Đây là 4 dấu hiệu trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất mà ba mẹ cần hết sức chú ý, hãy cùng theo dõi nhé!
Rối loạn tiêu hóa trẻ em là gì?
Rối loạn tiêu hóa là hiện tượng cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt bất thường, gây đau bụng và những thay đổi trong vấn đề tiêu hóa thức ăn.
Bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể gây nên nhiều ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển của bé sau này, do đây là giai đoạn cơ thể trẻ cần một nguồn dinh dưỡng ổn định. Khi căn bệnh rối loạn tiêu hóa xuất hiện, lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể bị thiếu hụt đáng kể. Hậu quả là khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển về thể chất và trí não, suy giảm hệ miễn dịch. Về sau, trẻ dễ tái phát rối loạn tiêu hóa khi có các tác nhân từ môi trường tấn công vào bộ máy tiêu hóa.
Rối loạn tiêu hóa – Căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ
Trong giai đoạn từ 0-6 tuổi, sức đề kháng lẫn hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu nên dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng,… Đây chính là các nhân tố thường gây ra bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ em.
Khi chức năng hệ tiêu hóa bị suy giảm, lượng thức ăn vào cơ thể không được tiêu hóa hoàn toàn, làm gia tăng nguy cơ các vi khuẩn có hại, khiến hệ miễn dịch và sức khỏe của trẻ yếu đi. Vì thế, không ít bé bị suy dinh dưỡng, thấp còi, kém cả thể chất lẫn trí não.
Dấu hiệu trẻ bị rối loạn tiêu hóa
1. Nôn
Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, một trong những biểu hiện thường gặp là trẻ sẽ nôn trớ khá nhiều. Con có thể nôn ngay sau khi ăn hoặc cách bữa ăn một lúc.
Nếu hiện tượng này lặp lại thường xuyên trong ngày thì rất có thể con đã bị bệnh về đường tiêu hóa.
2. Đau bụng
Những cơn đau bụng thay đổi tùy theo từng trẻ và được diễn tả như đau sơ sơ, nhè nhẹ, lâm râm, quặn từng cơn, nặng bụng, sình bụng, xon xót, ran rát, đau như “dao cắt”. Đau có thể liên tục, nhè nhẹ suốt ngày, co thắt hoặc nhức nhối từng cơn.
3. Tiêu chảy hoặc táo bón
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường có hiện tượng tiêu chảy cấp, phân lỏng như nước, đi trên 3 lần trong ngày, phân thường có mùi tanh, sống phân nên thường có màu trắng hay còn nguyên thức ăn chưa được tiêu hóa hoặc có bọt, đi nhiều thì có mùi. Với triệu chứng này, các mẹ nên chú ý bù nước và điện giải kịp thời, vì khi trẻ đi ngoài mất rất nhiều nước, suy nhược cơ thể.
Một số trẻ khác lại có hiện tượng táo bón, khó đi tiêu. Để nhận biết con có thực sự bị táo bón hay không cần quan sát số lần đi ngoài của trẻ, kết hợp quan sát hình dạng phân (cứng, rắn) và con cảm thấy khổ sở mỗi lần đi.
4. Kém ăn, bỏ bữa
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường cảm thấy chướng bụng, đầy hơi, khó chịu nên không cảm thấy hứng thú với việc ăn uống.
Khi lượng ăn của trẻ giảm sút rõ rệt, trẻ trở nên kém ăn một cách bất thường thì rất có thể con đang gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Hướng điều trị và phòng tránh rối loạn tiêu hóa ở trẻ
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ không phải là một căn bệnh quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu ba mẹ nắm vững các bí quyết chăm sóc trẻ.
Tuy nhiên để chắc chắn con có bị rối loạn tiêu hóa hay không thì ba mẹ nên đưa trẻ đi khám. Con sẽ được chẩn đoán và làm các xét nghiệm siêu âm ổ bụng, soi phân, …
Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên hợp lý về phác đồ điều trị cũng như hướng chăm sóc trẻ hiệu quả nhất để con có thể khỏi bệnh hoàn toàn.
Xem thêm bài liên quan
- Rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ – Cách xử lý và phòng tránh hiệu quả dành cho ba mẹ!
- Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ khác với chúng ta như thế nào?
- Thời điểm thích hợp nội soi tiêu hóa cho trẻ và những lưu ý