Kinh nghiệm cho bé ăn dặm lần đầu giúp con thích nghi tốt, ăn ngon miệng

Kinh nghiệm cho bé ăn dặm lần đầu luôn là thông tin nhiều mẹ quan tâm. Với những ai lần đầu làm mẹ chắc chắn sẽ còn bỡ ngỡ trong việc chọn thực phẩm cho trẻ ăn dặm ra sao, chuẩn bị thực đơn ăn dặm như thế nào là tốt nhất. Dưới đây là những chia sẻ về kinh nghiệm cho bé ăn dặm lần đầu để giúp ba mẹ có cái nhìn tổng quát nhất.

Bé ăn dặm lần đầu tiên khi nào?

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, trẻ nhỏ nên bắt đầu ăn dặm từ khoảng 6 tháng tuổi. Trước đó, hệ thống tiêu hóa của bé vẫn đang phát triển nên nếu ăn dặm quá sớm có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và dị ứng.

Từ 6 tháng tuổi trở đi, bé tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao đồng nghĩa với nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng lên, sữa mẹ khi ấy không đủ đáp ứng dinh dưỡng cho trẻ. Chính vì thế, trẻ cần được bổ sung chất dinh dưỡng bằng cách ăn dặm để có thể phát triển tốt và khỏe mạnh. Hơn nữa trong thực tế khi được 6 tháng tuổi thì bé cũng sẽ dễ phối hợp với cha mẹ hơn khi cai sữa. Do đó đây là thời gian tập ăn dặm cho trẻ dễ dàng nhất.

Kinh nghiệm cho bé ăn dặm lần đầu mẹ cần nắm vững

Bé ăn dặm lần đầu tiên được xem như cột mốc quan trọng của cả mẹ và bé. Do đó mẹ cần chuẩn bị thật tốt những kinh nghiệm cho bé ăn dặm lần đầu để công cuộc ăn dặm của bé trở nên dễ dàng hơn.

Dấu hiệu nhận biết bé đã sẵn sàng ăn dặm

Cơ thể và mức độ phát triển của mỗi bé là khác nhau, nên không thể áp công thức chung cho tất cả. Tuy nhiên có 4 dấu hiệu rõ ràng nhất minh chứng cơ thể trẻ đã  sẵn sàng tiếp nhận một nguồn dinh dưỡng mới.

  • Bé có thể ngồi trong ghế ăn một cách vững vàng và giữ vững đầu.
  • Khi thấy mọi người ăn thì bé rất hứng thú và còn có hành động cố lấy thức ăn.
  • Bé có thể kết hợp được cả mắt, tay, miệng để nhìn vào đồ ăn, tự cầm lên và cho vào miệng.
  • Bé đã biết nuốt. Đối với những bé chưa sẵn sàng ăn bột, bé sẽ đùn ra.

Thời gian thích hợp cho bé ăn dặm

Để việc ăn dặm trở nên dễ dàng hơn, mẹ nên chọn thời điểm bé cảm thấy muốn ăn nhất. Khi tập cho con ăn món mới, mẹ nên bắt đầu vào buổi sáng vì đây là thời điểm bé tỉnh táo và dễ dàng hợp tác. Bên cạnh đó nếu bé có phản ứng với thức ăn thì các mẹ cũng dễ dàng phảt hiện và kiểm soát hơn.

Một gợi ý là cho bé ăn gần hoặc trùng giờ với giờ ăn của cả nhà để bé có thể hưởng niềm vui ăn uống cùng mẹ và mọi người. Ngoài ra cũng cần lưu ý tới các giấc ngủ của bé, tránh cho bé ăn trong lúc ngái ngủ dễ khiến bé không thoải mái.

Chuẩn bị các dụng cụ ăn dặm phù hợp

Để việc ăn uống diễn ra thuận lợi, vui vẻ và hợp tác trong lần ăn dặm đầu tiên mẹ nên chuẩn bị:

  • Một chiếc bàn ăn phù hợp với bé nếu bé có thể ngồi vững.
  • Bộ dụng cụ để bé tập dặm ăn như bát, đĩa nhiều ngăn, muỗng, cốc nước, thìa nước… Các vật dụng nên làm bằng chất liệu nhựa tốt để tránh gây tổn thương miệng bé trong quá trình ăn.
  • Khăn vải hoặc khăn ướt để lau miệng cho bé trong quá trình ăn và sau khi ăn xong.

Lần đầu ăn dặm các bé nên ăn loại thức ăn nào?

