Có nên cho bé ngậm ti giả thường xuyên mỗi khi con quấy khóc?

Nhiều ba mẹ có thói quen cho bé ngậm ti giả mỗi khi con quấy khóc. Tuy nhiên việc làm này lợi hay hại? Liệu có nên cho bé ngậm ti giả hay không và trẻ sơ sinh ngậm núm giả có tốt không? Cùng tìm hiểu về những ưu và nhược điểm của việc ngậm ti giả để có câu trả lời ngay sau đây mẹ nhé!

Trẻ sơ sinh ngậm núm giả có tốt không?

Câu trả lời là có. Ngậm núm giả mang lại rất nhiều những lợi ích như:

Chặn ngay cơn quấy khóc của bé

Ti giả được làm bằng cao su mềm nên cho cảm giác rất giống ti mẹ. Khi bé quấy khóc do đói bụng mà bạn còn phải mất thời gian pha chế sữa hay chưa cho bé bú ngay được thì ti giả có tác dụng “hoãn binh” rất hữu hiệu. Có thể nói, ngậm ti giả giúp bé thoải mái, bình tĩnh và ít cáu gắt, khó chịu hơn.

Giúp bé dễ ngủ

Một số bé dễ ngủ hơn khi được ti mẹ và có thói quen vừa ngậm ti vừa ngủ. Vì vậy núm vú giả như một công cụ giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn, từ đó bố mẹ có thêm thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.

Giảm nguy cơ đột tử

Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra rằng, ngậm núm vú giả trong khi ngủ giúp bé tránh được chứng SIDS - chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh, nhất là ở trẻ dưới 6 tháng.

Dễ dàng "cai" hơn so với mút tay

So với thói quen mút tay thì ngậm ti giả dễ dàng "cai" hơn nhiều. Cho bé ngậm ti giả cũng là cách mẹ giúp bé ngăn ngừa thói quen mút tay vô cùng có hại cho sức khỏe và sự phát triển của con.

Tác hại khi mẹ cho bé ngậm ti giả

Cho bé ngậm ti giả mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có những tác hại nếu mẹ sử dụng không đúng cách. Để trả lời cho câu hỏi có nên cho trẻ sơ sinh ngậm núm giả hay không, mời ba mẹ cùng tìm hiểu về một số tác hại có thể xảy ra khi mẹ cho bé ngậm ti giả nhé.

Bé khó bú mẹ

Một số nghiên cứu cho rằng mẹ cho bé ngậm ti giả sớm sẽ gây khó khăn cho quá trình bú mẹ sau đó. Vì vậy tốt nhất là mẹ nên đợi đến khi bé bú mẹ thành thạo và nguồn sữa mẹ cũng đã về ổn định thì hãy cho bé dùng ti giả. Thời gian phù hợp đó là khoảng 1 tháng sau sinh.

Tăng nguy cơ viêm tai giữa

Bé sau 6 tháng tuổi thường xuyên ngậm núm vú giả có nguy cơ bị viêm tai giữa rất cao. Vì vậy, đối với bé được 6 tháng tuổi trở đi mà vẫn còn thói quen ngậm ti giả thì mẹ hãy "cai" cho bé ngay nhé.

Ảnh hưởng đến răng

Bé sử dụng núm vú giả quá nhiều, đặc biệt là những bé trên 1 tuổi thì răng cửa của con sẽ có nguy cơ bị mọc xiên. Thậm chí núm vú giả còn ảnh hưởng tới cả cấu tạo hàm trên và hàm dưới, gây mất thẩm mỹ cho hàm răng của bé sau này.

Bé bị phụ thuộc quá nhiều vào ti giả

Dùng ti giả nhiều sẽ khiến bé bị phụ thuộc. Từ đó bé sẽ khó ngủ những khi không có ti giả. Một số bé còn bị giật mình và khóc thét khi ti giả rời khỏi miệng lúc đang ngủ.

Đưa nhiều vi khuẩn vào cơ thể

Ngậm ti giả hay mút tay đều là những thói quen rất mất vệ sinh vì sẽ gián tiếp đưa vô số vi trùng, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể bé.

Vậy có nên cho bé ngậm ti giả hay không?

Như theAsianparent đã chia sẻ thì ngậm ti giả đều có những ưu và nhược điểm riêng. Vậy mẹ có nên cho bé ngậm ti giả hay không? Câu trả lời là nếu mẹ cho bé ngậm ti giả đúng cách cũng như cân nhắc về thời gian sử dụng và "cai" khi cần thiết thì cho bé ngậm ti giả cũng mang lại nhiều lợi ích.

Khi còn sơ sinh, mẹ có thể cho bé ngậm ti giả để tránh nguy cơ đột tử và để trẻ thoải mái hơn. Khi trẻ bước vào giai đoạn 6 tháng đến 1 tuổi thì mẹ nên ngừng sử dụng ti giả cho bé để tránh gây ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như sức khoẻ con.

Một số lưu ý khi cho bé ngậm ti giả

Nếu mẹ vẫn quyết định cho bé ngậm núm giả sau khi đã tìm hiểu có nên cho trẻ sơ sinh ngậm núm giả hay không thì hãy lưu ý một số điều sau đây để đảm bảo an toàn cho bé:

  • Tuyệt đối không lạm dụng ti giả quá nhiều, bé sẽ không muốn ti bình hay ti mẹ nữa
  • Không buộc ti giả quanh cổ bé hay quanh cũi vì dây có thể vướng vào cổ và gây nguy hiểm cho bé
  • Chọn thương hiệu ti giả an toàn và uy tín, không nên chọn những loại dễ bị cắn nát vì bé sẽ nuốt và dễ bị hóc
  • Vệ sinh và khử trùng ti giả thường xuyên để đảm bảo vệ sinh
  • Kiểm tra thường xuyên xem ti giả bị hỏng hay chưa. Nếu ti giả có những vết nứt dù chỉ là nhỏ thì mẹ cũng cần phải thay thế ngay
  • Nếu ti giả bị rơi ra khi bé ngủ thì mẹ đừng nên cố gắng đút nó lại miệng bé

"Cai" ti giả cho bé như thế nào?

Việc "cai" ti giả cho bé vốn không phải là một việc dễ dàng. Bé có thể sẽ la hét và quấy khóc trong thời gian đầu. Thông thường thì cai ti giả trước khi bé được 1 tuổi sẽ dễ hơn là khi bé đã lớn. Điều ba mẹ cần làm là hãy thật kiên nhẫn, cho bé một khoảng thời gian để thích ứng và không nên vì xót con mà tiếp tục để bé ngậm ti giả nhé.

Thời gian đầu ba mẹ hãy giảm dần thời gian ngậm ti giả cho bé, sau đó thì ngừng hẳn. Những khi bé quấy khóc hãy đánh lạc hướng bé bằng cách chơi đùa với con hoặc cho bé uống nước,...

Vừa rồi là những thông tin giải đáp thắc mắc có nên cho bé ngậm ti giả hay không. Ngậm ti giả có những ưu và nhược điểm riêng nên mẹ hãy xem xét về việc có nên cho bé sử dụng hay không. Nếu cho bé ngậm ti giả thì hãy chú ý ngừng cho bé ngậm trễ nhất là khi bé 1 tuổi để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của bé nhé!

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

Đỗ Vy