Có khá nhiều cha mẹ cho rằng trẻ 5 tuổi còn quá nhỏ để dạy kỹ năng sống, chỉ cần con khỏe mạnh, tự do vui chơi là đủ. Tuy nhiên, dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi lại là tiền đề để tạo dựng nên những suy nghĩ, hành động đúng đắn của con sau này.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi như thế nào phù hợp?
Bước vào tuổi lên 5, trẻ đã có khả năng tiếp thu một lượng kiến thức không nhỏ. Trẻ đã có nhận thức và phát triển vượt trội về mọi mặt từ thể chất đến trí tuệ. Chúng ta có thể thấy ở lứa tuổi này các bé hoạt động liên tục mà không cảm thấy mệt mỏi. Khi chơi đùa trẻ đã biết tập trung để hiểu và chấp nhận luật lệ của các trò chơi, còn khi ở trong lớp thì đã biết ngồi yên để lắng nghe các câu chuyện kể.
Đa số trẻ trong giai đoạn này phát triển tốt kỹ năng sử dụng bàn tay, biết cầm viết chì và cắt bằng kéo, nhận ra phần lớn các mẫu tự và cách đọc các mẫu tự này, nhận ra sự khác biệt của các hình khối, biết phân biệt lớn – bé, cao – thấp, xa – gần.
Với khả năng tiếp thu nhanh chóng, thật là sai lầm khi cha mẹ bỏ qua việc dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi. Dưới đây là những kỹ năng sống cần thiết mà cha mẹ nên hướng dẫn cho con:
Dạy trẻ kỹ năng sống thực tế
Nghe đơn giản vậy nhưng thực tế, nhiều bé không biết vận dụng các kỹ năng này để tự phục vụ mình trong cuộc sống hàng ngày. Bé 5 tuổi nên được dạy từ những kỹ năng nhỏ nhất mà thiết thực nhất như thay quần áo, đi giày, đánh răng, cho quần áo bẩn vào máy giặt, bỏ rác đúng nơi quy định, tưới cây, phụ người lớn xách đồ nhẹ, làm một số công việc nhà…
Đương nhiên cha mẹ không thể kỳ vọng con có thể làm tốt ngay từ lần đầu tiên. Nhưng con sẽ học rất nhanh thôi. Chỉ cần kiên nhẫn một chút cha mẹ sẽ thấy con có thể làm được rất nhiều việc ở lứa tuổi này đấy!
Dạy trẻ biết thể hiện lòng biết ơn
Ngày nay, khi điều kiện kinh tế của các gia đình khá giả hơn trước, trẻ nhiều khi dễ dàng có được thứ mình muốn nên thường không biết thể hiện lòng biết ơn hay trân trọng những gì mình đang có. Một trong những cách tốt nhất để dạy bé về lòng biết ơn là cha mẹ, người lớn làm gương cho con, cùng chia sẻ những câu chuyện thực tế của bản thân về lòng biết ơn của chính mình.
Hay thiết thực hơn, hãy cho trẻ tham gia vào các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ cộng đồng. Từ việc thấy được nhiều hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, bé sẽ biết trân trọng cuộc sống. Được giúp đỡ người khác, bé sẽ hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của lòng biết ơn.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi về sự trung thực
Trung thực là nguyên tắc làm người vô cùng quan trọng mà ai cũng cần phải có. Khi trẻ còn nhỏ, sẽ dễ dàng dạy dỗ trẻ kỹ năng này hơn là để trẻ lớn rồi mới dạy dỗ. Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ có thể sẽ chứng kiến được rất nhiều tình huống về sự gian dối ở trường, ở nhà, ở những nơi công cộng, từ bạn bè và từ cả những người xung quanh. Khi đó cha mẹ cần chỉ cho trẻ thấy những hậu quả của việc không trung thực.
