Chọn bệnh viện để sinh là một điều vô cùng quan trọng đối với các mẹ bầu. Vấn đề tiện nghi, vệ sinh, thủ tục hỗ trợ … của bệnh viện góp phần không nhỏ vào tâm lý và sức khoẻ của cả mẹ và con sau sinh. Bài viết dưới đây liệt kê ra 10 điều nên quan tâm khi chọn lựa bệnh viện để sinh con. Hãy cùng tham khảo và áp dụng nhé!
1. Tiện nghi của bệnh viện thế nào?
Các tiện nghi của bệnh viện có thể bao gồm sử dụng bồn tắm (dùng cho việc sinh con dưới nước (thường thấy ở Mỹ) hoặc sử dụng trong lúc chuyển dạ), vòi hoa sen, bóng sinh, ghế đỡ đẻ, tinh dầu và không gian để đi bộ, … Và nếu bệnh viện không có đủ những thứ bạn muốn, bạn có được phép mang từ nhà đến không?
Hãy nhớ, không chỉ có bạn mới là người băn khoăn về điều này. Hầu như bà bầu nào trước sinh cũng cảm thấy vừa hồi hộp và cũng vừa lo âu! Suy nghĩ về việc chuẩn bị cho tất cả mọi thứ chắc chắn sẽ làm bạn căng thẳng. May mắn là giờ nhiều bệnh viện (và trung tâm sinh sản) có thể giới thiệu về các gói sinh sản, giúp các bậc cha mẹ tương lai cảm thấy thoải mái hơn về nơi họ chọn để chào đón bé.
2. Bệnh viện hỗ trợ các phương pháp sinh đẻ như thế nào?
Bạn đang có kế hoạch sinh thường, muốn gây tê màng cứng hay chưa có quyết định gì? Dù thế nào, nơi mà bạn chọn sinh nên có mọi phương án và có khả năng hỗ trợ toàn diện cho bạn.
Nếu bạn có kế hoạch sử dụng gây tê màng cứng, hãy tìm hiểu xem có phải lúc nào cũng có thêm bác sĩ gây mê trong phòng đẻ không. Thông tin này rất quan trọng! Bởi ngay cả khi lên kế hoạch trước, vẫn có những rủi ro xảy ra. Nếu có phương án dự phòng là tốt nhất.
Thêm vào đó, mẹ bầu ở Việt Nam có thể tham khảo thuật ngữ “doula” – người hỗ trợ sinh và hỏi bệnh viện xem có người phụ trách việc này không. Ở Mỹ, có rất nhiều người đang làm dịch vụ này. Doula không phải y tá, cũng không phải bác sĩ. Họ là người hỗ trợ tinh thần và tình cảm cho bà bầu trong suốt quá trình mang thai và sinh nở. Bạn cũng có thể nhờ ai đó mà bạn tin tưởng có thể nhận “trọng trách” này.
3. Tỷ lệ can thiệp chuyển dạ của bệnh viện là bao nhiêu?
Can thiệp chuyển dạ là bất kỳ thủ tục y tế nào được thực hiện trong quá trình sinh. Đó có thể là việc theo dõi liên tục tầng sinh môn hay việc mổ bắt con. Tỷ lệ sinh mổ ở Mỹ hiện ở mức khoảng 32% (Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng tỷ lệ này là 10 đến 15%). Tỷ lệ này rất khác nhau giữa các bệnh viện. Bạn có quyền được biết điều này để chắc chắn rằng xu hướng giải quyết của bệnh viện phù hợp với các ưu tiên của bạn.
4. Có bao nhiêu người được phép vào phòng sinh?
Nhiều bệnh viện giới hạn số lượng người hỗ trợ được phép ở trong phòng sinh. Vì vậy nếu muốn mời thêm người vào phòng sinh, hãy kiểm tra trước với bệnh viện. Nếu một trong những người đó là người hỗ trợ sinh (doula), hãy tìm hiểu xem nhân viên bệnh viện cảm thấy thế nào với sự có mặt của họ (nếu bệnh viện đồng ý cho người hỗ trợ sinh vào thì quá tốt rồi).
