Cúng đầy tháng cho bé thường tuân theo nguyên tắc “nam trồi 2 nữ sụt 1″. Cúng đầy tháng cho bé gái sẽ cúng chè trôi nước còn bé trai là chè đậu trắng. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Tính ngày cúng
- Cách tính giờ cúng
- Món chè trong mâm cúng
- Mâm cúng đầy tháng như thế nào?
- “Liệu không cúng đầy tháng cho con thì có sao không?”
Tính ngày cúng đầy tháng bé trai và bé gái
Theo truyền thống của người Việt sẽ không tính ngày đầy tháng của một đứa theo lịch dương mà lại chọn lịch âm. Một số nơi còn tính ngày đầy tháng dựa vào giới tính của bé theo nguyên tắc “nam trồi 2 nữ sụt 1”.
Cách tính ngày cúng mụ đầy tháng cho em bé, cụ thể là “nam trồi 2 nữ sụt 1” mang những ý nghĩa tốt đẹp như lời cầu chúc cho tương lai của bé.
Cúng đầy tháng cho bé khi nào? Sở dĩ vì sao bé trai trồi 2 là vì ông bà ta quan niệm con trai phải luôn là người đi trước, đi tắt đón đầu, xông xáo, mạnh dạn tiến về phía trước thì mới dễ thành công. Còn bé gái sụt 1, muộn hơn một ngày là vì ông bà cho rằng con gái phải biết nhường nhịn thì gia đình mới êm ấm, phải biết khiêm tốn thì mới có được hạnh phúc.
Tuy rằng quan điểm bình đẳng giới bây giờ đã khác xưa rất nhiều nhưng đây vẫn là những lời răn dạy tốt đẹp mà người xưa muốn truyền đạt qua ý nghĩa của mỗi tập tục. Vì vậy, nhiều gia đình ngày nay vẫn giữ cách tính ngày đầy tháng theo quy tắc trồi, sụt này.
Mẹ đã biết chưa?
Cách tính giờ cúng đầy tháng cho bé
Buổi sáng thời tiết mát mẻ, nhiều gia đình chọn cúng vào buổi sáng, trước 12h trưa. Nếu cúng đầy tháng cho bé trong buổi sáng thì cúng xong có thể xin lộc để cùng ăn uống trong bữa trưa.
Đối với gia đình bận rộn thì hãy chọn giờ phù hợp với các thành viên trong nhà.
Có gia đình tính giờ tam hạp, dựa vào tam hợp tứ hành xung để tính giờ cúng đầy tháng. Ví dụ bé tuổi Hợi thì tam hợp có Hợi – Mùi – Mẹo còn tứ hành xung có Hợi – Tỵ – Dần – Thân. Nên cúng đầy tháng vào các giờ Hợi – Mẹo – Mùi và tránh vào giờ tứ hành xung Hợi – Tỵ – Dần – Thân.
Món chè trong mâm cúng đầy tháng cho bé trai và bé gái
Người Á Đông có quan niệm phân biệt nam nữ rất rõ ràng. Trong tất cả các nghi lễ cúng bái, không ít thì nhiều giữa nam nữ đều có điểm khác biệt.
Đối với lễ cúng đầy tháng cho bé gái, chè được dùng để cúng thường là chè trôi nước. Từ câu thơ của Hồ Xuân Hương “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” với ý nghĩa so sánh bánh trôi nước như hình ảnh một cô gái đẹp: Bên ngoài trắng mịn, dẻo thơm, pha thêm chút béo bùi của nhân đậu xanh và nước cốt dừa, kết hợp cùng vị ngọt thanh của nước đường đã tạo nên món chè trôi nước độc đáo.
Vì thế cúng chè trôi nước trong lễ cúng đầy tháng cho bé gái hàm ý mong muốn con gái sau này dẻo dai nhưng ngọt ngào và thanh tao. Vị ngọt như những may mắn và an yên mà gia đình muốn con có được. Chè trôi nước tuy dễ làm dễ ăn, nhưng chính nhờ hương vị ngọt ngào khiến cho lòng người vương vấn mãi.
