Những điều bạn cần biết về dịch bạch hầu để bảo vệ bản thân và gia đình trước nguy cơ lây nhiễm!

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Dịch bạch hầu đang diễn biến phức tạp với số ca mắc liên tục tăng cao. Trong tình hình bệnh dịch hiện nay, chị em cần nắm được những thông tin cơ bản về bệnh để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh cho bản thân và gia đình.

Bạch hầu là bệnh gì?

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Bệnh do vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra.

Vi khuẩn bạch hầu

Từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên, căn bệnh nguy hiểm này đã được miêu tả bởi thầy thuốc và triết gia Hy Lạp Hippocrates. Nhiều tài liệu cũng cho thấy sự xuất hiện của dịch bạch hầu tại Syria và Ai Cập cổ đại. Các nhà khoa học đã tìm ra vi khuẩn gây bệnh vào khoảng năm 1883-1884 nhưng mãi đến cuối thế kỷ XIX kháng độc tố mới được bào chế thành công.

Bệnh bạch hầu lây lan qua đường nào?

Bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, đồ dùng có dính chất tiết dịch của người bị nhiễm vi khuẩn.

Vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, tốc độ lây lan rất nhanh, có thể lan thành dịch bạch hầu. Vi khuẩn có thể xâm nhập qua da bị tổn thương gây bạch hầu da. Bệnh nhân có thể lây bệnh sang người khác sau khoảng 2 tuần từ khi nhiễm bệnh. Thời điểm bệnh xuất hiện nhiều là tháng 8 – 10 hàng năm.

Triệu chứng của bệnh bạch hầu là gì?

Khi mắc bạch hầu, người bệnh có triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2 – 3 ngày, xuất hiện giả mạc ở mặt sau hoặc 2 bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Đây là dấu hiệu quan trọng để phát hiện bệnh. Nó làm cho bệnh nhân khó thở, khó nuốt.

Ở thể nặng, bệnh nhân có dấu hiệu sưng to cổ (do nổi hạch ở dưới hàm), khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt (do nhiễm độc thần kinh làm tê liệt thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh sọ não, thần kinh cảm giác).

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Cơ chế tác động của bệnh lên cơ thể người là gì?

Vi khuẩn bạch hầu làm tổn thương nặng nề các cơ quan như tim (gây tổn thương cơ tim không phục hồi, viêm cơ tim…), thận (suy thận, trường hợp nặng có thể phải ,lọc máu, chạy thận), thần kinh (liệt dây thần kinh ngoại biên, liệt cơ hô hấp, tổn thương dây thần kinh sọ…).

Người mắc bạch hầu diễn tiến nặng theo thời gian cùng với lượng vi khuẩn tấn công ồ ạt vào máu và các cơ quan quan trọng của cơ thể như tim, thận, não, bệnh diễn tiến nhanh, gây các tổn thương không thể phục hồi khiến bệnh nhân tử vong.

Mức độ bệnh diễn tiến nặng hay nhẹ tùy theo tình trạng bệnh nhân. Tuy nhiên, thông thường bạch hầu ác tính diễn ra trong tuần đầu của bệnh. Bệnh nhân không được tiêm đủ vaccine phòng vệ, nhập viện muộn, nồng độ vi trùng, độc tố bạch hầu quá nhiều và điều trị không kịp sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều trị.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh?

Bạch hầu thường gặp ở trẻ em và người lớn không được tiêm vaccine bạch hầu hoặc tiêm không đủ mũi.

Những người sống trong khu vực đông đúc hoặc mất vệ sinh, trong điều kiện có người mang mầm bệnh cũng dễ mắc bệnh. Ngoài ra, bất cứ ai đi du lịch đến khu vực đang có dịch bạch hầu cũng đều trở thành đối tượng có nguy cơ.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Trẻ nhỏ chưa tiêm vaccine có nguy cơ mắc bệnh cao

Bệnh bạch hầu được điều trị như thế nào?

Chuyên gia y tế sẽ chủ yếu dùng kháng sinh để điều trị vi khuẩn bạch hầu kết hợp với thuốc kháng độc tố để trung hòa độc tố lưu thông trong máu người bệnh, đồng thời điều trị biến chứng nếu có. Trong trường hợp đã xuất hiện biến chứng thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.

Yếu tố quyết định điều trị bạch hầu thành công là phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Nếu đã xuất hiện biến chứng, việc điều trị vô cùng khó khăn, tỷ lệ tử vong cao.

Làm gì khi tiếp xúc với người mắc bệnh?

Nếu xác định chắc chắn tiếp xúc gần với người bệnh bạch hầu, bạn cần nhanh chóng liên hệ cơ quan y tế để làm xét nghiệm bệnh và uống thuốc điều trị dự phòng theo chỉ định của bác sĩ.

Dịch bạch hầu có ngăn ngừa được không?

Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được thông qua tiêm vaccine. Tiêm vaccine là giải pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Hiện nay đối với trẻ nhỏ, chương trình Tiêm chủng mở rộng có mũi tiêm 5in1 Combe Five (vaccine phối hợp phòng 5 bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà – viêm phổi do HIB – viêm gan B), DPT (Bạch hầu – uốn ván – ho gà) cho tất cả trẻ 2 – 18 tháng tuổi.

Ngoài Tiêm chủng mở rộng, các trung tâm tiêm chủng dịch vụ cũng có cung cấp vaccine 5in1, 6in1 (vaccine phối hợp phòng 6 bệnh bạch hầu – viêm gan B – Hib – ho gà – bại liệt – uốn ván).

Trẻ cần được tiêm vaccine khi được 2/3/4 tháng và tiêm 1 mũi nhắc lại lúc 18 tháng. Người trưởng thành có thể tiêm vaccine nhắc lại sau mỗi 5 – 10 năm.

Bên cạnh việc tiêm vaccine thì việc rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách nơi đông người… là biện pháp không thể thiếu để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.

Theo zingnews

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

 

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Bài viết của

ZinVi