5. Bệnh viện trợ giúp cho bố mẹ của trẻ sau khi về nhà như thế nào?
Nhiều bệnh viện có dịch vụ với các nhóm nhân viên hỗ trợ, các nhóm hỗ trợ cho con bú, giúp bạn tiếp cận với các chuyên gia tư vấn, các y tá 24/24 trực trả lời các câu hỏi của bố mẹ, các lớp học cho người mới làm cha mẹ và nhiều nguồn lực khác sẵn sàng để giúp bạn có khởi đầu tốt trong việc nuôi dạy con cái! Đừng ngại ngùng khi hỏi bệnh viện, họ thực sự muốn bạn sử dụng dịch vụ của họ đấy!
6. Bệnh viện có được chứng nhận thân thiện với trẻ sơ sinh?
Chứng nhận này có vẻ vẫn còn xa lạ ở Việt Nam. Ở Úc hay Mỹ, có nhiều bệnh viện nhận được chứng nhận là “thân thiện với trẻ sơ sinh”. Về cơ bản, điều này có nghĩa là họ ưu tiên những liên kết giữa mẹ với em bé như da kề da, để không gian riêng để mẹ cho con bú.
Nếu bệnh viện thân thiện với trẻ sơ sinh, nhiều khả năng sẽ có hệ thống tại chỗ hỗ trợ cho mục đích này. Ví dụ như việc chăm sóc em bé thường xuyên khi đặt bé nằm trên ngực mẹ, thay vì sử dụng thiết bị sưởi ấm và có nhân viên tư vấn cho con bú để giúp bạn có một khởi đầu tốt.
Tuy nhiên, cũng đừng vội thất vọng nếu bệnh viện không có chứng nhận. Đó chỉ là về mặt giấy tờ mà thôi. Tìm hiểu về cách chăm sóc của họ, bạn sẽ thấy có sự khác biệt ngay.
7. Điểm khác biệt của bệnh viện mà bạn chọn để sinh?
Các bệnh viện thường tự hào giới thiệu về các sáng kiến mới của họ – từ việc có người hướng dẫn cho con bú, thức ăn ở viện tuyệt vời hoặc nhân viên được đào tạo hàng đầu. Nên chắc chắn rằng bạn hỏi bệnh viện về những điểm khác biệt của họ giúp bạn quyết định chọn nơi đó là nơi em bé của mình chào đời.
8. Khi chuyển dạ bạn cần làm những gì?
- Có số nào để gọi thông báo rằng bạn đang chuyển dạ và đang trên đường tới bệnh viện không?
- Nên đỗ xe ở đâu?
- Khu làm thủ tục đăng ký đẻ ở đâu và bạn cần chuẩn bị những giấy tờ gì?
- Các bước cần làm kể khi đến bệnh viện cho tới khi vào phòng sinh như thế nào?
9. Trải nghiệm sau sinh?
Sau khi bạn sinh con, bạn có thể dành thời gian thêm ở phòng sinh hoặc có thể được chuyển đến phòng hậu sản. Nếu có thể, hãy yêu cầu bệnh viện cho xem tình trạng một trong các phòng đó. Đó là phòng riêng hay chung với những người khác? Liệu người hỗ trợ/người nhà của bạn có thể ở qua đêm với bạn không? Quy chế đối với khách đến thăm như thế nào?
10. Liệu bệnh viện có cho bạn biết về phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh không?
Hy vọng các mẹ sẽ không phải nghĩ về vấn đề này. Thế nhưng, trường hợp nếu con sinh non, thiếu tháng và phải ở lồng kính thì sao? Hãy cân nhắc hỏi trước bệnh viện để biết trước về chất lượng nhé.
Ai cũng muốn chọn bệnh viện để sinh tốt nhất để đảm bảo sức khoẻ của cả mẹ và bé. Bạn hãy tìm hiểu các chính sách, giá … của bệnh viện để có sự lựa chọn phù hợp nhất nhé. Chúc các mẹ sẽ sớm tìm ra đáp án, sinh con thuận lợi và nhiều sữa nha các mẹ!
Xem thêm:
- Chi phí khám thai tại bệnh viện phụ sản Hà Nội dành cho mẹ bầu tham khảo
- Chia sẻ chi tiết kinh nghiệm sinh mổ ở bệnh viện Việt Nhật Hà Nội
- Chi phí đi sinh tại bệnh viện Từ Dũ với chi tiết bảng giá cho mẹ tham khảo