Đi lại dịp Tết làm sao để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh? Mọi người cần lưu ý các vấn đề sau:
- Lựa chọn phương tiện di chuyển
- Đừng bỏ qua chuyên mục “Dự báo thời tiết”
- Cập nhật thông tin dịch bệnh
- Thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn trong dịp nghỉ Lễ
- Lưu ý về giữ gìn sức khỏe trong dịp Tết
Lựa chọn phương tiện di chuyển
Hiện nay có khá nhiều hình thức vận tải để người dân lựa chọn như máy bay, tàu hỏa, xe khách, tàu thủy hoặc sử dụng phương tiện cá nhân.
Nếu lựa chọn loại hình vận tải công cộng, mọi người cần chú ý kiểm tra, đối chiếu các thông tin cá nhân để tránh tình trạng sát giờ khởi hành mới phát hiện sai sót,dễ làm lỡ chuyến đi của bạn. Ngoài ra, cần chuẩn bị và kiểm tra kỹ đủ bộ giấy tờ tùy thân như: chứng minh thư (hoặc hộ chiếu, thẻ căn cước công dân); giấy khai sinh đối với trẻ em còn hạn theo qui định; vé máy bay, vé tàu, xe; kết quả khai báo y tế trực tuyến (nếu có); giấy tờ khác với khách đặc biệt nếu có (phụ nữ có thai trên 32 tuần, trẻ nhỏ)… Để đảm bảo thời gian hoàn thành các thủ tục và tránh kẹt xe làm chậm giờ, mọi người nên sắp xếp đến trước ít nhất 30 phút so với giờ khởi hành.
Khám phá thêm:
Khi sử dụng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy để di chuyển, bạn đừng quên dành thời gian đi bảo dưỡng, kiểm tra “sức khỏe” cho bạn đồng hành của mình. Thay đôi lốp mới; thay dầu, nhớt; kiểm tra lại hệ thống phanh, đèn và chuẩn bị đầy đủ đồ đạc dự phòng cần thiết… là điều nên làm để đảm bảo hành trình đi lại dịp Tết an toàn.
Nguy cơ lây nhiễm trên các phương tiện di chuyển
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự cố y tế công cộng, việc tham gia giao thông hiện nay có cả người khỏe mạnh và người đang mang mầm bệnh. Cơ chế của virus là lây theo đường hô hấp và qua việc bắn giọt nước bọt nhỏ li ti có chứa virus. Trong khoảng cách gần dưới 2m là có thể hít vào không khí mang mầm bệnh.
Có tài liệu cho biết giọt bắn quá nhỏ nên có thể bay lơ lửng trong không khí, nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian không lâu, nên nếu xe buýt mở cửa thoáng là điều kiện tốt để khuếch tán mầm bệnh ra ngoài.
Bên cạnh đó, các giọt li ti chứa virus sẽ rơi xuống sàn phương tiện vận chuyển. Hoặc bệnh nhân dùng tay sờ lên mũi, đem theo những virus rồi bàn tay đó sẽ bám vào các phần trong thiết bị vận tải, những người khác sờ vào và đưa tay lên mũi miệng sẽ bị lây. Cơ chế này khiến việc đi trên các phương tiện vận tải công cộng như taxi, xe buýt, máy bay, xe khách… dễ lây bệnh.
Đừng bỏ qua chuyên mục “Dự báo thời tiết”
Đây là những thông tin khá quan trọng để bạn và gia đình có 1 chuyến du Xuân trọn vẹn niềm vui. So với miền Nam nắng ấm quanh năm thì miền Bắc dịp đầu năm thường nằm trong ngưỡng trời rét buốt nên mọi người cần lưu ý để chuẩn bị quần áo, đồ dùng cá nhân cho hợp lý. Việc thay đổi thời tiết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là người già và trẻ nhỏ nên không được chủ quan khi du xuân ngày Tết.
Cập nhật thông tin dịch bệnh
Với những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid 19 trong năm 2020 và những ngày đầu năm 2021, trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu mọi người cần nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin sai lệch nhằm câu like, câu view, trục lợi cá nhân, gây hoang mang trong cộng đồng. Để cập nhật nhanh chóng, chính xác các thông tin về tình hình dịch bệnh và nắm bắt những khuyến cáo an toàn, mọi người cần tìm đến những nguồn tin chính thống từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chính phủ, Bộ Y tế và tài khoản Zalo của Bộ và các địa phương.
Thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn trong dịp nghỉ Lễ
Tết là thời điểm mọi người đi chơi, đi lễ hội cũng như giao lưu gặp gỡ bạn bè nên khả năng lây nhiễm bệnh sẽ tăng lên. Để chung tay phòng tránh dịch bệnh, mỗi người dân cần tuân thủ thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” khi đi chơi ngày Tết với các nội dung chính sau đây:
- Khẩu trang: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly
- Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng
- Khoảng cách: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác trong lúc đi lại dịp tết
- Không tụ tập đông người
- Khai báo y tế: thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
Khám phá thêm:
Lưu ý về giữ gìn sức khỏe trong dịp Tết
Tết Nguyên Đán là dịp lễ có ý nghĩa thiêng liêng và quan trọng trong đời sống người Việt từ bao đời nay. Để có sức khỏe tốt đón Tết, bạn cần chú một số điểm sau:
- Ở miền Bắc, vào những ngày rét đậm, rét hại cần hạn chế tắm lâu, nên tắm nước ấm. Trong tiết trời lạnh giá, tắm lâu sẽ làm cho cơ thể dễ nhiễm lạnh và gây cảm lạnh. Tốt nhất là nên tranh thủ tắm gội trước buổi tối để thân nhiệt ổn định. Khi tắm là không nên dội nước thẳng lên người để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. Không được tắm vào ban đêm hoặc khi cơ thể mệt mỏi, ăn no
- Thời tiết vào dịp Tết thay đổi khá nhiều và khó dự đoán nên hãy uống đủ nước để quá trình trao đổi chất diễn ra tốt hơn, giúp các cơ quan hoạt động hiệu quả hơn
- Tết cũng là thời điểm gia đình, bạn bè sum họp nên không thể tránh được các buổi liên hoan, uống rượu, bia. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào cũng cần nhớ “đã uống rượu, bia thì không lái xe” để đảm bảo an toàn cho mình và người khác. Cũng đừng để bản thân say xỉn mà xảy ra ẩu đả hay những cuộc cãi lộn không cần thiết…
- Tết là thời gian nghỉ ngơi, nên cần tạo cho mình thói quen ngủ đủ giấc, tốt nhất là nên đi ngủ trước 10 giờ
- Đừng chỉ đắm mình trong những cuộc vui “thâu đêm suốt sáng” cùng bạn bè mà hãy dành thời gian nhiều hơn cho những người thân yêu trong gia đình.
Lời kết
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, việc đi lại dịp Tết Nguyên Đán 2021 sẽ có nhiều khó khăn hơn mọi năm, các lễ hội du xuân vì thế cũng hạn chế hơn. Tuy nhiên, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi người nên cập nhập các thông tin hữu ích và HÃY HẠN CHẾ ĐI LẠI để đảm bảo đón xuân năm mới an lành, hạnh phúc.
Nguồn thông tin: Đi lại trong mùa dịch COVID-19, cách nào tránh lây nhiễm? – cand.com.vn/
Xem thêm
- Tết Nguyên Đán là gì? Những phong tục ngày Tết Nguyên Đán
- Cha mẹ cần lưu ý những gì khi cho trẻ đi chơi Tết?
- Lập kế hoạch và hành động phòng chống Covid tại nhà như thế nào?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!