Hình ảnh rốn trẻ sơ sinh bình thường là một vết sẹo lõm hình khuyên được hình thành khi dây rốn rụng. Trước khi rụng, phần chân rốn có thể rỉ ra 1 chút dịch, có màu nâu nhưng không có mủ, không có mùi hôi.
Nội dung bài viết:
- Thông tin chung về rốn trẻ sơ sinh
- Hình ảnh rốn trẻ sơ sinh bình thường
- Hướng dẫn chăm sóc rốn bé sau sinh
- Khi nào rốn bé được coi là bất thường?
Thông tin chung về rốn trẻ sơ sinh
Bác sĩ Đàm Thị Quỳnh – Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho biết, khi còn là bào thai, dây rốn có vai trò là đường vận chuyển chất dinh dưỡng giữa cơ thể mẹ và bé. Ngay sau khi chào đời, trẻ sẽ được cắt dây rốn. Lỗ rốn là vết sẹo lõm hình khuyên được hình thành khi rụng dây rốn, nằm giữa đường ngang qua 2 mào chậu và không có lớp mỡ dưới da.
Trẻ sơ sinh rụng rốn trong khoảng 7-10 ngày đầu sau sinh. Trẻ rụng rốn sau 3 tuần được xem là chậm rụng rốn. Thông thường trước khi rụng, phần chân rốn có thể rỉ ra 1 chút dịch, có màu nâu nhưng không có mủ, không có mùi hôi.
Rốn trẻ sơ sinh bình thường sẽ như thế nào?
Khi con chào đời, dây rốn có màu trắng xanh và mất đi vai trò tác dụng và đây là lúc bác sĩ sẽ thắt nút và cắt đi đoạn dây rốn cách bụng khoảng 1 – 2 cm. Dây rốn sau khi được cắt và cuống rốn sau khi được kẹp dần dần sẽ bắt đầu khô và chuyển sang màu vàng nâu.
Dần dần phần cuống rốn này sẽ trở nên cứng và sẽ sớm bị khô, chuyển sang màu đen và rụng. Phần cuống rốn có thể tồn tại lâu hơn nếu con sinh non.
Quá trình lành vết thương rốn và rốn trẻ sơ sinh bình thường diễn ra từ 5-15 ngày sau sinh.
Hình ảnh rốn trẻ sơ sinh bình thường
Hướng dẫn cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh bình thường sau khi sinh
- Để tiện lợi thì hầu hết mọi người và chuyên gia khuyên nên vệ sinh rốn trẻ sơ sinh bình thường sau khi tắm.
- Luôn đảm bảo rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc rốn cho bé.
- Khi tắm bé xong; lau khô người cho bé kèm theo dùng bông đã được tiệt khuẩn thấm kỹ, nhẹ tay vùng rốn cho trẻ.
- Giữ cho cuống rốn khô sạch bằng cách phủ gạc chun quấn rốn cho bé đã được tiệt khuẩn, mỗi ngày thay một cái, dùng cái gạc chun quấn nhẹ sau khi đã đặt một miếng gạc sạch vào chỗ rốn đã thấm khô. Tã/bỉm phải được gấp dưới rốn.
- Sau đó mặc quần áo sạch sẽ, mỏng và thoáng mát cho con.
Lưu ý:
- Không nên dùng gạc thường hoặc tã để băng rốn cho trẻ vì các sản phẩm chưa được tiệt trùng sẽ tạo điều kiện làm ổ chứa vi khuẩn và ngăn cản sự lành rốn do rốn lâu khô, nhất là trong thời tiết nóng ẩm của nước ta.
- Tránh sờ vào cuống rốn, bôi các chất từ thảo dược hay dưỡng da không sạch lên cuống rốn.
- Chọn quần áo rộng rãi để không đè vào cuống rốn và giúp không khí lưu thông nhiều hơn và ít cọ xát hơn.
- Không bao giờ dùng tay kéo phần cuống rốn, ngay cả khi dường như nó sắp rụng. Hãy để quá trình này diễn ra tự nhiên.
Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng
- Thời điểm dây rốn rụng, ba mẹ có thể bắt đầu tắm cho con trong một chậu nước ấm loại dành riêng cho em bé.
- Vẫn luôn rửa sạch tay trước và sau khi chăm sóc rốn trẻ sơ sinh bình thường không nhiễm trùng. Mặc dù vào thời điểm này, rốn ít có khả năng bị nhiễm trùng hơn nhưng cũng nên cẩn thận nhất.
- Chuẩn bị một chiếc khăn mềm, xà phòng loại dịu nhẹ dành cho trẻ sơ sinh và một chiếc khăn để lau khô.
- Đổ đầy nước ấm chậu tắm của con.
- Nên vệ sinh rốn cuối cùng sau khi đã rửa mặt, mắt, tóc và những phần khác trên cơ thể của con.
- Lấy khăn mặt, nhẹ nhàng lau trong và xung quanh rốn, rửa sạch vùng này; và sau đó là cả người bé.
- Sau khi tắm bé xong; lau khô người cho con.
- Dùng bông gạc y tế đã được tiệt trùng thấm kỹ, nhẹ tay vùng rốn cho trẻ.
- Mặc quần áo sạch cho con. Lưu ý: khi rốn vẫn chưa lành hẳn thì nên chọn những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát.
Khi nào thì rốn trẻ sơ sinh bất bình thường?
Sau khi đã biết hình ảnh rốn trẻ sơ sinh bình thường như thế nào, phụ huynh cũng cần nhận biết khi nào bất thường. Dấu hiệu để nhận biết nhiễm khuẩn rốn là:
- Chảy mủ
- Tiết nhiều dịch nhất và có mùi hôi
- Phát hiện sưng đỏ quanh rốn.
- Ấn vùng quanh rốn trẻ quấy khóc.
- Rốn chảy máu (Trường hợp trẻ xuất hiện một ít máu khô dính ở chân rốn có thể bình thường cha mẹ không cần quá lo.).
- Rỉ dịch kéo dài sau khi rốn rụng hơn 2 ngày.
- Ngoài ra, các dấu hiệu toàn thân trẻ đi kèm là:
- Sốt li bì
- Quấy khóc
- Bú kém
Dù chỉ là một phần nhỏ trong cơ thể nhưng rốn đóng vai trò rất quan trọng. Phụ huynh hãy kỹ càng chăm sóc cho bé nhé. Và để hạn chế nhiễm khuẩn, hãy cho con bú sữa mẹ để cung cấp kháng thể chống nhiễm khuẩn. Tiêm phòng uốn ván cho mẹ lúc mang thai để tránh uốn ván rốn cho trẻ sơ sinh.
Nguồn tham khảo: Các vấn đề bệnh lý thường gặp ở rốn trẻ sơ sinh – Vinmec