Giáo dục trẻ đức tính trung thực phương pháp hiệu quả nhất là người lớn nêu gương. Một đứa trẻ sẽ không thể trung thực nếu sống trong một gia đình thường xuyên có những lời nói dối. Khi một sư việc xảy ra không như mong muốn, người lớn cũng cần trung thực và thẳng thắn nhận khuyết điểm. Trong mọi tình huống, hãy cố gắng nói thật và giải thích cụ thể cho con.
Và một điều nữa cũng rất quan trọng là không được đẩy trẻ vào những tình huống phải nói dối. Hãy khuyến khích trẻ nói thật bằng cách giữ thái độ chừng mực, không quá gay gắt với con đồng thời khích lệ, khen con khi con dũng cảm nói ra sự thật.
Dạy trẻ tự tin vào bản thân
Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của sự tự tin, đối với trẻ điều này cũng không ngoại lệ. Khi có được sự tự tin, trẻ sẽ giao tiếp, hòa đồng từ đó dễ dàng hơn trong quá trình học hỏi những điều mới, sẵn sằng thử thách hay thể hiện bản thân đồng thời chia sẻ với những người xung quanh. Đây là những tố chất mà mỗi một người thành công đều có.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng đều có tính cách này. Những điều kiện phụ thuộc như di truyền từ bố mẹ chỉ chiếm một phần nhỏ quyết định mức độ tự tin của một đứa trẻ. Nguyên nhân chính khiến trẻ không tự tin vẫn là do môi trường sống quanh trẻ. Trẻ sinh ra thiếu sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ sẽ có bản tính hay lo âu, nhút nhát. Trẻ không được tiếp xúc nhiều với bên ngoài hay thường xuyên bị chê bai, trêu ghẹo hay trẻ được kỳ vọng quá nhiều… đều có nguy cơ trở nên tự ti và sống khép kín.
Để rèn được sự tự tin cho con, bố mẹ cần thể hiện sự tự tin, bản lĩnh của bản thân trước con, tâm sự thật nhiều với con, để con mạnh dạn nói lên chính kiến của mình, tôn trọng những quyết định của con và luôn là người cổ vũ, động viên con. Ngoài ra, khuyến khích con tham gia vào các hoạt động tập thể để thúc đẩy sự tự tin của con.
Trẻ 5 tuổi nên được dạy quản lý chi tiêu
Nghe có vẻ việc quản lý chi tiêu khá xa vời đối với một đứa trẻ 5 tuổi, nhưng thực tế trẻ được giáo dục sớm về tài chính sẽ có nhận thức về tầm quan trọng của tiền bạc, sau này sẽ không tiêu xài hoang phí. Bài học đầu tiên về tiền bạc trẻ cần được dạy là cách tiết kiệm tiền. Bố mẹ cần có phương pháp chỉ bảo, phân tích cho trẻ phù hợp để con hiểu thế nào là tiết kiệm, mục đích của việc tiết kiệm. Bên cạnh đó phải cho trẻ thấy rằng kiếm được đồng tiền không phải là điều dễ dàng, từ đó con sẽ biết quý trọng tiền bạc.
Hơn nữa, hãy dạy trẻ biết cách quản lý ngân sách cho dù ngân sách ban đầu của trẻ chỉ là một ít tiền mừng tuổi đầu năm mới hay tiền tiêu vặt, tiền thưởng cuối năm học…
Nuôi dạy trẻ nên người cần rất nhiều tâm huyết của những người làm cha mẹ. Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi không phải là quá sớm, cha mẹ nên tận dụng “thời điểm vàng” này để dạy con những kiến thức căn bản, là bước đệm vững chắc cho sự phát triển toàn diện của con sau này.
Theo: The Asianparent Việt Nam
Xem thêm các bài viết khác
- Sự cần thiết của việc dạy trẻ biết tư duy phản biện
- Dạy trẻ tuổi mầm non thế nào để giúp con “tỏa sáng” khi bước vào tiểu học?
- 6 tuyệt chiêu dạy trẻ thông minh, thành công mà không cần nhồi nhét của cha mẹ Thụy Điển