Cơn đau chuyển dạ là 1 trong những dấu hiệu đầu tiên thông báo cho cuộc vượt cạn sắp tới của mẹ bầu. Vì vậy các bà mẹ mang thai đặc biệt quan tâm đến những dấu hiệu của cơn đau chuyển dạ để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nhất.
Dấu hiệu của cơn đau chuyển dạ
Cơn đau chuyển dạ xuất phát từ cơn co tử cung, tạo nên các cơn co thắt mà mẹ không thể điều khiển được. Cơn co tử cung diễn tiến nhịp nhàng, lúc co lúc nghỉ nhưng không hết hoàn toàn như cơn co vào trước thời kỳ chuyển dạ. Cường độ cơn co không quá mạnh để có thể gây nguy hiểm cho thai nhi và mẹ.
Xuất hiện cơn co tử cung là yếu tố then chốt của quá trình chuyển dạ. Khi bắt đầu chuyển dạ cơn co tử cung chỉ dài 15 – 20 giây, sau đạt tới 30 – 40 giây ở cuối giai đoạn xóa mở cổ tử cung cường độ cơn co tử cung cũng tăng dần lên. Áp lực cơn co khi mới bắt đầu chuyển dạ từ 30-35 mmHg tăng dần lên đến 50 – 55 mmH. Rối loạn co bóp của tử cung có thể làm cho cuộc chuyển dạ bị kéo dài hoặc gây các tai biến cho người mẹ và cho thai nhi.
Mẹ cần phải làm gì có cơn đau chuyển dạ?
Thông thường dấu hiệu chuyển dạ sẽ kéo dài, sự lo lắng căng thẳng hay những cơn đau quá mức có thể khiến bà bầu bị mất sức, không còn đủ sức để rặn đẻ, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như trẻ sinh ra dễ bị ngạt hoặc bác sĩ sẽ phải sử dụng các dụng các biện pháp hỗ trợ đưa thai nhi ra ngoài…
Do vậy bác sĩ khuyên phụ nữ mang thai nên chủ động tìm hiểu các dấu hiệu chuyển dạ, cơ chế của cơn đau chuyển dạ, cách thức giảm đau, chuẩn bị tốt tinh thần để tăng khả năng chịu đựng và vượt qua giai đoạn này nhẹ nhàng hơn.
Khi chị em nhận thấy các dấu hiệu của cơn đau chuyển dạ, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, bác sĩ sẽ cho biết chính xác đã đến thời điểm cần nhập viện hay chưa. Tại bệnh viện thi phụ sẽ được các bác sĩ theo dõi cẩn thận, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho quá trình “vượt cạn”, bảo vệ tối ưu sức khỏe của mẹ và bé.
Cách làm quen với cơn đau chuyển dạ
Tùy thuộc vào cơ địa mỗi thai phụ mà mức độ đau cơn đau chuyển dạ hay các cơn co thắt diễn ra khác nhau. Lúc này, chị em không nên quá lo lắng, hoảng sợ mà hãy chuẩn bị tinh thần đối mặt với các cơn co thắt cường độ ngày càng nhiều và học cách kiểm soát cơn đau.
Kiểm soát hơi thở, thả lỏng cơ thể
Thả lỏng cơ thể và tập trung hít thở sẽ giúp thai phụ giảm bớt lo âu và đau đớn. Chị em nên biết kiểm soát hơi thở của mình bằng cách thở chầm chậm và nhẹ nhàng. Trong các giai đoạn đầu tiên của cơn co thắt mẹ hãy hít vào từ từ qua mũi, thở ra nhè nhẹ và chậm rãi qua miệng. Đến khi cơn co thắt trở nên mạnh và thường xuyên hơn, thai phụ nên bắt đầu áp dụng cách thở nhẹ và ngắn.
Lưu ý: Khi hít thở, tránh dùng phần bụng dưới – nơi các cơn co thắt đang diễn ra, chỉ dùng phần trên của cơ thể, phần ngực.
