Sau khi báo chí đăng tải phóng sự về trung tâm Tâm Việt, nhiều phụ huynh đã lên tiếng tố cáo hoạt động của trung tâm. Họ khẳng định địa chỉ này đã khiến con họ gặp thương tích nặng nề, thậm chí là tử vong.
Một trong số phụ huynh đó là chị H. Sau cái chết của con trai vào ngày 10/6, chị im lặng vì Tâm Việt cam kết sẽ thay đổi về cơ sở vật chất, phương án bảo hộ cho các con nhưng hoàn toàn không thực hiện.
Con tử vong sau 1 tháng nhập học xiếc ở Tâm Việt
Chị N.H, mẹ của em N.B (SN 2009), chia sẻ, ngày 6/5/2019 chị gửi con lên học tại Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt (thời điểm đóng tại KTX của ĐH TDTT Bắc Ninh).
Con mất mẹ không được thông báo
“Vào 16h19 phút ngày 10/6, tôi được Nguyễn Văn Chức, người được giới thiệu là Tổng Giám đốc Tâm Việt, gọi điện thông báo, con bị sốt cao. Bé co giật, giáo viên Tâm Việt đang đưa đi cấp cứu ở BV Đa khoa Từ Sơn”, chị kể.
Ngay sau cuộc điện đó, chị H. đã gọi cho người nhà ở Bắc Ninh, chạy sang bệnh viện cùng con cho nhanh. Trên đường từ Hà Nội lên Bắc Ninh, gia đình chị H. nhận được điện thoại của người nhà thông báo con mất.
“Người nhà tôi gọi điện chúng tôi mới biết. Thời điểm con tôi mất, trung tâm không hề thông báo một câu”, chị H. bức xúc.
Biết được tin dữ thì đã quá muộn màng
Lúc nhìn con ở bệnh viện, chị H. thấy tai và môi con tím ngắt. “Người ta bế con từ giường sang cáng để chuyển về Hà Nội, người con cứng đơ. Tôi không biết con mình tử vong lúc nào mà cứng như thế.
Lúc đến viện, tôi vẫn thấy y tá đang bóp bóng cho con, các thiết bị y tế vẫn ở tay, trên mũi. Tôi nói, còn nước còn tát, xin cấp cứu cho con. Tuy nhiên bác sĩ lắc đầu, có cứu cũng không kịp nữa vì cháu đã chết não”, người mẹ bật khóc.
Chị H. đến BV Sản Nhi Bắc Ninh vào lúc 18h40. Chị được giáo viên Tâm Việt thông báo, con chết trước đó, vào lúc 17h19 phút.
Đại diện Trung tâm Y tế Thị xã Từ Sơn (còn gọi là BV Đa khoa Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng xác nhận, bệnh nhân B. vào khoa cấp cứu vào lúc 16h23 phút ngày 10/6.
Điều đáng nói tất cả sự việc cháu bị ngất khi tập luyện gia đình chị H không hề được phía trung tâm tiết lộ. Điều họ nói với người mẹ này chỉ là con sốt cao, co giật, đang được chuyển lên viện.
Phía bệnh viện sản nhi Bắc Ninh, nơi bé B được chuyển đến sau cấp cứu ban đầu tại BV Đa khoa Từ Sơn cũng chỉ giải thích với gia đình bé tử vong ngoài viện, không rõ nguyên nhân.
Sốt 38 độ sau khi diễn xiếc giữa trời nắng từ 15h
“Theo nhận định ban đầu, bệnh nhân tiền sử tâm thần phân liệt, không dùng thuốc. Trẻ tập luyện dưới trời nắng từ 15h. Sau đó vào khoa cấp cứu trong tình trạng vã mồ hôi, sốt 38 độ.
Em uống 2 hộp sữa, bị sặc đường thở, lịm đi rồi ngừng tim. Sau cấp cứu tuần hoàn hô hấp một lúc, chúng tôi chuyển bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh.
Lý do chuyển viện: Suy hô hấp, sau cấp cứu ngừng tuần hoàn. Tình trạng trong lúc chuyển viện: hôn mê”.
