Thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ sẽ đối diện với rất nhiều thay đổi về sinh lý cũng như bệnh lý, trong đó có hiện tượng đau bụng dưới khi mang thai tháng thứ 5 khiến không ít chị em cảm thấy lo lắng. Nguyên nhân của hiện tượng này là do đâu và cách khắc phục nó như thế nào, mời các chị em cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Vì sao mẹ bầu bị đau bụng dưới khi mang thai tháng thứ 5?
Bước sang giai đoạn tháng thứ 5 của thai kỳ, chị em đã phần nào có thể yên tâm rằng con yêu đã an toàn hơn rất nhiều so với tam cá nguyệt đầu tiên. Lúc này, tim thai và trí não đang dần phát triển và hoàn thiện. Việc ăn uống, nghỉ ngơi của mẹ cũng trở nên thoải mái hơn khi đã chấm dứt các cơn ốm nghén, buồn nôn. Đặc biệt những hiện tượng như động thai, dọa sảy, bong màng nhau nuôi… sẽ ít có nguy cơ xảy ra.
Ở 1 số mẹ, việc xuất hiện những cơn đau bụng dưới khi mang thai tháng thứ 5 sẽ khiến cho chị em cảm thấy lo lắng, hoang mang. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Nhóm cơ dây chằng căng
Tháng thứ 5 thai nhi bắt đầu phát triển mạnh mẽ, lúc này các nhóm cơ và dây chằng của mẹ căng ra nhằm hỗ trợ cho sự mở rộng tử cung để đủ chỗ cho em bé. Các khớp xương đồng thời cũng bị kéo căng dẫn đến hiện tượng đau lâm râm vùng bụng dưới. Chị em đột ngột thay đổi tư thế sẽ cảm thấy cơn đau rõ hơn nhưng chỉ kéo dài vài phút sau đó tự biến mất nên không cần phải quá lo lắng.
Táo bón thai kỳ
Táo bón cũng là 1 trong những nguyên nhân làm xuất hiện cơn đau bụng dưới khi mang thai tháng thứ 5. Nguyên nhân là do thai nhi ngày càng lớn, tử cung phát triển gây căng thẳng, chèn ép lên ruột, làm ruột giảm khả năng vận động. Từ đó, mẹ bầu bị táo bón thường xuyên và gây đau bụng.
Mẹ đã từng sinh mổ, khoảng cách giữa 2 lần sinh quá gần nhau
Trước đó chị em đã từng sinh mổ và khoảng cách giữa 2 lần sinh dưới 3 năm cũng là nguyên nhân đau bụng dưới ở tháng thứ 5. Lúc này tử cung phát triển, co bóp làm cho vết mổ cũ bị căng ra gây nên cảm giác đau nhói.
Sự thay đổi tâm lý khi mang thai
Chị em lần đầu mang thai sẽ có rất nhiều lo lắng về sự phát triển của thai nhi. Tâm lý hồi hộp hoặc những thay đổi về mặt cảm xúc đột ngột trong đời sống hằng ngày cũng có thể khiến mẹ cảm thấy đau tức ngực hoặc đau bụng dưới.
Mẹ bầu mắc 1 số bệnh lý
Các bệnh như rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng, bệnh phụ khoa, viêm tắc ruột thừa, viêm tụy… cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đau bụng dưới khi mang thai tháng thứ 5.
Hiện tượng bong nhau thai
Đây là hiện tượng thường gặp trong 3 tháng đầu nhưng vẫn có thể xuất hiện ở tháng thứ 5. Bong nhau thai khiến cho mẹ bầu đau bụng âm ỉ, có lúc lại đau dữ dội kèm theo các dấu hiệu xuất huyết âm đạo. Đây là tai biến sản khoa nguy hiểm đối với cả mẹ và bé, cần nhanh chóng đưa thai phụ đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Nên làm gì nếu đau bụng dưới khi mang thai tháng thứ 5?
Khi thấy xuất hiện các cơn đau bụng dưới khi mang thai, chị em cần bình tĩnh xem xét, rà soát nguyên nhân và mức độ đau để có cách xử trí phù hợp:
- Đối với các hiện tượng đau bụng do sự thay đổi của cơ thể, tâm lý khi mang thai thì chị em nên sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, stress… để không ảnh hưởng đến thai kỳ
- Nếu đau bụng nặng kèm theo các biểu hiện bất thường như ra máu, đau quặn tăng lên từng cơn…, mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Mẹo nhỏ giúp chị em giảm hiện tượng đau bụng dưới khi mang thai tháng thứ 5
- Sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi. Khi làm việc thỉnh thoảng hãy đứng lên và đi lại nhẹ nhàng, tranh thủ nghỉ ngơi ít phút sau mỗi 30 phút. Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu 1 tư thế, không ngồi xổm hay cúi gập người vì sẽ tạo áp lực lên vùng bụng
- Nên uống đủ 2 – 3l nước mỗi ngày để tăng cường lượng nước ối và giúp giảm các hiện tượng phù nề, rạn da khi mang thai
- Vào thời kỳ, này âm đạo sẽ thường tiết ra nhiều dịch và khí hư, cần chú ý vệ sinh thật sạch sẽ phía ngoài của âm đạo, luôn giữ cho vùng kín được khô thoáng
- Không nên ăn nhiều đồ ngọt, đồ ăn mặn, đồ ăn nhanh… nhằm tránh nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Nên có chế độ ăn bổ dưỡng nhiều rau xanh, hoa quả cũng như cung cấp đầy đủ các chất đạm, béo, vitamin… cần thiết cho thai kỳ.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng cũng như chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở sau này.
Lời kết
Thực tế cho thấy, đau bụng dưới khi mang thai tháng thứ 5 do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu mẹ bầu gặp phải cơn đau nhẹ, thoáng qua thì đây là hiện tượng bình thường, không có gì phải lo ngại. Tuy nhiên, nếu đau từng cơn ngày càng tăng, ra máu, chóng mặt, buồn nôn… chị em nên đi khám để được bác sĩ tư vấn kịp thời.
Xem thêm
- Mẹ bầu bị đau bụng dưới khi mang thai có phải là dấu hiệu nguy hiểm?
- Tại sao mẹ bầu lại bị đau bụng dưới khi mang thai 6 tháng?
- Mang bẩu tháng thứ 5 cơ thể mẹ và bé sẽ xuất hiện những thay đổi này
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!