn sữa trẻ em có nguy hiểm không? Mụn sữa ở trẻ thường sẽ tự hết hay phải điều trị? Chăm sóc bé bị mụn sữa thế nào là đúng cách? Tất cả sẽ có ngay sau đây, mời mẹ tham khảo nhé!
Tìm hiểu về mụn sữa trẻ em
Hiện tượng mụn sữa còn được gọi là bệnh hạt kê ở trẻ em. Các nốt mụn sữa là kết quả của một loại protein được gọi là keratin bị mắc kẹt bên dưới bề mặt da. Đây là tình trạng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, có đến 20% trẻ sinh ra gặp hiện tượng này. Đa phần, mụn sữa sẽ phát triển trong vòng 2 – 4 tuần sau sinh, tuy nhiên cũng có vài trường hợp trẻ mới sinh ra đã bị nổi mụn sữa.
Mụn sữa thường xuất hiện ở đâu?
Trẻ bị mụn sữa đa phần là ở khuôn mặt, đặc biệt là vùng má và mũi. Ở một số trẻ, mụn sữa có thể lan ra các vùng như da đầu, cổ, lưng, ngực, chân, tay,… Mụn sẽ tấy đỏ và nổi rõ hơn khi trẻ quấy khóc, khi gặp thời tiết nóng, khi da bị dính nước bọt, sữa hoặc trẻ tiếp xúc với ga giường, quần áo được làm từ vải thô ráp,…
Đặc điểm của mụn sữa
- Nốt mụn nhỏ bằng mũi kim, kích thước khoảng 1 – 2 mm
- Màu trắng hoặc vàng ngọc trai như hạt gạo
- Hình vòm
- Bình thường mụn không gây ngứa hoặc đau nhưng khi vỡ ra, chúng có thể khiến trẻ bị ngứa hoặc đau rát
- Mọc xum xuê, có xu thế lan rộng
- Có thể gây sưng đỏ và mưng mủ
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị mụn sữa
Do ảnh hưởng của nước ối
Sở dĩ trẻ sơ sinh bị mụn sữa trong những ngày đầu sau khi vừa sinh ra là do làn da của con phản ứng với thành phần của nước ối khi còn trong bụng mẹ.
Trẻ dị ứng với các thành phần trong sữa mẹ
Các loại thuốc mẹ dùng trong giai đoạn sau khi sinh có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ, khiến trẻ bú mẹ bị dị ứng dẫn tới tác dụng phụ là mụn sữa. Ngoài ra, mẹ ăn nhiều đồ cay nóng cũng khiến trẻ dễ nổi mụn.
Trẻ dị ứng với các thành phần trong sữa bột
Nếu mẹ cho bé bú sữa bột, những thành phần trong sữa cũng có thể gây phản ứng khiến trẻ nổi mụn sữa. Đa phần các bé thường dễ bị dị ứng với sữa bột do sữa bột có chứa đạm albumin.
Da trẻ bị kích ứng
Làn da bé còn khá mỏng manh và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị kích thích với môi trường bên ngoài. Một số trẻ dễ bị kích ứng khi tiếp xúc với sữa mẹ, nước bọt hay chất tẩy rửa còn sót trên quần áo,…
Ảnh hưởng từ hormone của người mẹ
Một số nhà khoa học cho rằng hormone của người mẹ có thể chuyển sang bé trong những tháng cuối thai kỳ. Điều này chính là nguyên nhân gây nên hiện tượng mụn sữa trẻ em.
Các nguyên nhân khác
Trẻ bị tắc nghẽn tuyến bã nhờn hay có nhiều tế bào chết bị “mắc kẹt” bên dưới da cũng có thể gây nên mụn sữa.
Mụn sữa trẻ em có nguy hiểm không?
Nhiều ba mẹ lo lắng khi thấy con nổi mụn sữa, tuy nhiên, việc trẻ nổi mụn sữa ở giai đoạn sơ sinh là hết sức bình thường và không gây nguy hiểm gì đến sức khỏe. Các nốt mụn này chỉ xuất hiện tạm thời và sẽ nhanh chóng biến mất chỉ sau vài tuần đến vài tháng mà không cần biện pháp chữa trị nào đặc biệt.
Chăm sóc làn da cho trẻ sơ sinh bị mụn sữa như thế nào?
Mụn sữa sẽ tự biến mất sau vài tuần mà không để lại viêm nhiễm gì nghiêm trọng nếu ba mẹ biết cách chăm sóc làn da cho con. Vậy chăm sóc làn da cho trẻ bị mụn sữa như thế nào là đúng cách?
- Vệ sinh vùng da mụn cho bé hằng ngày bằng nước ấm, tốt nhất mẹ không nên dùng bất kỳ sản phẩm tẩy rửa nào khác như xà phòng, sữa tắm,… để tránh khiến da bé bị kích ứng nặng nề hơn
- Hạn chế chạm tay vào mụn sữa, tuyệt đối không được bóp, chà xát mạnh hay cố gắng nặn mụn trên da bé. Khi tắm cho bé mẹ cũng hãy thật nhẹ nhàng, dùng khăn vỗ hoặc lau thật nhẹ vào da con mà thôi.
- Bảo vệ da bé khỏi các tác nhân gây hại ngoài môi trường như bụi bẩn, ánh nắng mặt trời,…
- Không dùng phấn rôm, kem dưỡng hay bất cứ loại thuốc nào bôi lên vùng da bị mụn của trẻ mà không có chỉ định của bác sĩ
- Đảm bảo nguồn sữa an toàn, không gây dị ứng cho bé. Mẹ cho con bú nên có chế độ ăn uống khoa học và bổ sung nhiều nước, trái cây, rau xanh. Nếu bé dùng sữa bột thì mẹ chú ý chọn sữa có thành phần an toàn, không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và gây dị ứng cho trẻ
- Hãy kiên nhẫn đợi mụn tự khỏi vì mụn sữa ở trẻ thường vô hại, không gây ngứa hay đau cho bé
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Mụn sữa trẻ em là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường, tuy nhiên nếu tình trạng mụn của trẻ có các dấu hiệu sau đây, ba mẹ hãy đưa trẻ đi khám da liễu ngay để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị đúng cách cho con:
- Mụn trên mặt trẻ trở thành mụn đầu đen, mụn mủ hoặc viêm
- Da tím tái, tấy đỏ, mưng mủ lan rộng
- Trẻ bị ngứa, đau nhức hoặc khó chịu
Tùy theo cơ địa của từng trẻ mà thời gian nổi mụn sữa sẽ dài hay ngắn. Mụn sữa trẻ em là hiện tượng không đáng lo ngại nên ba mẹ không cần lo lắng quá. Hãy theo dõi và chăm sóc con đúng cách, nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ.
Xem thêm:
- Các bệnh phổ biến ở trẻ em cha mẹ nên biết để giúp con phòng ngừa
- Top 4 bệnh lý trẻ sơ sinh thường gặp vào mùa thu đông
- Những điều phải biết về chứng suy tim ở trẻ em: Có thể ngăn ngừa được hay không?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!