Nhận biết dấu hiệu chuyển dạ của ngôi thai ngược là vô cùng cần thiết để mẹ có thể kịp thời đến bệnh viện, sẵn sàng cho một cuộc lâm bồn an toàn và suôn sẻ bởi ngôi thai ngược không dễ dàng sinh ra.
Ngôi thai ngược là gì?
Đối với thai nhi thông thường thì phần đầu bé sẽ ra ngoài trước khi sinh. Trường hợp đầu không ra trước mà chân, gối ra trước sẽ được gọi là ngôi thai ngược. Đây là tư thế của thai nhi thường gặp ở quý thứ 2 của thai kỳ, khoảng giữa tuần thứ 29 đến 32, khoảng 15% bé sẽ bắt đầu xoay mông xuống dưới. Khi bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ, đa số các bé nằm nghiêng, mặt bé quay sang trái hoặc phải của mẹ. Với ngôi thai ngược thì đầu của bé sẽ nằm trong vùng dưới cơ hoành và khung sườn. Vì thế một trong những dấu hiệu để chẩn đoán ngôi ngược là sờ vào vùng sườn sẽ chạm được khối tròn và cứng.
Các loại ngôi thai ngược thường thấy:
- Ngôi mông đủ: phần mông sẽ được sinh ra trước, đầu gối bé co lại, đùi gập vào người, tư thế ngồi xổm này như tư thế điển hình của thai trong bụng mẹ
- Loại ngôi mông thiếu: phần mông bé ra trước, chân duỗi thẳng lên đầu
- Ngôi ngược kiểu chân: chân bé sẽ thấp hơn mông. Khi sinh, chân bé sẽ ra trước
Nguyên nhân gây ra tình trạng ngôi thai ngược
Trẻ sinh non, chưa đủ tháng
Đa số trường hợp ngôi thai ngược khi sinh là do chuyển dạ sớm, thai nhi chưa đủ tháng. Nếu mẹ có dấu hiệu chuyển dạ sớm hơn so với ngày dự sinh vài tuần thì thai không có đủ thời gian để xoay ngôi về vị trí bình thường (đầu dưới, mông trên) khi ra đời mà ở tư thế mông ở dưới.
Quá nhiều hoặc quá ít nước ối
Nước ối cực kỳ quan trọng với thai nhi, nước ối vừa đủ sẽ là môi trường lý tưởng cho bé chuyển động dễ dàng, xoay đầu từ vị trí ngược thành thuận. Thừa hoặc thiếu nước ối sẽ khiến việc xoay chuyển của thai nhi trở nên khó khăn, góp phần dẫn đến ngôi bị ngược khi sinh ra.
Mang song thai
Nếu mẹ bầu mang nhiều hơn một thai nhi, môi trường tử cung chật hẹp sẽ khiến các bé không có đủ không gian để xoay đầu về đúng vị trí thông thường khi chuyển dạ.
Nhau thai có vấn đề
Nhau thai “chặn” ở cổ tử cung thì bé sẽ bị chiếm mất chỗ để nằm ở vị trí thuận. Tình trạng này có thể được phát hiện qua siêu âm.
Ngôi ngược có sinh thường được không?
Các bác sĩ đã khẳng định việc có thai ngôi ngược sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi hay sức khoẻ của mẹ trong suốt thai kỳ. Dấu hiệu chuyển dạ của ngôi thai ngược mẹ vẫn có thể cảm nhận được tương tự như sinh bình thường vì thế đừng quá lo lắng.
Tuy nhiên, thai nằm ở ngôi ngược cũng có thể dẫn đến một số nguy cơ bất thường trong quá trình chuyển dạ chẳng hạn như chuyển dạ kéo dài hoặc bị sa dây rốn. Chính vì thế, mặc dù vẫn có thể sinh thường nhưng hầu hết các trường hợp ngôi thai ngược đều được bác sĩ khuyến khích sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Dấu hiệu chuyển dạ của ngôi thai ngược
Bằng biện pháp siêu âm, ở đầu tam cá nguyệt thứ ba, mẹ sẽ được thông báo chính xác ngôi thai thuận hay ngược. Bên cạnh những dấu hiệu chuyển dạ như thông thường như vỡ nước ối, đau bụng gò từng cơn, thì ngôi thai ngược khi sắp lâm bồn cũng có thể có thêm những dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu chuyển dạ của ngôi thai ngược khá phổ biến là tình trạng chuyển dạ kéo dài
- Đặc biệt ở giai đoạn đầu khi cổ tử cung mở, mẹ có thể cảm thấy cơ thể mệt mỏi hơn
- Màng ối đã vỡ và có thể thấy phân su trào ra
Lưu ý khi gặp dấu hiệu chuyển dạ của ngôi thai ngược
Khi chuyển dạ với ngôi thai ngược, mẹ có thể gặp một số nguy cơ như:
- Biến chứng sa dây rốn. Dây rốn trượt ra ngoài khi sinh sẽ làm ngưng trệ quá trình cung cấp oxy và dinh dưỡng cho thai, khiến thai dễ bị suy, thậm chí là tử vong. Mổ lấy thai là cách tốt nhất để thai nhi được an toàn lúc này
- Ngôi thai ngược có thể khiến đầu bé kẹt lại nếu mẹ sinh thường. Lúc này trẻ có thể thiếu oxy và thời gian sinh kéo dài
- Bất thường biểu đồ đo cơn gò – tim thai
- Trẻ có thể bị tổn thương do va chạm với xương chậu của mẹ. Vùng sinh dục của một số bé có thể bị phù
- Nếu quá trình sinh diễn ra quá nhanh hoặc sinh non, đầu bé có thể bị tổn thương
Xem thêm:
- Xoay ngôi thai ngược với các cách dễ ợt cho mẹ bầu tự làm !
- Tìm hiểu về các cơn co thắt chuyển dạ – Nỗi ám ảnh của các bà mẹ trong phòng chờ sinh
- Mổ sớm hay mổ muộn? Sinh mổ lần 3 có nên chờ chuyển dạ không?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!