Mang thai tháng cuối bụng căng cứng là tình trạng nhiều mẹ bầu gặp phải. Vậy đây có phải là dấu hiệu mẹ sắp sinh hay không? Cùng theAsianparent tìm hiểu thông tin ngay dưới đây để có những chuẩn bị tốt nhất cho ngày vượt cạn mẹ nhé!
Mang thai tháng cuối bụng căng cứng nguyên nhân do đâu?
Tâm lý của mẹ bầu
Một trong những nguyên nhân thường gặp khiến mẹ bầu căng cứng bụng khi mang thai tháng cuối là do tâm lý của mẹ. Mẹ buồn rầu, căng thẳng hay hạnh phúc đột ngột đều có thể khiến vùng bụng bị căng cứng. Chỉ cần nghỉ ngơi thư giãn thì những cơn gò này sẽ biến mất.
Tử cung bị chèn ép
Ở tháng cuối, thai nhi đã phát triển khá lớn trong tử cung mẹ. Điều này gây chèn ép lên khoang chậu, bàng quang và trực tràng nên đôi lúc mẹ sẽ thấy hiện tượng bụng căng cứng.
Thai nhi chuyển động
Những cơn gò cứng bụng sẽ xuất hiện mỗi lần thai nhi xoay người. Điều này cho thấy thai nhi đang phát triển rất khỏe mạnh trong tử cung nên mẹ không cần phải lo lắng nhé.
Táo bón
Bệnh táo bón rất thường gặp khi mẹ bầu mang thai. Đặc biệt là trong tháng cuối, nếu chế độ ăn uống của mẹ bầu không đủ chất xơ sẽ khiến hệ tiêu hoá phải làm việc quá sức dẫn đến táo bón và khiến bụng căng cứng.
Mẹ bị mất nước
Cơ thể không được bổ sung đủ nước cũng làm kích thích các cơn gò cứng bụng xảy ra. Vì vậy mẹ bầu nên chú ý uống từ 2 lít nước trở lên mỗi ngày nhé.
Bàng quang đầy
Mẹ bầu mắc tiểu thì nên kịp thời “giải phóng” lượng nước này ra khỏi cơ thể ngay. Tránh tình trạng nhịn tiểu lâu vì bàng quang đầy nước có thể làm “kích hoạt” các cơn gò cứng bụng ở tháng cuối thai kỳ.
Massage bụng
Đây là phương pháp giúp mẹ bầu vừa thư giãn, lưu thông máu huyết vừa chống rạn da. Tuy nhiên, massage quá nhiều có thể tạo ra các kích thích lên tử cung làm cho bụng căng cứng và gây ra sinh non. Vì vậy, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện masssage bụng.
Bụng căng cứng tháng cuối có phải dấu hiệu sắp sinh?
Bà bầu mang thai tháng cuối bị căng cứng bụng là hiện tượng rất bình thường và phổ biến. Đây cũng là một trong các dấu hiệu sắp sinh nếu nó đi kèm với những dấu hiệu báo chuyển dạ khác. Một trường hợp khác bên cạnh khả năng sắp sinh đó là tình trạng bụng căng cứng còn có thể cảnh báo nguy cơ sinh non ở mẹ bầu.
Nên làm gì khi mang thai tháng cuối bụng căng cứng?
Bụng căng cứng thông thường
Nếu bụng căng cứng không xuất hiện thường xuyên, không kèm theo những triệu chứng gì khác và giảm dần khi mẹ bầu thay đổi tư thế thì đây chỉ là cơn gò sinh lý thông thường, mẹ không cần phải quá lo lắng. Những lúc này, để cảm thấy dễ chịu hơn, mẹ có thể thực hiện các biện pháp như:
- Nằm xuống nghỉ ngơi, thư giãn cho đến khi cảm thấy cơn gò cứng bụng giảm dần và ngừng hẳn
- Không nên nằm ngửa, tư thế tốt nhất là mẹ nằm hơi nghiêng về một bên và đặt thêm một chiếc gối dưới lưng để hỗ trợ
- Hạn chế chạm vào bụng hay xoa bụng vì động tác này càng kích thích gây ra các cơn co thắt hơn
- Chú ý chế độ dinh dưỡng tháng cuối để chuyển dạ dễ dàng hơn
- Uống một ly nước đầy
- Theo dõi liên tục các cơn gò trong vòng 1 giờ xem có kèm các dấu hiệu gì khác không
Bụng căng cứng kèm các dấu hiệu chuyển dạ khác
Không phải lúc nào bà bầu bị căng cứng bụng cũng đều là dấu hiệu chuyển dạ. Tuy nhiên, nếu căng cứng bụng đi kèm các triệu chứng dưới đây thì quá trình sinh nở đã đến gần, bà bầu cần nhanh chóng các giấy tờ và đồ đạc cần thiết để nhập viện chờ sinh:
- Ra máu báo thai do nút nhầy ở cổ tử cung đã bị bong ra
- Chuột rút vùng bụng dưới, đau lưng do các cơ vùng chậu bị kéo căng hết mức để chuẩn bị cho hành trình chào đời của bé
- Cơn gò cứng bụng xuất hiện liên tục với cường độ mạnh và có nhịp điệu riêng, cứ 5-10 phút xuất hiện 1 lần
- Bà bầu thay đổi tư thế nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm
- Tiêu chảy: Trước khi vượt cạn, hormone sinh nở trong cơ thể mẹ sẽ tác động làm tử cung co giãn dẫn đến tiêu chảy
- Áp lực ở vùng chậu, có cảm giác như em bé đang đẩy xuống
Kết luận
Vừa rồi là những thông tin về triệu chứng mang thai tháng cuối bụng căng cứng. Đây là triệu chứng phổ biến ở tất cả mẹ bầu và không có gì đáng lo ngại nên mẹ không cần quá lo lắng nhé. Hãy nghỉ ngơi và theo dõi diễn biến của các cơn gò cũng như các triệu chứng chuyển dạ khác để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn được diễn ra tốt nhất nhé.
Xem thêm:
- Thai chậm phát triển 3 tháng cuối, mẹ bầu cần làm gì để cải thiện tình hình này?
- Rỉ ối ở tuần 39 có phải là hiện tượng báo hiệu em bé sắp chào đời hay không?
- Thai 39 tuần tuổi cần khám gì để chuẩn bị cho công cuộc sinh nở sắp tới?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!