Dạy con về lòng biết ơn như thế nào để trẻ nên người? Con trẻ giống như một tờ giấy trắng. Làm sao để con thấm nhuần được điều hay lẽ phải? Hãy cùng tham khảo các cách đơn giản sau đây bố mẹ nhé!
Lòng biết ơn là một bài học đạo đức cơ bản cần dạy con. Hơn nữa, đó là cách giúp con có ý thức và trách nhiệm hơn trong cuộc sống. Đặc biệt là khi con bước vào độ tuổi trưởng thành. Đó không phải là những gì quá to tát. Đôi khi, dạy con về lòng biết ơn chỉ đơn giản là làm gương cho con thôi.
Bố mẹ chính là phản chiếu đúng đắn nhất những hành động và câu nói con làm hàng ngày! Vậy nên, hãy dạy con về lòng biết ơn thông qua những gợi ý sau.
Dạy con về lòng biết ơn: Chia sẻ câu chuyện của bạn
Một trong những cách tốt nhất để nâng cao lòng biết ơn ở trẻ là cha mẹ phải làm mẫu cho con. Bạn hãy cố gắng nói chuyện thường xuyên về những gì bạn biết ơn và giải thích lý do. Hãy biến những câu chuyện đó trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể yêu cầu mọi thành viên trong gia đình chia sẻ về những điều cảm thấy biết ơn trong ngày và thể hiện lòng biết ơn. Hoạt động này diễn ra sẽ tạo thói quen tốt cho trẻ.
Trẻ con như trang giấy trắng. Cứ thầm dần, thấm dần những câu chuyện tốt sẽ giống như cái cây được tưới nước hàng ngày. Điều tốt đẹp cũng sẽ từ đó mà ra.
Khuyến khích trẻ giúp người khác
Việc khuyến khích trẻ giúp đỡ người khác là rất tốt. Không cần phải đao to búa lớn. Hãy thử những cách làm sau cho đơn giản:
– Mang thức ăn mời hàng xóm thưởng thức cùng
– Dắt người già và em bé qua đường
– Hỗ trợ người tàn tật
…
Lòng tốt bắt đầu từ những việc nhỏ nhất! Quan trọng là bạn có để cho trẻ có cơ hội thể hiện điều đó hay không.
Hãy tặng trẻ những món quà kinh nghiệm, thay vì vật chất
Thay vì mua đồ chơi, tại sao bạn không tặng trẻ thẻ thành viên tại viện bảo tàng, một khóa học đá bóng, hay một chuyến cắm trại? Những món quà kinh nghiệm giúp thắt chặt tình thân thay vì trọng vật chất. Hãy để cho bé hiểu rằng, bên cạnh trò chơi, còn nhiều thứ đáng giá hơn rất nhiều.
Một con robot có thể thỏa mãn cho con lúc đó. Nhưng thời gian ở cùng bố mẹ sẽ là vô giá. Một chuyến đi chơi cùng gia đình là điều con trân quý hơn nhiều. Để rồi sau này, khi nhớ lại, con sẽ nhớ một chi tiết nhỏ trong chuyến đi đó. Thế là quá đủ ấm lòng rồi.
Tham gia làm việc nhà là cách dạy con về lòng biết ơn
Bạn hãy giúp con nhận thức những nỗ lực người khác đã trải qua vì điều đó khiến chúng tỏ ra biết ơn hơn. Một trong những cách để thực hiện là cho con tham gia vào các nhiệm vụ trong gia đình. Ví dụ, nếu cảm thấy con vô ơn trước những bữa ăn bạn nấu, hãy cho con tham gia vào quá trình này để chúng hiểu thức ăn không xuất hiện một cách tự nhiên trên đĩa.
Có thể con không thích ăn những thứ bạn nấu nhưng sẽ bắt đầu đánh giá cao nỗ lực của bạn. Hoặc nếu bạn thấy con không thoải mái với việc mặc quần áo, hãy bắt con mang quần áo đi giặt. Con sẽ hiểu, việc có quần áo để mặc không phải là tự nhiên.
Hãy để con biết tiền kiếm được khó khăn thế nào
Trẻ có thể khó hiểu việc không thể có mọi thứ chúng muốn trong cửa hàng đồ chơi. Tiền là khái niệm tương đối trừu tượng. Nếu chưa bao giờ trả tiền cho một thứ gì đó, trẻ có thể không hiểu tại sao bạn lại từ chối.
