Giáo dục giới tính cho học sinh THPT hay “vẽ đường cho hươu chạy”?

Giáo dục giới tính cho học sinh THPT vẫn luôn là chủ đề bỏ ngỏ, như một “rào cản” giữa con cái và cha mẹ. Có cách nào để định hướng và bảo vệ con tốt nhất trước khi mắc những sai phạm giới tính hay không?

Giáo dục giới tính cho học sinh THPT: nên hay không nên?

Trẻ vị thành niên ở Mỹ tiếp cận, quan hệ tình dục sớm hơn so với Việt Nam. Nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam lại cao nhiều lần so với Mỹ. Nguyên nhân dễ nhận thấy là do việc giáo dục tình dục ở Mỹ được thực hiện tốt hơn ở Việt Nam.

Mỗi thời đại khác nhau sẽ quyết định tư duy, suy nghĩ khác nhau. Ngày xưa, khi chập chững bước vào mái trường THPT, chúng ta là những cô cậu học trò vô ưu vô tư, hồn nhiên. Những khái niệm về giới tính rất mơ hồ. Học sinh thời ấy cũng không bạo dạn và ham thích tìm hiểu như bây giờ.

Học sinh THPT ngày nay không giống như cha mẹ của mình ngày trước. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ đến mức có nhiều em dậy thì quá sớm. Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Các em có thể tiếp cận thông tin tràn lan trên mạng (tài liệu, phim ảnh, … về giới tính và tình dục). Lứa tuổi này rất tò mò, hay làm thử. Nếu không được định hướng đúng đắn, các em dễ “lầm đường”.

Tại sao cần phải giáo dục giới tính cho học sinh THPT?

Tâm lý người Á Đông vốn rất ngại khi nói đến chuyện giáo dục giới tính. Vừa nhắc đến những từ nhạy cảm là đã đỏ mặt, ngại ngùng, gượng gạo. Vô hình trung, giáo dục giới tính trở thành một vấn đề ai cũng né tránh. Người không biết thì né tránh hỏi. Cha mẹ, thầy cô thì né tránh trả lời, chỉ nói qua loa cho hết chuyện. Lúc này, các em sẽ tự nhận thấy đây là điều xấu hổ. Không thể hỏi thầy cô, cha mẹ, các em sẽ hỏi bạn bè. Kiến thức chắp vá, không qua nguồn kiểm định nào thì không chắc chắn là kiến thức đúng.

Cái gì không biết, các em sẽ “làm thử” cho biết. Và một loạt hệ lụy kéo theo. Đặc biệt là với các em học sinh nữ. Quan hệ tình dục quá sớm, chưa có biện pháp bảo vệ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm sinh lý mà còn khiến các em trở thành những “người mẹ trẻ”. Học hành dở dang, chưa đủ kiến thức, sức khỏe để sẵn sàng làm mẹ, đôi khi phải nạo phá thai, … Các em sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bế tắc trong cuộc sống. Nhiều em còn trẻ người non dạ nên nghĩ đến việc tự tử.

Cha mẹ lưu ý gì khi giáo dục giới tính cho học sinh THPT?

Tạo ra không khí thoải mái

Giáo dục giới tính cũng là một chủ đề giáo dục thông thường. Một không khí cởi mở sẽ khiến cả người học lẫn người dạy không cảm thấy căng thẳng. Bất cứ “nút thắt” nào cũng sẵn sàng gỡ ra để con hiểu rõ hơn. Tuyệt đối không lảng tránh trả lời những thắc mắc của con về giới tính.

Cha mẹ nên tìm cách cho con hiểu: tình dục không phải chuyện cấm kỵ mà là một phần tự nhiên của con người. Khi con hiểu rõ về giới tính, sức khỏe sinh sản, con sẽ biết cách để quan hệ tình dục an toàn và có những kỹ năng phòng tránh xâm hại cho bản thân.

Thu thập nhiều kiến thức từ nhiều nguồn

Để có thể tự tin khi giảng về giới tính cho con mình, cha mẹ phải nắm vững kiến thức. Sách báo, tư liệu hoặc kiến thức thực tiễn từ chính cha mẹ sẽ giúp con bạn dễ hiểu hơn. Con sẽ nhớ lâu hơn thay vì ngồi nhồi nhét một mớ lý thuyết khô khan khó hiểu vào đầu.

“Dục tốc bất đạt’

Cha mẹ nên giáo dục giới tính từ sớm, nhưng không được vội vã. Có thể bắt đầu giáo dục từ khi còn nhỏ với những kiến thức cơ bản về đặc trưng giới tính nam và nữ. Sau đó, cha mẹ bắt đầu “tăng tốc” với chương trình dạy “nặng ký” hơn, phù hợp với lứa tuổi của con. Đặc biệt, khi con bước vào ngưỡng THPT, khi các cơ quan sinh dục, sinh sản đã dần hoàn thiện, cha mẹ nên “định hướng” kỹ để “hươu” chạy đúng đường.

Giáo dục giới tính không chỉ là nói về tình dục

Trên thế giới, mỗi năm có hơn 80 triệu phụ nữ mang thai ngoài ý muốn. Trong đó, hơn 46 triệu phụ nữ phải bỏ thai, khoảng 78 nghìn người bị tử vong vì các biến chứng do phá thai không an toàn.

Thực ra, giáo dục giới tính bao gồm rất nhiều vấn đề. Những vấn đề có thể thấy trước mắt là kiến thức về sinh lý học, giải phẫu học, các cơ quan sinh sản và chức năng của chúng, sinh sản. Ngoài ra, giới tính còn bao gồm cả vai trò của hai giới, những bệnh lây truyền qua đường tình dục, tình yêu và các mối quan hệ tình dục, cuộc sống hôn nhân, mang thai và phòng tránh thai.

Vậy, nên “vẽ đường cho hươu chạy” hay định hướng đúng đắn, tránh hươu chạy lung tung? Giáo dục giới tính cho học sinh THPT có vai trò quan trọng trong việc định hướng cho trẻ. Chúc cha mẹ “vẽ đường” thành công nhé!

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

Nhi Le