Mẹ và con mất vì hơ than cho bà đẻ – một phong tục cổ hủ nhưng được áp dụng cho đến bây giờ. Chuyện kiêng cữ sau sinh nở đã trở nên quá phổ biến đối với các mẹ bầu hầu hết chị em đều được người có kinh nghiệm khuyên rằng sinh xong phải kiêng nước, kiêng gió, phải đút bông tai,… Một trong những quan niệm khá phổ biến khác chính là phụ nữ sau sinh phải nằm hơ than.
Mẹ và con mất vì hơ than ngay trong ngày đầy tháng con gái
Anh Dương Kiến Hùng, sống ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, hạnh phúc đón con gái đầu lòng nặng 4kg vào chiều ngày 15 tháng 12. Lần đầu được làm cha nên anh Hùng vô cùng hạnh phúc. Hai vợ chồng bàn bạc và quyết định làm tiệc đầy tháng cho con gái vào buổi chiều, ngày 1 tháng 1 năm mới.
Cả hai chọn 1 nhà hàng tại huyện Bình Bá, cách nhà khoảng 20km. Ngày tổ chức tiệc đầy tháng, khoảng 8 giờ sáng khách khứa đã đến chung vui với gia đình. Chị Lâm vẫn ở trong phòng vì đang trong giai đoạn ở cữ.
Vào lúc 3 giờ chiều, anh Hùng mời bạn bè đến nhà hàng tiệc tùng. Khi đó, trong nhà chỉ có con gái, vợ và mẹ 70 tuổi. Tan tiệc, anh trở về nhà thì phát hiện vợ đã ngất trong phòng ở cữ.
Chia sẻ với phóng viên, anh Hùng cho biết: “Vào lúc 7 giờ tối, bữa tiệc kết thúc. Tôi trở về nhà, mở cửa ra ngửi thấy mùi hăng khó chịu. Chiếc ghế nơi vợ tôi đang ngồi bị ngã xuống đất. Vợ tôi đang khụy gối trước giường, một tay bế con gái và quay mặt về phía tôi”.
Anh Hùng đã hét lớn “xảy ra chuyện rồi”, người thân lập tức chạy vào phòng xem thì ai nấy đều bàng hoàng trước bi kịch ập đến bất ngờ.
Anh Hùng phát hiện vợ trợn trắng mắt, lay gọi thế nào cũng không tỉnh nhưng vẫn còn chút hơi thở. Còn con gái 17 ngày tuổi, toàn thân lạnh ngắt và không còn hô hấp.
Anh Hùng lập tức đưa hai mẹ con đến bệnh viện cấp cứu. Đáng tiếc, dù cố gắng cứu chữa nhưng hai mẹ con vẫn không qua khỏi. Bác sĩ kết luận nguyên nhân hai mẹ con tử vong là ngộ độc khí cacbon monoxit (CO) do hơ than.
Anh Hùng nhớ lại ngày hôm ấy, anh mua than về sưởi cho bạn bè và người thân. Chị Lâm đã lấy một ít than mang về phòng sưởi ấm, do trong giai đoạn ở cữ nên căn phòng của chị Lâm đều bị đóng kín, phòng không thoáng khí nên đã dẫn đến ngộ độc khí CO. Vụ việc thương tâm trên xảy ra vào đầu năm 2019.
Nhiều sản phụ hơ than kiêng cữ sau sinh: Người mất con, người nguy kịch
Trường hợp của chị Lâm trên đây không phải hiếm gặp. Thực tế đã có rất nhiều bà đẻ, đặc biệt ở khu vực miền Trung nước ta hiện nay vẫn áp dụng kiêng cữ bằng cách nằm than với suy nghĩ đây là cách giữ ấm cho sản phụ sau sinh. Và đã nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Ngày 21/11/2019, Trung tâm Y tế H.Kon Plông (Kon Tum) tiếp nhận 3 bệnh nhân trong 1 gia đình bị ngộ độc khí cacbon. Theo thông tin ban đầu, tối 19.11, do thời tiết lạnh cùng với việc mới sinh con 3 ngày nên trước khi ngủ sản phụ Mã Thị Trang (22 tuổi, ở thôn Măng Đen, TT.Đăk Long, H.Kon Plông) cùng chồng đốt bếp than trong phòng ngủ để sưởi ấm.