Vị đại diện này xác nhận, người đưa B. vào cấp cứu khai là thầy giáo ở Tâm Việt.
“Theo lời thầy giáo đưa vào, cháu hoạt động ở ngoài trời trưa nắng, bạn này tập xiếc giữa nắng trưa, nhập viện trong tình trạng ngất, hôn mê”, người này nói thêm.
Ngày 9/6, trước khi B. mất 1 ngày, gia đình chị sang thăm con ở trường, con vẫn bình thường. Chị định đưa con về thì ngày 10/6, chị H. nhận được điện thoại của giáo viên Tâm Việt thông báo con sốt cao, phải cấp cứu.
Trên đường lên Bắc Ninh, chị H. nhận tin con đã tử vong. Tính từ lúc nhập học vào trung tâm chỉ mới 1 tháng.
Trung tâm Tâm Việt không đảm bảo điều kiện giảng dạy trẻ tự kỷ học xiếc
Học viên không được trang bị bảo hộ
Trong quá trình thâm nhập vào trung tâm, các phóng viên cũng chứng kiến, học sinh của Tâm Việt liên tục phải tập các môn đi xe đạp 1 bánh, đứng con lăn… nguy hiểm nhưng không hề có bất kỳ thiết bị bảo hộ.
Chị H. cũng thông tin thêm: “Thời điểm con tôi học, các học sinh Tâm Việt đều tập đi xe đạp 1 bánh liên tục ngoài trời cả ngày, dù thời điểm tháng 6 nắng nóng. Sau vụ việc con tôi mất, các học sinh mới được chuyển vào tập trong nhà với các môn ném bóng, đội chai…”.
“Ngoài ra, vào ngày 25/5, khi xem clip của con do trung tâm gửi, tôi nhận thấy con bị băng ở mặt. Tôi gọi điện, giáo viên Tâm Việt bảo: “Không sao chị ạ.” Tôi không yên tâm, lên trung tâm thì không thấy con bị băng nữa. Con vẫn ăn uống, vẫn tập nên tôi yên tâm đi về”, người mẹ này thông tin thêm.
Học phí hàng chục triệu, chất lượng giảng dạy kém
Chị H. nhớ lại, từ khi sinh đến 1 tuổi, B. phát triển bình thường. 20 tháng tuổi, B. đi nhón chân và không nói. Chị cho con đi khám và bác sĩ kết luận con bị tự kỷ. Từ đó chị tìm các trung tâm để can thiệp cho con.
“Tôi chọn Tâm Việt vì người bạn tôi giới thiệu. Ông Việt thường dẫn bọn trẻ con đến công ty của bạn tôi biểu diễn. Bên cạnh đó, truyền thông đưa tin em K.H (được Tâm Việt quảng cáo là kỷ lục gia) mắc chứng tự kỷ nhưng sau khi học có nhiều tiến bộ.
Trước đó, con tôi chưa bao giờ xa mẹ. Tin lời quảng cáo của ông Việt trên truyền thông nên tôi tin tưởng, cho con đi”, mẹ bé B. nhớ lại. Cháu B. được gửi vào trung tâm Tâm Việt vào ngày 6/5. Lúc chị H. đưa con đến học, Tâm Việt đưa các mức học phí 9.8 triệu, 14.8 triệu và 19.8 triệu.
Gia đình chị H. chọn mức 15 triệu với hi vọng con được quan tâm hơn. “Tôi hỏi Nguyễn Văn Chức với mức học phí 15 triệu đồng, các con sẽ được như thế nào. Chức nói, học phí này sẽ được ông Phan Quốc Việt trực tiếp dạy nhưng thực tế không phải như vậy”.
Chị H. cũng thông tin, đóng mức học phí không hề thấp. Do các khoản thuê xe ô tô, ăn uống… để các con đi biểu diễn xiếc, phụ huynh đều phải chi tiền.
“Trước khi lên trung tâm, tình trạng sức khỏe cháu rất tốt, béo khỏe. Cháu 10 tuổi nặng khoảng 42kg. Tuy nhiên sau khi vào Tâm Việt cháu gầy đi”, chị nói.