Vận động nhẹ nhàng
Trước khi lên bàn sinh, khi chuyển dạ mẹ có thể vận động nhẹ nhàng để giảm bớt ảnh hưởng của các cơn đau:
- Đi qua lại hay đứng dựa vào tường và lắc nhẹ ở vùng chậu để sức nặng của bé trong bụng dồn về trước, giúp giảm lực đè lên xương sống, tăng hiệu quả các cơn co thắt.
- Có thể ngồi trên ghế và hơi ngả người ra trước, hai chân dang rộng ra.
- Nếu đi, đứng hay ngồi mà thấy mỏi mẹ bầu có thể nằm hơi nghiêng, xuôi 2 tay thả lỏng, kê thêm gối ở đầu và phần đùi trên, 2 chân dang ra, thư giãn và tập trung luyện tập hít thở, kiểm soát hơi thở.
Thư giãn
Khi bắt đầu những cơn co thắt, mẹ có thể lựa chọn nghe nhạc hoặc suy nghĩ đến những điều tích cực để giúp thả lỏng cơ thể, giúp chị em cảm thấy dễ chịu hơn.
Can thiệp y khoa
Trường hợp các cơn đau vượt quá ngưỡng chịu đựng hoặc thai phụ quá lo lắng, sợ hãi không còn đủ sức “vượt cạn”, có thể cân nhắc đến các phương pháp can thiệp y khoa như thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc gây tê… Việc sử dụng các loại thuốc an thần với liều lượng ít có thể giúp thai phụ giảm lo âu, làm dịu các cơn đau, nghỉ ngơi giữa các cơn co thắt đồng thời kiềm chế các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói hay tăng huyết áp. Tuy nhiên tác dụng phụ thuốc an thần là gây cảm giác buồn ngủ nên trước khi quyết định sử dụng thuốc sản phụ cần được bác sĩ tư vấn cặn kẽ.
Các giai đoạn của cơn đau chuyển dạ
Chị em sẽ trải qua 3 giai đoạn chuyển dạ như sau:
Giai đoạn 1
Tử cung co bóp càng lúc càng thêm mạnh, các cơn co bóp này trở nên dài hơn, mạnh hơn, lặp lại nhanh hơn. Cổ tử cung từ từ mở ra. Khi mới bắt đầu chuyển dạ và còn chưa khó chịu nhiều, bạn hãy cố gắng nói chuyện, thư giãn, đi lại cho dễ chịu.
Giai đoạn 2
Cổ tử cung mở hết cỡ phục vụ cho việc rặn đẻ. Hãy chọn tư thế rặn đẻ dễ dàng nhất. Sau mỗi cơn co, bạn hãy nghỉ và thư giãn để lấy sức. Trong 1 số trường hợp tử cung không mở đủ độ cần thiết, bác sĩ sẽ có can thiệp giúp mở rộng cổ tử cung hoặc chỉ định sinh mổ.
Giai đoạn 3
Dù đã “mẹ tròn con vuông”, bạn vẫn đang trong giai đoạn 3 của quá trình chuyển dạ. Sau khi bé ra đời, tử cung sẽ tạm ngừng co bóp trong chốc lát rồi sau đó sẽ tiếp tục hoạt động. Nhau thai bong ra khỏi thành tử cung và được đẩy ra ngoài. Khi nhau thai được đẩy hết ra ngoài cũng chính là thời điểm quá trình vượt cạn kết thúc.
Tạm kết
Các mẹ có biết cơn đau chính là một phần rất tích cực của chuyển dạ, vì cứ sau mỗi lần co thắt thì thời điểm chào đời của con càng đến gần hơn. Hy vọng bài viết đã giúp chị em có thêm thông tin về cơn đau chuyển dạ cũng như cách để giúp mẹ bầu trải qua quá trình sinh nở 1 cách thuận lợi, an toàn nhất.
Xem thêm
- Tìm hiểu về các cơn co thắt chuyển dạ – Nỗi ám ảnh của các bà mẹ trong phòng chờ sinh
- Thực hư chuyện uống nước đá khi chuyển dạ giúp mẹ bớt đau đớn
- Cơn gò tử cung là gì, cách phân biệt cơn gò sinh lý và con gò chuyển dạ?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!