Với những gia đình có trẻ nhỏ, tiêm chủng vacxin là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm đơn giản và hiệu quà nhất, giúp trẻ có hệ miễn dich khoẻ mạnh. Mũi tiêm 5 trong 1 là một trong những vacxin quan trọng dành cho trẻ, giúp giảm thiểu số mũi tiêm cần thiết mà vẫn đảm bảo phòng bệnh an toàn.
Vậy mũi tiêm 5 trong 1 gồm những gì, có công dụng ra sao… là những thắc mắc thường gặp ở ba mẹ.
Mũi tiêm 5 trong 1 là gì?
Vacxin 5 trong 1 là 5 loại vacxin phòng 5 bệnh khác nhau được kết hợp chỉ trong 1 mũi tiêm, nhằm chủ động bảo vệ trẻ khỏi 5 bệnh nguy hiểm hàng đầu, bao gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib gây ra.
Hiện nay tại Việt Nam vacxin 5 trong 1 được chia làm 2 loại là vacxin ComBE Five (Ấn Độ) và vacxin Pentaxin (Pháp). Dù cùng là một loại vacxin nhưng 2 loại này lại có sự khác biệt về mục đích ngừa bệnh cũng như khác nhau về giá cả:
- Vacxin 5 trong 1 ComBE Five được dùng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, có thể phòng ngừa các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do H.influenzae tuýp B. Trẻ được tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBE Five cần uống và tiêm bổ sung vắc xin ngừa bại liệt.
- Vacxin 5 trong 1 Pentaxim được dùng trong chương trình Tiêm chủng dịch vụ, có thể ngừa các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do H.influenzae tuýp B. Trẻ được tiêm Pentaxim cần tiêm bổ sung vắc xin viêm gan siêu vi B.
Vì sao trẻ cần được tiêm vacxin 5 trong 1?
Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh có thể trạng rất yếu, hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện, nếu không được chăm sóc và bảo vệ cẩn thận khỏi các tác nhân gây bệnh, trẻ rất dễ mắc phải các bệnh gây nguy hiểm đến hệ thần kinh, não bộ và thể chất.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 5 bệnh nguy hiểm hàng đầu đối với trẻ nhỏ đó là ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do H.influenzae tuýp B.
Đây không chỉ là 5 bệnh trẻ dễ mắc phải, đặc biệt trong những tháng đầu đời mà còn là những căn bệnh để lại hậu quả vô cùng nặng nề, với tỷ lệ tử vong cao.
Trẻ mắc bệnh, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển của trẻ, có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển về trí óc, tiếp thu kém…
Việc tiêm chủng bảo vệ trẻ bằng cách kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể, những kháng thể này sẽ giúp hệ miễn dịch nhận biết và vô hiệu hóa các tác nhân gây bệnh.
Bé cần được tiêm vào giai đoạn nào?
Mũi tiêm 5 trong 1 cần được khuyến nghị nên tiêm sớm, khi trẻ từ 6 tuần tuổi để trẻ được bảo tốt nhất. Bố mẹ cần bám sát lịch tiêm chủng vacxin 5 trong 1 để vắc xin hoạt động hiệu quả nhất:
- 3 mũi cơ bản: tiêm cho trẻ ở thời điểm 2, 3, 4 tháng tuổi
- Mũi tiêm nhắc: vào lúc trẻ được 18 tháng tuổi và không được quá 24 tháng tuổi.
- Lưu ý: Trẻ cần trải qua 3 mũi tiêm cơ bản trước 1 tuổi, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 28 ngày.
Tùy thực tế mà lịch tiêm vacxin có thể chậm hơn (do tình trạng hết vacxin hoặc trẻ bị ốm), tuy nhiên không nên để quá muộn, cần tiêm ngay khi có vacxin hoặc khi trẻ khỏi bệnh, tránh để lâu sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh của trẻ vì không được tiêm đủ liều. Trước khi tiêm cần có sự khám sàng lọc và tư vấn của cán bộ y tế để đảm bảo mũi tiêm hiệu quả và an toàn.
Các phản ứng thường gặp sau khi tiêm
Do sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn rất yếu nên khi tiêm bất kì vacxin nào cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, mũi tiêm 5 trong 1 cũng không ngoại lệ. Một số phản ứng sau tiêm không mong muốn chẳng hạn như: đau, sưng tấy tại vị trí tiêm phòng, sốt nhẹ, quấy khóc, ăn, bú kém hơn bình thường. Những triệu chứng này là bình thường và trẻ sẽ tự khỏi sau 1 – 2 ngày.
Trường hợp nào không nên hoặc tạm hoãn tiêm phòng
Mặc dù tiêm mũi tiêm 5 trong 1 là mũi quan trọng nhưng 1 số trường hợp đặc biệt sau đây thì không nên hoặc tạm hoãn tiêm phòng:
- Trẻ đã từng sốt cao trên 40 độ trong vòng 48 giờ sau khi tiêm vacxin.
- Đã từng có biểu hiện co giật kèm theo sau khi tiêm vacxin.
- Đã từng sốc trong vòng 48 giờ sau khi tiêm phòng.
- Ở những lần tiêm trước, trẻ khóc dai dẳng trong 3-48 giờ sau chủng ngừa.
- Trẻ đang sốt, mệt mỏi hoặc mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng.
- Trẻ có cân nặng dưới 2000gr.
Một số cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm ngừa
- Bố mẹ cần theo dõi con sau khi tiêm 30 phút để đề phòng có những bất thường xảy ra và được xử lý kịp thời.
- Sau khi về nhà, bố mẹ cần theo dõi trẻ trong 24 giờ sau tiêm, quan sát và kiểm tra trẻ thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm.
- Nếu vết tiêm sưng và khiến trẻ đau nhiều, bố mẹ có thể bọc viên đá vào khăn xô sạch rồi nhẹ nhàng chườm lên vết tiêm cho trẻ.
- Sau khi tiêm, bé thường có cảm giác chán ăn, do đó, hãy cho bé ăn những thức ăn dạng mềm, lỏng, dễ nuốt và đừng quên chia nhỏ bữa ăn. Với những trẻ vẫn còn bú mẹ, hãy cố gắng cho trẻ bú nhiều hơn bình thường.
- Cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám nếu sau mũi tiêm 5 trong 1 trẻ có biểu hiện bất thường: sốt kéo dài hơn 24 – 48 h hoặc không đáp ứng với thuốc hạ sốt, quấy khóc, vật vã, lờ đờ; khó thở: thở nhanh, tím tái, da nổi vân tím; nôn, bỏ bữa, bú kém; co giật; phát ban… Cha mẹ nên nhớ cung cấp đầy đủ thông tin cho cán bộ y tế trước và sau khi xử lý.
- Nên cho con mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, tránh mặc quần áo bó gây cảm giác bí bách, khó chịu, nhất là vào những ngày nóng.
Xem thêm:
- Các mũi tiêm phòng cho bé 2020 từ 0 đến 6 tháng tuổi
- Lịch tiêm chủng dịch vụ đầy đủ từ 0-26 tuổi và những lưu ý cần thiết
- Các phản ứng phụ sau khi tiêm chủng vacxin bố mẹ cần nắm rõ