Làm thế nào để bảo vệ trẻ khi bạn không thể ở bên chúng 24/24 giờ? Cùng điểm qua 5 kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non mà bạn cần dạy con ngay hôm nay.
Vì sao nên dạy kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non?
Sinh trưởng và lớn lên trong sự bảo bọc của gia đình là môi trường an toàn cho sự phát triển của trẻ mầm non. Tuy nhiên, theo thời gian, cũng đến lúc trẻ phải bắt đầu xa rời vòng tay của bố mẹ để hòa nhập với trường học, xã hội và tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau.
Rất nhiều những mối nguy hiểm ngoài kia như vấn nạn xâm hại tình dục, bắt cóc, trẻ bị lạc, hay trẻ tự ý chạy ra đường gây tai nạn giao thông,… luôn khiến không ít các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng khi để con bước ra khỏi vòng tay của mình. Chính vì vậy, những kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non cần được bố mẹ chia sẻ cùng con mình thật sớm để bé tự tin và an toàn khám phá thế giới muôn màu xung quanh.
4 kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non
Không ai được chạm vào vùng kín cơ thể
Ngoại trừ ba mẹ và một số tình huống như y tá hoặc bác sĩ thăm khám sức khỏe có sự giám hộ của người thân, còn lại không ai được tùy tiện xem hay chạm vào cơ thể trẻ, đặc biệt là những vùng nhạy cảm.
Hãy dạy trẻ những kỹ năng bảo vệ bản thân khi bi xâm phạm cơ thể như la lớn, bỏ chạy đến chỗ đông người, và phải tin tưởng, kể lại cho bố mẹ nghe để bố mẹ bảo vệ con.
Kỹ năng ứng phó với người lạ
Bên cạnh việc dạy trẻ ứng xử lịch sự, cha mẹ cũng đừng quên việc dạy cho chúng cách ứng phó với người lạ và luôn giữ khoảng cách an toàn. Nhận thức được những tình huống với người lạ và có cách ứng xử phù hợp là kỹ năng bảo vệ bản thân cũng quan trọng không kém cho trẻ mầm non.
Ngoài đưa ra ví dụ về người tốt và người xấu xung quanh, cha mẹ có thể vận dụng ví dụ trong các câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn. Thậm chí, ba mẹ có thể đóng giả định các tình huống khác nhau và dạy trẻ mầm non cách ứng phó để bé dễ hình dung.
Hãy dạy trẻ mầm non những kỹ năng bảo vệ bản thân mình bằng cách không được nghe theo những lời dụ dỗ của bất cứ người lạ nào, cũng không được đi theo họ dù ở bất cứ nơi đâu.
Kỹ năng ứng xử khi bị lạc
Ở độ tuổi mầm non, trẻ bắt đầu hiếu động, thích chạy nhảy khám phá thế giới xung quanh. Vì thế, ứng xử như thế nào khi bị lạc cũng là một trong những kỹ năng bảo vệ bản thân quan trọng cho trẻ mầm non.
Hãy dạy con biết rằng, khi bị lạc, con không cần chạy khắp nơi tìm cha mẹ. Con chỉ cần đứng yên 1 chỗ chờ bố mẹ, người thân đến đón. Con có thể nhờ người lớn gọi điện thoại cho bố mẹ. Để an toàn hơn, con có thể tìm sự giúp đỡ của những người mặc đồng phục như bảo vệ, nhân viên an ninh, công an,…
Quy tắc 5 ngón tay
Quy tắc 5 ngón tay giúp trẻ tự xách định 5 nhóm người mà trẻ sẽ gặp hàng ngày. Từ đó, hãy dạy con các kỹ năng bảo vệ bản thân ứng với từng nhóm người.
- Ngón cái: Tượng trưng cho thành viên trong gia đình như: bố mẹ, anh/chị/em ruột, ông bà. Bé có thể ôm hôn hay đồng ý cho những người này được ôm hôn, bộc lộ tình yêu thương. Đây là nhóm người duy nhất được chạm vào cơ thể bé khi tắm rửa.
- Ngón trỏ: Thầy cô, bạn bè trên trường lớp, họ hàng của gia đình. Đối với nhóm người này, trẻ có thể nắm tay, khoác vai hay cùng chơi đùa. Nếu những người này chạm vào những vùng kín của bé, bé phải hét thật to và gọi bố mẹ.
- Ngón giữa: Nhóm những người quen biết nhưng không thường xuyên gặp (như bạn bè của cha mẹ, hàng xóm). Trẻ chỉ nên dừng lại ở việc chào hỏi, cười và bắt tay.
- Ngón áp út: Nhóm những người quen của gia đình mà bé chỉ mới gặp lần đầu tiên. Với nhóm người này, bé chỉ dừng lại ở hành động vẫy tay chào.
- Ngón út: Người hoàn toàn xa lạ hoặc có cử chỉ quá thân mật làm bé sợ. Bé hãy xua tay, hoặc bỏ chạy, hét thật to để nhờ những người xung quanh giúp đỡ.
An toàn khi tham gia giao thông
Khi đưa trẻ đến trường, cha mẹ có thể chỉ dạy con về những biển báo, tín hiệu giao thông. Hãy hướng dẫn và cùng con thực hành đi bộ trên vỉa hè, luôn đi bên phải,… Đây cũng là kỹ năng bảo vệ bản thân quan trọng cho trẻ mầm non khi tham gia giao thông.
Hẳn bậc phụ huynh nào cũng từng được bé nhà mình nhắc nhở phải mang mũ bảo hiểm. Vậy nên việc làm gương cho bé rất quan trọng. Cách thức giáo dục hữu hiệu nhất chính là lời nói và hành động đi liền với nhau.
Làm thế nào để dạy kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non đơn giản và dễ hiểu nhất?
Dạy trẻ mầm non những kỹ năng một cách khô khan sẽ gặp nhiều khó khăn cho bố mẹ. Bé còn quá nhỏ sẽ khó thể tập trung tiếp thu trong tình trang bị ép buộc. Thay vào đó, hãy thường xuyên nói chuyện, trao đổi với trẻ, thật nhẹ nhàng. Hãy tạo tâm lý thoải mái để trẻ chia sẻ những điều đang cảm thấy lo lắng trong lòng.
Khi trẻ sai, nên kiên nhẫn giải thích thay vì quát mắng trẻ. Hãy khéo léo chọn cách tiếp cận gần gũi, nhẹ nhàng để khiến bé cảm thấy tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ với bố mẹ.
Cha mẹ nào cũng luôn mong những điều tốt đẹp nhất cho con mình từ miếng ăn đến giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu bảo bọc con quá kỹ, bé sẽ không tự thích nghi được với môi trường xung quanh, khả năng tự lập thấp và có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc . Vì thế, hãy dạy kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ mầm non ngay hôm nay để bé học cách tự lập và thích nghi với những tình huống khác nhau khi không có bố mẹ bên cạnh.
Xem thêm:
- 7 kỹ năng quan trọng khi ba mẹ muốn dạy bé tự bảo vệ an toàn cho bản thân.
- Kỹ năng thoát hiểm cho bé khi bị bỏ quên trên xe ô tô – cẩn tắc vô áy náy!
- Xử lý thế nào khi con chẳng may bị bỏng – Cách phòng ngừa nguy cơ bỏng cho bé