Nhiều bà mẹ lo lắng khi con theo bà nội hơn mẹ khi mẹ hết thời gian nghỉ thai sản và trở lại với công việc. Bài viết sau sẽ giúp mẹ cách vơi đi nỗi lo này.
Hết thời gian nghỉ thai sản, các bà mẹ không còn nhiều thời gian dành cho con. Một ngày bé chỉ gặp mẹ khoảng một vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Bé quen dần với hình ảnh những người chăm sóc bé thường xuyên như bà nội. Nhiều mẹ chắc chắn sẽ cảm thấy tủi thân khi con không cho mẹ bế, quay ngoắt mặt đi khi thấy mẹ, v.v.
Hụt hẫng khi con theo bà nội hơn mẹ, nhiều mẹ lên mạng than thở
Mới đây, trên một diễn đàn dành cho chị em, bà mẹ trẻ có nickname N.T.Q than thở bị mẹ chồng “tranh mất con”. Con chỉ quấn bà nội mà không quấn quýt mẹ. Chị N.T.Q tâm sự: “Mình có một đứa con được 1 tuổi. Thời gian ở cữ mình vẫn chăm con bình thường. Đến khi đi làm lại thì phải nhờ bà nội chăm sóc. Con ở với bà nội rất ngoan, nhưng đón con về là con quấy khóc, đòi ngủ cùng bà nội. Những lúc con khóc, giãy nảy đòi bà nội mà lòng mình quặn thắt. Mình có cảm giác như bà nội đã giành mất vị trí của mình trong tim con.
Đã có lúc mình muốn xin nghỉ làm để chăm con vì con theo bà nội hơn mẹ. Nhưng mẹ chồng mình bảo ‘con cứ yên tâm đi làm, cháu để bà chăm’ hoặc ‘con nghỉ làm thì sau này cháu lớn hơn lấy gì mà nuôi nó?’. Hiện tại, mình đang rất buồn không biết phải làm thế nào mới trọn vẹn?”
Ngay sau khi bài đăng được chia sẻ, rất nhiều chị em phụ nữ cảm thông với người mẹ này. Nhiều mẹ khác cũng chia sẽ đã từng rơi vào cảnh “con theo bà nội hơn mẹ”.
Con theo bà nội hơn mẹ, hãy có cái nhìn lạc quan hơn!
Ấy thế mà nhiều người lại cho rằng người mẹ này đang đòi hỏi. Nickname Nguyễn Tuyết cho biết: “Tôi thấy khối bà mẹ trẻ mơ ước mà không được. Bây giờ có bà chăm sóc cháu là an tâm nhất. Chứ thuê ô sin thì còn lo lắng nhiều hơn nữa”.
Một số mẹ bỉm thì than trời vì con quá bám mẹ, mong muốn có ai chia sẻ với mình.
“Đúng là người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra. Mình ước mẹ chồng trông cho như thế chẳng được. Vừa đi làm, vừa tốn tiền thuê ngoài mà không yên tâm. Con 18 tháng mà lúc nào thấy mẹ về là làm nũng, bám nửa bước không rời. Mẹ đi WC cũng bám theo, ăn cơm cũng ngồi lòng. Mệt lắm, chỉ mong có ai đó chia sẻ cùng thôi”.
Một số gợi ý để con bám mẹ hơn
Sau đây là một số cách để con khắng khít với bạn hơn. Hãy áp dụng chúng thường xuyên và mỗi ngày nhé!
Tận dụng thời gian chơi với con
Những giờ đọc truyện trước khi đi ngủ, những ngày cuối tuần bạn được nghỉ ở nhà… đó là cơ hội để bạn chơi đùa cùng con. Tốt nhất là bạn nên toàn tâm toàn ý mỗi khi bên con và tránh xa chiếc điện thoại ra nhé!
Cùng làm những hoạt động cả gia đình
Các hoạt động nhóm sẽ rất tuyệt vời vì mọi thành viên gắn bó với nhau hơn. Không có ai bị “cho ra rìa”. Hãy chọn một thời gian cố định cho hoạt động gia đình. Và mẹ hãy cố gắng tương tác với con nhiều hơn. Những hành động như ôm ấp, vỗ về, âu yếm với con là rất cần thiết mẹ nhé.
Nói chuyện thẳng thắn với bà nội
Trước tiên, hãy bày tỏ sự biết ơn đối với bà nội đã giúp bạn chăm cháu. Thật ra, con theo bà nội hơn mẹ cũng là tin vui. Ít ra bạn cũng biết rằng con luôn được yêu thương, chăm sóc tốt khi bạn không ở bên. Tuy nhiên, bạn hãy bày tỏ những nỗi băn khoăn trong lòng một cách nhẹ nhàng nhất. Nếu bà vẫn khăng khăng muốn ôm cháu và không muốn bạn bên con, hãy nhờ chồng can thiệp.
Cho ông bà đi nghỉ dưỡng để bạn tranh thủ tình cảm với con
Bạn cũng có thể dành tặng cho ông bà những chuyến nghỉ mát vài ngày. Đây là một cách báo hiếu với cha mẹ, vừa là cách để bạn tận hưởng thời gian với con. Chắc chắn rằng, đứa trẻ sẽ mau chóng thân thiết với mẹ hơn.
Lời kết
Việc con theo bà nội hơn mẹ có thực sự đáng lo ngại như vậy không? Thực tế, con theo bà nội hơn mẹ chỉ là một giai đoạn phát triển của trẻ. Và dù con có bám mẹ hay không – điều quan trọng nhất vẫn là vun đắp xây dựng tình cảm mẹ con. Hãy nhớ rằng sẽ chẳng ai có thể thay thế mẹ trong lòng mọi đứa trẻ. Đó là sợi dây mẫu tử bền chặt ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ mà không ai có thể thay thế.
Xem thêm
Cháu bà nội – Tội bà ngoại: Tại sao bà ngoại có vai trò rất đặc biệt trong cuộc sống của các cháu
Gửi đến con – khi con không cần mẹ nữa
Bố mẹ cần chú ý đến hội chứng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