Dạy con về tài chính từ nhỏ chính là cách đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường thành công sau này của con. Hãy theo dõi nhé!
Dạy con tầm quan trọng của sự ưu tiên
Bằng cách đừng bao giờ nói không với những đòi hỏi của con! Nghe có vẻ lạ thường, nhưng Ritter chia sẻ bài học này như sau: Nếu như lũ trẻ muốn mua gì đó, thay vì từ chối bằng một từ KHÔNG, hãy để lũ trẻ thấy rằng việc có được một món đồ mới là một mục tiêu cần phải đạt được.
Ví dụ: Tháng 7 cha mẹ sẽ mua xe đạp cho con. Và nếu như trong thời gian đó, khi các con muốn mua bất cứ thứ đồ chơi đắt tiền nào khác, các con sẽ không có xe đạp để đi theo đúng kế hoạch đã đề ra.“Điều này sẽ giúp lũ trẻ hiểu giá trị của sự ưu tiên và học được cách lựa chọn những gì quan trọng hơn để chi tiêu hiệu quả về sau này” – Ritter chia sẻ.
Dạy con học cách đánh đổi
Lũ trẻ hầu như chẳng thể tránh nổi cám dỗ của những món đồ chơi và thể nào cũng nhất quyết mua cho bằng được. Và thế là kế hoạch mua xe đạp sẽ phải lui lại. Hãy giúp lũ trẻ hiểu điều gì cũng có cái giá phải trả và cần sự đánh đổi.
Trong một nghiên cứu nổi tiếng vào năm 1960, những em bé 4 tuổi được lựa chọn giữa việc được ăn 2 viên kẹo nếu chịu đợi nhà nghiên cứu quay lại phòng; hoặc chỉ được ăn 1 chiếc nếu như không đợi được tới lúc đó. Và kết quả là 90% các bé sẽ ăn ngay chiếc kẹo hấp dẫn của mình.
Sự ưu tiên trong tài chính là một bài học khó. Nhưng khi con bạn không thể có được chiếc xe đạp để bắt đầu năm học mới, chúng sẽ hiểu rằng phải có sự đánh đổi nhu cầu ngắn hạn để đạt được mục tiêu lâu dài. Đó là những bước đi đầu tiên để dạy con về sự tiết kiệm và thiết lập mục tiêu đầu tư tài chính.
Dạy con về tài chính và cách quản lý
Bằng cách nói chuyện và chia sẻ với con về cách cả gia đình đang chi tiêu, nhưng không phải nói chuyện về thuế hay tiền điện nước phải trả với con. Thay vào đó hãy nói cho lũ trẻ hiểu về cách chi tiêu của cả gia đình với số tiền kiếm được.
Ví dụ như: để tiết kiệm mua một căn nhà mới, có sân vườn cho con chơi, cha mẹ sẽ dừng kế hoạch đi du lịch của cả nhà ta trong hè này, hoặc cha mẹ sẽ không mua chiếc xe mới nữa, số tiền đó đủ để cho con nộp học phí cả năm học tiếp theo đấy!
Việc chia sẻ với các con về cách cha mẹ suy tính và cân nhắc chi tiêu vì một mục đích nào đó luôn mang lại giá trị và dạy con bài học về sự hy sinh của cha mẹ. Bài học về sự chia sẻ sẽ giúp con hiểu sự đầu tư và ưu tiên hàng đầu của cha mẹ dành cho con đáng giá như thế nào.
Hoặc bằng cách để các bé tự quản lý tiền của mình: Mua cho bé một chú heo đất tiết kiệm để dành số tiền của riêng bé như tiền lì xì, tiền thưởng danh hiệu học sinh khá, giỏi trong năm học v.v. Định kỳ một khoảng thời gian nào đó, hãy giúp bé kiểm tra số tiền có trong chú heo. Nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là nói cho con hiểu, số tiền con có chưa đủ để mua thứ con muốn. Và nếu con muốn có đủ tiền, hãy chịu khó tiết kiệm hoặc làm thêm nhé!
Phải làm việc mới được hưởng thụ
Hãy chỉ cho lũ trẻ thấy sự liên quan trực tiếp giữa công việc của cha mẹ để duy trì cuộc sống ổn định cho cả gia đình, để mua thực phẩm và chi trả các dịch vụ cùng rất nhiều chi phí khác. Có vậy lũ trẻ mới hiểu tại sao cha mẹ phải làm việc và nỗ lực kiếm tiền.
Tiền không tự mọc ra từ một cái cây và hái vào là tiêu được. Cách thực tế nhất không phải là cho con tiền tiêu vặt hàng ngày mà hãy kiếm cho con một công việc làm thêm nhỏ, phù hợp với lứa tuổi, ở gần nhà. Các bậc phụ huynh có thể trao đổi với nhau để lũ trẻ tới nhà hàng xóm và giúp tưới cây, nhổ cỏ, lau nhà v.v.. Chúng sẽ nhận được khoản tiền nhỏ tương ứng và hiểu giá trị của lao động đáng quý như thế nào
Bài học về sự đầu tư
Hãy mở cho con một tài khoản tiết kiệm từ số tiền bỏ ống heo của con. Quan trọng là giải thích cho con hiểu sự khác nhau giữa tiền bỏ trong ống heo và tiền gửi vào sổ tiết kiệm. Khi đã hiểu được, các bé sẽ hào hứng nhìn số tiền của mình tăng lên theo thời gian và hiểu niềm vui khi đầu tư tài chính hiệu quả.
Những bài học dạy con về tài chính từ nhỏ trên là một cách để đặt những viên gạch đầu tiên cho những thành công tài chính trong tương lai. Và nhờ đó, khi trưởng thành, trẻ sẽ biết cách sử dụng tiền bạc một cách khôn ngoan và có trách nhiệm.
Xem thêm
- Dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép, cha mẹ không nên thúc ép con
- “Không đòn roi” cách dạy con của người Mỹ được các bậc phụ huynh toàn thế giới khâm phục
- Bí quyết dạy con tính độc lập ngay từ khi còn bé