Bữa ăn dặm đầu tiên của bé, mẹ nên cho bé ăn bột loãng để bé làm quen dần với thực đơn ăn dặm. Mẹ tuyệt đối không cho bé ăn bột đặc vào lần đầu tiên vì bé chưa quen và có thể bị sặc thức ăn dẫn tới nguy cơ tắc đường thở rất cao. Khi bé bước sang tháng thứ 7, mẹ có thể tập cho bé ăn bột đặc và ăn cháo từ tháng thứ 8.

Theo các bác sĩ nhi khoa, khẩu phần của trẻ ăn dặm phải có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm cần thiết: tinh bột (gạo tẻ, ngô…), chất đạm (các loại thịt, cá, trứng, sữa…), chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật), chất xơ, vitamin và khoáng chất (các loại rau xanh, các loại củ). Tuy nhiên, khi mới bắt đầu, mẹ nên tập cho con ăn từng loại thực phẩm riêng biệt.

 

Các loại thực phẩm cần tránh 

Một số loại thực phẩm không thích hợp cho trẻ sơ sinh bao gồm:

Sữa bò

Không cung cấp sữa bò trước khi trẻ được 1 tuổi. Sữa bò không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Đây cũng không phải là nguồn cung cấp sắt tốt và có thể làm tăng nguy cơ thiếu sắt.

Mật ong

Mật ong có thể chứa bào tử/vi khuẩn dễ gây ra một căn bệnh nghiêm trọng được gọi là ngộ độc trẻ sơ sinh.

Thực phẩm có thể khiến bé bị nghẹt thở

Một số thực phẩm có thể khiến bé nghẹt thở như: miếng thịt lớn, nho, rau sống hoặc các miếng trái cây cứng, trừ khi chúng được cắt thành từng miếng nhỏ.

Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn thức ăn cứng, chẳng hạn như hạt, quả hạch, bỏng ngô, các loại kẹo.

Lượng thức ăn

Trong lần đầu ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé nếm thử 5ml bột ăn dặm (khoảng 2 -3 thìa cà phê), và tiếp tục cho bé ăn khoảng 3-5 ngày với lượng thức ăn trên. Bằng cách này, nếu bé có phản ứng – chẳng hạn như tiêu chảy, phát ban hoặc ói mửa thì mẹ sẽ biết được nguyên nhân.

Sau khi giới thiệu các loại thực phẩm đơn lẻ, mẹ có thể cho trẻ ăn kết hợp, tức là trộn thịt và rau vào cháo. Mỗi ngày ăn 2-3 bữa, xen kẽ với việc cho bé bú sữa mẹ. Khi nhận thấy bé hợp tác và muốn ăn thêm nhiều hơn, mẹ tăng từ từ cho bé lên 10ml – 20ml – 40ml – 60ml bột/bữa tùy theo khả năng ăn của bé.

Hướng dẫn về cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên

  • Nên cho trẻ ngồi trong bàn ăn với chiếc ghế vững chắc và có khóa dây an toàn, như vậy sẽ giúp trẻ dễ dàng ăn và tạo thói quen ăn uống sau này.
  • Nên cho trẻ tự cầm thức ăn và tự ăn để trẻ cảm thấy vui vẻ, thoải mái và tự do hơn.
  • Trong giai đoạn mới tập cho trẻ ăn dặm, không nên ép trẻ ăn quá nhiều, nếu không trẻ sẽ dễ bị nôn ra và quấy khóc nhiều. Nếu em bé khóc và quay đầu đi, hãy dừng lại. Điều quan trọng là bé ăn đủ và tăng cân đều đặn.
  • Nếu trẻ phun thức ăn ra, không chịu nuốt, bạn có thể kết hợp vừa cho ăn dặm vừa cho uống sữa (dùng muỗng hoặc dùng bình), như vậy thức ăn sẽ trôi xuống dễ dàng hơn, đồng thời trẻ dễ chấp nhận việc cho ăn hơn. Đây là kinh nghiệm cho bé ăn dặm lần đầu tiên khá hiệu quả.
  • Không cho trẻ uống sữa nhiều trong lúc cho ăn dặm, bởi nếu không trẻ sẽ nhanh bị no và đầy, dễ gây ra nôn chớ, trào ngược thực quản.
  • Nên thay đổi các loại thực phẩm giàu đạm thường xuyên, băm nhỏ thịt cá vào trong cháo để bữa ăn của trẻ đa dạng và lạ miệng hơn.
  • Mẹ luôn luôn cần ở cạnh với bé khi bé ăn dặm để phòng trường hợp bé bị nghẹt thở.

Qua những kinh nghiệm cho bé ăn dặm lần đầu được chia sẻ, mong rằng mẹ sẽ áp dụng thành công để giúp bé thích nghi tốt và ăn ngon miệng.

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của The Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác

Bài viết của

Vy Le