Khác với bé gái, khi chuẩn bị mâm quả cúng cho bé trai, gia đình phải cúng món chè đậu trắng. Hạt đậu khi chưa nấu phải còn cứng, hạt tròn dài đều. Hạt đậu cứng cáp ấy chính là sự rắn rỏi của con trai, nhưng sau khi được “nấu chín”, trải qua nhiều thử thách để trưởng thành lại trở nên mềm dẻo.
Vị ngọt của nước cốt dừa chan trên mặt bát chè đậu trắng như những lời chúc phúc ngọt ngào mà gia đình muốn gửi đến cho con trai.
Mâm cúng đầy tháng như thế nào?
Lễ vật cúng 12 bà Mụ:
12 ly nước, 12 đĩa xôi, 12 chén chè, 12 chén cháo, 2 đĩa bánh hỏi, 12 đĩa thịt quay, 12 đĩa bánh kẹo các loại dành cho trẻ nhỏ, Vàng mã mã (giấy tiền).
Cúng Đức Ông:
1 tô chè lớn, 1 tô cháo lớn, 1 đĩa xôi lớn, 1 miếng thịt quay, 1 con gà luộc tréo cánh, 1 đĩa mâm quả cúng đầy tháng cho bé gái, Trầu cau, Vàng mã (giấy tiền).
Bên cạnh các lễ vật cố định này, tiệc đầy tháng cho bé cần sắm thêm những thứ như: Bình hoa, bình trà, rượu, nước, gạo, muối, đèn cầy và đũa hoa… Tùy từng vùng miền mà cách sắm lễ vật có đôi chút khác nhau.
Mẹ nên sắp đặt mâm cúng đầy tháng cho bé như thế nào mới tốt:
Khi đặt mâm cúng, các mẹ luôn phải tuân thủ theo nguyên tắc “Đông bình Tây quả”, nghĩa là đặt bình hoa ở phía Đông và đặt lễ ở phía Tây.
Mâm cúng đầy tháng cho bé gái đơn giản hay phức tạp thì cũng theo nguyên tắc. Để sắp mâm cúng đầy tháng bé gái và bé trai trong gia đình luôn phải đảm bảo tính cân đối và đủ số lượng các lễ vật theo tín ngưỡng dân gian. Thông thường đồ lễ cúng đầy tháng cho con sẽ được xếp trên hai bàn: Một bàn nhỏ và thấp hơn để bày lễ vật cúng kính Đức ông. Bàn lớn còn lại bày lễ vật cúng kính 12 bà Mụ.
Mẹ đã biết chưa?
“Liệu không cúng đầy tháng cho con thì có sao không?”
Nhiều người trẻ mới lập gia đình thường thắc mắc liệu có nhất thiết phải làm mâm cúng Mụ vào các dịp đầy cữ, đầy tháng, đầy năm cho bé theo phong tục truyền thống hay không. Một số người thì cho rằng không cần thiết phải làm đúng theo dân gian, tức là bày mâm cúng 12 Bà Mụ và 3 Đức Ông với các đồ lễ truyền thống mà chỉ cần bày biện mâm cơm tỏ lòng thành và thông báo sự xuất hiện của một thành viên mới trong gia đình là được.
Tuy nhiên nhìn chung phần đông các bậc cha mẹ cho rằng nên làm lễ đầy tháng cho con theo phong tục truyền thống để thể hiện sự tôn kính, biết ơn đến các Bà Mụ và ông bà tổ tiên. Đồng thời đánh dấu bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời bé khi vừa chào đời, cầu mong hạnh phúc, sức khỏe và được sự giúp đỡ, bảo vệ từ mọi người xung quanh.
Xem thêm:
- Cúng thôi nôi cho bé – Tất tần tật những gì mẹ cần biết!
- Cách dạy bé sơ sinh 0-1 tháng tuổi (Cùng Mẹ Nhật giúp con phát triển trí thông minh)
- 7 giải đáp thắc mắc từ bác sĩ nhi về bé 1 tháng tuổi giúp mẹ chăm con siêu nhàn
- CHĂM BÉ SƠ SINH 1 THÁNG tuổi – 6 lúng túng của mẹ chăm con