Lên thăm con, trung tâm không cho gia đình chị vào gặp con trực tiếp. Mẹ chỉ đứng nhìn từ xa với lý do sợ con nhìn mẹ, đòi về nhà, ảnh hưởng đến việc luyện tập.
Chiều ngày 9/6, gia đình chị H. có sang trung tâm. Lúc này, học sinh và giáo viên Tâm Việt bắt đầu đi từ nhà ra sân tập.
Trên đường đi, B. nhìn thấy bố mẹ. “Con cứ níu tay kéo mẹ về hướng ngược lại. Cháu không nói được, chỉ biểu hiện bằng hành động. Tôi hiểu là con muốn về nhà”, chị H. bày tỏ nỗi ân hận khi không đưa con về sớm hơn.
Ý kiến của cơ quan chức năng
Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, chương trình can thiệp toàn diện phải kết hợp cả 2 hướng tiếp cận là can thiệp hành vi (behavioral) và can thiệp dựa vào các mốc phát triển (developmental).
Tung bóng, đi xe đạp… không thuộc kỹ năng can thiệp quan trọng đối với trẻ tự kỷ
Căn cứ trên 27 chiến lược can thiệp tự kỷ có chứng cứ khoa học, những nội dung rèn luyện Tâm Việt đang dạy cho trẻ tự kỷ hoàn toàn sai.
Các bộ môn tung bóng, thăng bằng trên con lăn, đội chai nước mà không nằm trong những mục tiêu và kỹ năng quan trọng. Nó không thể can thiệp đối với các khiếm khuyết của người tự kỷ.
Chị Đào Diệp Linh nhận định: “Vận động nói chung là tốt cho mọi trẻ em”. Đây là một phụ huynh có điều kiện đi thăm quan và trao đổi chặt chẽ với các nhà chuyên môn về các mô hình can thiệp tự kỷ tại các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Malaysia,
“Riêng với trẻ tự kỷ, phải đánh giá được khả năng phối hợp vận động và mức độ rối loạn giác quan của từng trẻ mới có cách dạy hiệu quả. Việc này đòi hỏi phải có người chuyên sâu về giác quan và phục hồi chức năng”- Chị cho biết thêm.
Nếu cá nhân trẻ tự kỷ nào đó có hứng thú với việc tập xiếc thì việc học xiếc sẽ khá dễ dàng. Nếu trẻ khác không thích thì cần tạo hứng thú trước cho trẻ.
Ép buộc, cưỡng bức trẻ làm những việc quá khó hoặc trẻ không hứng thú thì thường lợi bất cập hại.
Không tách riêng trẻ tự kỷ và gia đình
Khiếm khuyết cốt lõi của tự kỷ là giao tiếp. Việc cho trẻ tập xiếc trong điều kiện xa cha mẹ là sự thiệt thòi lớn với trẻ tự kỷ.
Nó là hy sinh nhu cầu tình cảm gia đình và cơ hội rèn luyện kỹ năng trọng tâm là giao tiếp, để tập trung vào những kỹ năng chỉ có tính bổ trợ”.
Nhà nghiên cứu Eric Rosenthal trong một báo cáo cho UNICEF về Quyền của Trẻ em Khuyết tật tại Việt Nam đã chỉ ra rằng bằng việc ký Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật, chính phủ Việt Nam đã thể hiện mong muốn điều chỉnh xã hội để đáp ứng nhu cầu tiếp cận cơ hội và quyền công dân của người khuyết tật.
Ở Việt Nam, một số trung tâm chuyên biệt vẫn tách người khuyết tật ra khỏi gia đình, cộng đồng. Điều này đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới về chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cuộc sống.
Theo Vietnamnet
Xem thêm:
- 12 phương pháp dạy trẻ tự kỷ phổ biến mà ba mẹ nên biết
- Nhận biết trẻ tự kỷ khi bé 6 tháng tuổi
- Homeschooling – Khi cha mẹ không hài lòng với nền giáo dục truyền thống
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!