Dấu hiệu mang thai ngoài dạ con (tử cung) có thể giống như những triệu chứng thai kì bình thường khác như trễ kinh, căng tức ngực hay buồn nôn. Do đó, mọi mẹ bầu nên có kiến thức và theo dõi liên tục những thay đổi của cơ thể trong thai kì.
Theo nghiên cứu của các bác sĩ cứ khoảng 1.000 người bà bầu sẽ có từ 4-10 người có thai ngoài tử cung. Trong đó có tới 15% số phụ nữ có tiền sử có thai ngoài dạ con bị tái phát.
Ngay khi biết mình có thai, mẹ bầu cần đi siêu âm để kiểm tra xem thai đã vào tử cung hay chưa. Trường hợp tuần thai chưa đủ để thai vào dạ con, các bác sĩ sẽ hẹn bạn đến kiểm tra sau 1 – 2 tuần nữa. Nếu nghi ngờ thai đã làm tổ ngoài tử cung, các chuyên gia sẽ thực hiện siêu âm đầu dò qua đường âm đạo để xác định vị trí túi thai.
Dấu hiệu mang thai ngoài dạ con
Bên cạnh các dấu hiệu như trễ kinh, căng tức ngực hay buồn nôn, những triệu chứng khác bao gồm:
- Ra máu âm đạo bất thường: Đây là dấu hiệu của chửa ngoài dạ con đầu tiên. Việc ra máu chút ít ở vùng kín đôi khi mẹ bầu không để ý hoặc nhầm tưởng là dấu hiệu có thai chứ không nghĩ là cảnh báo sảy thai hay mang thai ngoài tử cung. Tuy nhiên khi ống dẫn trứng bị vỡ, phụ nữ sẽ bị xuất huyết âm đạo ồ ạt.
- Đau vùng bụng dưới và đau lưng: Bạn sẽ thấy đau bụng tại vị trí thai làm tổ, đau bụng dưới. Nhiều trường hợp còn bị đau bụng mót rặn giống như táo bón. Tình trạng đau bụng kéo dài, đau âm ỉ khó chịu, đôi khi có thể đau dữ dội kèm chảy máu âm đạo. Mức độ đau sẽ tăng dần theo thời gian do thai ngoài tử cung phát triển.
- Nồng độ HCG trong máu giảm dần: Nếu bạn có thai kì bình thường, lượng HCG sẽ tăng dần theo tuổi thai nhưng nếu qua dụng cụ thử thai lại thấy mức độ HCG tăng chậm hoặc đứng yên. Đây lý do vì sao một số chị em cảm nhận bản thân có dấu hiệu mang thai nhưng thử thai lại không thấy 2 vạch.
Cách điều trị thai ngoài dạ con
Tùy diễn tiến của thai ngoài tử cung, thường có ba cách điều trị thai ngoài tử cung:
- Điều trị bằng thuốc
- Phẫu thuật
- Theo dõi sự thoái triển tự nhiên của thai
Nếu khối thai ngoài tử cung đã vỡ hoặc gây các biến chứng như chảy máu trong ổ bụng thì phẫu thuật cấp cứu là bắt buộc để cứu tính mạng của người mẹ.
Nếu khối thai ngoài tử cung chưa vỡ, có các trường hợp sau (chỉ mang tính tham khảo):
- Thai to, có nguy cơ vỡ: ưu tiên lựa chọn phương pháp phẫu thuật.
- Khối thai nhỏ, chưa vỡ nhưng không tự thoái triển: có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
- Khối thai tự thoái triển: có thể theo dõi đến khi khối thai tự thoái triển hoàn toàn.
Không phải tất cả trường hợp mang thai ngoài tử cung đều phải phẫu thuật. Việc chọn lựa phương pháp điều trị tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Tốt hơn hết, hãy trao đổi với bác sĩ về lợi và hại của từng phương pháp, mong muốn của bản thân và tiến triển của bệnh để được tư vấn chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Nguyên nhân gây ra mang thai ngoài tử cung
Lý do hàng đầu khiến thai phụ mang thai ngoài tử cung là viêm nhiễm vòi trứng, viêm vùng chậu do mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, chlamydia, hoặc do nạo phá thai.
Do tắc, hẹp vòi trứng bẩm sinh, mắc các bệnh u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, hậu quả của việc từng phẫu thuật vòi trứng…
Phụ nữ nghiện thuốc lá, sống lâu dài trong môi trường có khói thuốc lá. Chất độc nicotin là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thai ngoài tử cung vì nó phá hủy các nhung mao trên thành ống dẫn trứng, giảm cử động vòi trứng khiến quá trình hợp tử di chuyển về tử cung khó khăn.
Nếu có những dấu hiệu mang thai ngoài dạ con, hãy đến gặp bác sĩ Sản phụ khoa để được thăm khám và tư vấn. Phát hiện sớm thai ngoài tử cung trước là cách tốt nhất để tránh các biến chứng nguy hiểm cũng như có nhiều sự lựa chọn hơn trong điều trị.
Xem thêm:
- Mang thai ngoài tử cung thử que có biết không? Dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung
- Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung là gì? Mẹ cần phát hiện sớm trước khi quá muộn
- Thai ngoài tử cung có giữ được không? Mẹ bầu nên xử lý thế nào?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!