Đến sáng 20/11, gia đình phát hiện vợ chồng chị Trang và cháu bé sơ sinh có triệu chứng lơ mơ, khó thở nên đưa đến Trung tâm Y tế huyện Kon Plông cấp cứu. Tuy nhiên, chị Trang tử vong ngay sau đó.
Ngày 4/12/2019, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết cũng tiếp nhận 2 mẹ con bị ngộ độc khí CO. Bệnh nhân là bà Trần Thị Xuân (65 tuổi) và con gái là chị Lê Thị Dung (28 tuổi, cùng trú tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Người nhà bệnh nhân cho hay, chị Dung mới sinh con được 3 ngày. Do thời tiết trở lạnh nên tối 3/12, gia đình đã đốt than củi để sưởi ấm qua đêm trong phòng đóng kín cửa. Đến sáng 4/12, người thân phát hiện bà Xuân và chị Dung bị ngộ độc nên đưa đi bệnh viện cấp cứu. Rất may, cháu bé sơ sinh con của chị Dung không bị ngạt khí.
Có nên hơ than sau sinh? – Câu hỏi “cũ rích” nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi
Bác sĩ Anh Tiên (Khoa Sơ sinh, BV Nhi Đồng 1, TP HCM), đây là một trong những thói quen sai lầm nghiêm trọng, việc nằm than sau khi sinh lợi ít mà hại thì nhiều.
Sở dĩ trẻ phải nhập viện cấp cứu sau khi nằm than là do đường hô hấp của cả mẹ và bé rất nhạy cảm, trong khi khói than có chứa rất nhiều khí CO2, đây là khí độc không tốt cho mẹ, đặc biệt là trẻ nhỏ có thể khiến cho bé ngạt thở hoặc có thể gây tử vong, nhẹ nhất cũng gây những ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp, gây viêm phổi cho cả mẹ và bé. Đặc biệt, đối với những bé sinh mổ, nằm than sẽ khiến chất đàm nhớt bên trong vốn chưa được tống ra trong quá trình chuyển dạ bị khô cứng lại, bé sẽ dễ bị bệnh đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần.
Da của em bé còn rất non nớt, than nóng sẽ làm bé dễ bị bỏng. Ngoài ra, tro than bám vào người bé cộng với mồ hôi do môi trường quá nóng trong phòng nằm than làm cho bé bị rôm sảy, nặng thì nhiễm trùng da, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.
Nhiệt độ của bếp than không phải lúc nào cũng giống nhau. Có lúc nóng hừng hực, có lúc tắt ngấm. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm cơ thể yếu và mệt mỏi hơn. Thực tế, hàng năm vẫn có những trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏng do nằm than. Lửa than bén lên giường, nệm gây cháy và làm bỏng bé.
Mục đích chính của việc nằm hơ than sau sinh chính là giữ ấm cho mẹ và bé. Vậy thì mẹ hoàn toàn có thể áp dụng những biện pháp sưởi ấm khác an toàn hơn dưới đây.
– Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc áo ấm, khăn choàng cổ, đi tất, mang bao tay.
– Phụ nữ trong tháng không được đụng nước lạnh nhưng vẫn phải tắm, vệ sinh thân thể bằng nước ấm.
– Thoa rượu gừng, rượu nghệ, dầu để giữ ấm cơ thể và kích thích các huyệt dưới da hoạt động. Thoa rượu gừng, rượu nghệ có tác dụng giữ ấm, làm đẹp da và giảm mỡ bụng hiệu quả.
– Sử dụng các thiết bị sưởi.
– Vận động nhẹ nhàng sau khi sinh vài tuần.
Nguồn afamily.vn
Xem thêm:
- Hơ mặt bằng than sau sinh có tốt như nhân gian tương truyền?
- Những kiêng kị phản khoa học sau sinh – “ở cữ” sao cho đúng?
- Mẹ sau sinh mổ ở cữ thế nào cho an toàn, sữa mau về và vết thương sớm lành?
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!