Những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mầm non từ độ tuổi 3-6 cần được rèn luyện sớm và thường xuyên. Hướng dẫn, làm gương và khuyến khích con thành thục ở mọi kỹ năng là công việc quan trọng của tất cả các bậc cha mẹ.
Những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mầm non
Lứa tuổi mầm non được xem là mốc đánh dấu quan trọng với cả trẻ lẫn cha mẹ. Đây là thời điểm con bắt đầu cuộc sống bên ngoài nhiều hơn ở nhà. Trẻ sẽ có những mối quan hệ phong phú với thầy cô, bạn bè xung quanh.
Chính vì thế, giúp con rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết để con có thể tự lập và vững vàng trước mọi tình huống bên ngoài là nhiệm vụ quan trọng của tất cả các bậc cha mẹ.
Ở lứa tuổi này, những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mầm non mà con cần có được thường bao gồm như sau:
Kỹ năng xã hội của trẻ mầm non
Với trẻ 3 tuổi: Con cần biết tự xúc ăn. Có thể ngồi chơi một mình với một loại đồ chơi nào đó và cần phải hiểu chờ đợi là như thế nào.
Trẻ 4 tuổi: Ở lứa tuổi này, ngoài việc ăn uống độc lập, trẻ nên học cách tự mình mặc quần áo, đi vệ sinh. Ngoài ra, biết chơi với trẻ khác, hiểu được rằng phải xếp hàng chờ đến lượt mình, chia sẻ đồ chơi với các bạn và biết xếp đồ trở về vị trí cũ cũng là các kĩ năng cần thiết không kém.
Đối với bé 5 tuổi: Con có thể thực hiện các nếp sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, đánh răng, rửa mặt, ăn uống, đi vệ sinh và mặc quần áo. Trẻ có khả năng làm một việc được giao hoặc chơi với người khác với mục đích rõ ràng. Con biết chào hỏi, làm quen với người khác.
Bé 6 tuổi: Biết chơi theo nhóm. Thực hiện được theo các quy định đề ra như trong lớp biết thu dọn đồ chơi cùng các bạn, về nhà biết cất dọn giầy dép của mình. Tự thực hiện được các sinh hoạt cá nhân một cách thành thạo. Hiểu về các quy tắc cư xử lễ phép với người lớn.
Kỹ năng cảm xúc đối với trẻ trong độ tuổi mầm non mà con cần đạt được như sau:
Với trẻ 3 tuổi: Biết bộc lộ cảm xúc của mình, thích được làm vừa lòng người lớn và nhận những lời khen thưởng. Con vẫn còn cảm giác lo lắng nếu phải rời xa mẹ hoặc người thân chăm sóc con.
Trẻ 4 tuổi: Con cần biết thể hiện cảm xúc, tâm trạng theo từng hoàn cảnh. Giờ đây trẻ cũng đã biết hài lòng và thỏa mãn với những gì mình có thể làm được. Ở tuổi này con rất cần người lắng nghe và quan tâm tới cảm xúc của mình.
Đối với trẻ 5 tuổi: Con nên học cách thể hiện cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh, tình huống. Cảm giác mình là trung tâm sẽ giảm dần xuống. Trẻ sẽ rất thích thú khi nhận ra mình có khả năng hoàn thành tốt một công việc nào đó.
Kỹ năng thể chất mà trẻ mẫu giáo cần đạt được từ lứa tuổi 3-6
Bé 3 tuổi cần đạt được các kỹ năng thể chất như sau:
- Nhảy lên xuống tại chỗ
- Có thể nhảy bằng 1 chân
- Đỡ được bóng bằng tay và thân người
- Biết dùng chân đá bóng
- Có thể thay đổi chân khi ên xuống cầu thang
- Đạp được xe đạp 3 bánh
- Biết vẽ vòng tròn theo mẫu
- Nối được đường thẳng
- Có thể cầm bút bằng cách kẹp 3 ngón
- Sử dụng kéo bằng 1 tay
- Xếp được 7 hoặc nhiều hơn thế các khối gỗ chồng lên nhau
Với trẻ 4 tuổi:
- Nhảy được qua các vật thấp
- Có thể nhảy lò cò tại chỗ
- Lên xuống cầu thang thay đổi chân
- Leo trèo lên các đồ vật và địa hình khác nhau
- Vẽ được hình tứ giác theo mẫu
- Biết dùng kéo và cắt giấy theo một đường thẳng
Với trẻ 5-6tuổi, kỹ năng thể chất mà bé cần có được gồm:
- Nhảy bằng 1 chân tiến về phía trước được nhiều lần
- Có thể đứng bằng 1 chân trong một khoảng thời gan
- Nhảy qua được các vật có độ thấp
- Thay đổi chân khi lên xuống cầu thang
- Bắt được bóng đang nẩy lên
- Có thể vẽ được hình tam giác và tứ giác theo mẫu
- Cắt được giấy theo nét lượn
- Kĩ năng vận động tinh đã rất linh hoạt như biết cài cúc, buộc dây giầy, v.v.
Cha mẹ cần làm gì để giúp con thành thạo và hoàn thiện các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mầm non?
Với trẻ mẫu giáo, bắt chước theo cha mẹ là cách dạy tốt nhất còn hơn cả lời nói và việc răn dạy. Đôi khi bé sẽ nản lòng, khóc lóc hoặc mè nheo khi không hoàn thành được một kỹ năng nào đó khi mới bắt đầu. Đây chính là lúc cần đến lòng kiên nhẫn và sự khích lệ của cha mẹ.
Do đó, để con có thể thành thạo được các kĩ năng sống cần thiết cho trẻ mầm non như trên, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ như sau:
– Dạy con biết kiểm soát cảm xúc, bộc lộ những vui, buồn, giận dữ của bản thân. Hãy chỉ cho con cách gọi tên cảm xúc và xử lý chúng như thế nào khi con gặp khó khăn.
– Góc bình yên trong nhà để mỗi khi con tức giận hay ăn vạ vì những gì không vừa ý là điều hết sức cần thiết.
– Khuyến khích con bày tỏ ý kiến đối với các công việc trong gia đình khi cần thiết. Con nghĩ gì, con có muốn đưa ra cách gì không, v.v. Điều này rất quan trọng để con phát triển cái tôi cũng như biết cách lắng nghe người khác.
– Đọc sách và trò chuyện cùng con sẽ giúp cho kĩ năng ngôn ngữ và cách diễn đạt của con trở nên tốt hơn.
– Thường xuyên đưa con ra ngoài để hoạt động thể chất như đi dạo vào buổi chiều, đạp xe vào sáng sớm, cùng nhau chơi bóng ngày cuối tuần hay một buổi dã ngoại những khi rảnh rỗi.
– Khuyến khích con cùng tham gia làm việc nhà với cha mẹ. Đơn giản như tưới cây, quét sân hay dọn cơm, … Từ việc nhỏ con sẽ làm được việc lớn. Đây chính là nền tảng để con tự lập ngay từ khi còn nhỏ.