Lần tới, khi con thực sự muốn có món đồ chơi mới, hãy giúp chúng suy nghĩ cách kiếm tiền và tự mua. Ví dụ, con cần tiết kiệm tiền trợ cấp, làm thêm việc vặt ở nhà hoặc bán đồ chơi cũ. Con sẽ thấy thời gian và công sức bỏ ra để có món đồ chơi mới, từ đó gìn giữ đồ chơi tốt hơn và cảm thấy biết ơn vì bố mẹ từng mua cho nhiều món đồ.
Cho con trải nghiệm
Có quá nhiều thứ có thể cản trở sự phát triển lòng biết ơn của trẻ. Nếu có hàng trăm đồ chơi, trẻ sẽ dần không có ấn tượng với bất kỳ món nào và không còn nhớ được tặng món đồ đó trong hoàn cảnh nào.
Đừng đáp ứng mọi yêu cầu từ con. Đó là điều hoàn toàn vô lý. Hãy để con nuôi khát vọng có được một món đồ nào đó. Và khi con phấn đấu, nỗ lực đủ để đạt được điều đó, con mới thấy quý trọng.
Dạy con về lòng biết ơn: Tặng một lọ “biết ơn”
Bạn có thể chuẩn bị một chiếc bình để mọi người trong nhà viết ra những điều biết ơn và đặt chúng vào bình đó. Bạn hãy thường xuyên nhắc nhở con ghi chép các câu chuyện lên giấy để thả vào bình. Nếu con chưa hiểu, hãy cho chúng xem một câu chuyện của bạn. Chẳng hạn, “Con rất biết ơn vì bà đã trồng hoa và mang tới cho gia đình. Con cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy chúng”. Từ đó, con bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm những câu chuyện tương tự.
Hàng tuần, cả nhà sẽ tổ chức một buổi ngồi lại với nhau để cùng đọc những mẩu giấy. Việc làm này khiến trẻ có ý thức hơn về lòng biết ơn.
Nói lời cảm ơn
Hãy dạy trẻ nói lời cảm ơn nguyên câu. Ví dụ, “Cảm ơn bố đã nấu bữa tối cho cả nhà”. Khuyến khích trẻ trong độ tuổi đi học nói lời cảm ơn suốt cả ngày. Đặc biệt là khi bạn giúp con chuẩn bị đi học hay khi chở con tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nhắc nhở con không quên cảm ơn các giáo viên, huấn luyện viên ở các lớp trẻ tham gia.
Hãy để con hiểu rằng, mọi thứ không phải ngẫu nhiên. Việc nói lời cảm ơn thể hiện sự tử tế. Rằng con đã biết ơn những người phục vụ con. Hơn nữa, nó còn là biểu hiện của sự dạy dỗ đàng hoàng.
Cho đi tốt hơn là nhận về
Nhiều người bị tính giữ khư khư. Tuy nhiên, đó không phải là cách để sống trong thời đại này. Ngay đến kinh tế cũng phải chia sẻ, huống gì con người.
Việc dạy con cho đi tốt hơn là nhận về sẽ giúp con bao dung, vị tha hơn. Trẻ không bị phụ thuộc quá nhiều vào vật chất. Tiếp nữa, con thấy không bị mệt mỏi khi suốt ngày phải nghĩ xem cho cái gì có lợi, nhận cái gì tốt hơn.
Tập trung vào mặt tích cực khi dạy con về lòng biết ơn
“Thái độ là một sự lựa chọn.” Lựa chọn để có một thái độ tích cực thực sự là quy tắc tiên quyết. Đây là một nỗ lực tập trung vào tích cực liên tục cả ngày thay vì rên rỉ, đố kị và những lời phàn nàn.
– “Con khát!” cần phải trở thành “Mẹ ơi, con muốn uống nước?”
– “Giày con đâu ?!” phải thay đổi thành “Ba ơi, tìm giúp con đôi giày được không?”
Chỉ cần con hiểu được những điều này, suy nghĩ tích cực lên, thì chắc chắn cuộc sống sẽ không đến nỗi quá vất vả.
Lời kết
Có nhiều cách để dạy con về lòng biết ơn. Trong đó, đơn giản nhất chính là làm gương cho con trẻ. Chỉ cần bạn trở thành hình mẫu cho con, con sẽ trở thành người tử tế trong tương lai. Nhớ nhé, hãy nói câu cảm ơn mỗi ngày.
Xem thêm:
Phương pháp dạy con 2 tuổi thông minh cực kỳ đơn giản mẹ nào cũng làm được
Dạy con đúng cách: Đừng quên hướng dẫn các kỹ năng cho trẻ mầm non!
Dạy con nhận biết số khó mà không khó với 5 bước sau