Chơi với con thế nào để đạt hiệu quả trong phát triển não bộ và các kĩ năng của trẻ. Đây là các hoạt động đơn giản nhưng hiệu quả theo hướng dẫn của trung tâm phát triển trẻ em, đại học Harvard.
- Chơi với bé 1-3 tuổi thế nào để giúp con phát huy tiềm năng thể chất và não bộ?
- Chơi với trẻ sơ sinh – 12 hoạt động cho bé từ 0-12 tháng tuổi
Bé 18 tháng-36 tháng tuổi cần phát triển các kĩ năng quan trọng là ngôn ngữ, tư duy, tính tự lập và tinh thần trách nhiệm. Ngoài các hoạt động thể chất, dinh dưỡng thì chơi là một phần quan trọng của trẻ để phát triển những kĩ năng này. Từ đó tăng khả năng tư duy của não bộ, giúp trẻ thông minh và biết cách xử lý vấn đề khi bước vào giai đoạn tiểu học.
Theo kết nghiên cứu và tổng kết về lứa tuổi này, trung tâm Phát triển trẻ em của trường đại học Harvard khuyến khích cha mẹ cho các bé thực hiện thường xuyên 6 hoạt động chính sau đây để giúp con phát triển chức năng điều hành EF của não bộ.
(EF viết tắt từ executive functions. Có thể hiểu đơn giản là khả năng tự điều chỉnh, chức năng điều hành. Đây là quy trình hoạt động tư duy của não trước. Quy trình này liên quan đến tư duy, cảm xúc, hành động. Nhờ thế mà não bộ có khả năng điều phối hành vi và cảm xúc để thực hiện các hoạt động trong đời sống hàng ngày).
Chơi với con thế nào để giúp bé phát triển IQ
1. Trò chơi vận động chân tay khéo léo
Tất cả các trò chơi đòi hỏi con phải bỏ sức, sử dụng đôi chân, bàn tay của mình phối hợp với nhau trong quá trình chơi sẽ giúp cho hệ cơ xương của con chắc khỏe. Đồng thời tạo nên các kết nối trong cùng một bán cầu não và giữa 2 bán cầu não.
Chơi cùng con thế nào:
- Dạy bé ném bóng vào giỏ, chơi chuyền và bắt bóng. Phù hợp với các bé 18 tháng -24 tháng tuổi.
- Chạy thi trên các đoạn đường dốc. Lên và xuống dốc để giúp con luyện khả năng giữ thăng bằng.
- Nhảy lò cò, nhảy qua các chướng ngại vật bố mẹ tự làm cho bé, rủ con cùng leo trèo.
Trong quá trình chơi, bố mẹ có thể thêm vào các mệnh lệnh để tăng khả năng ghi nhớ của trẻ như, lấy cho mẹ quả bóng màu đỏ rồi ném vào giỏ màu xanh. Hoặc tạo ra các tình huống bất ngờ để con làm quen vào phản ứng xử lý tình huống nhanh nhạy.
2. Cùng con học hát để rèn luyện kĩ năng ngôn ngữ và tăng cường trí nhớ của não bộ
Hát cho bé nghe, cùng con tập hát một bài mới, lặp đi lặp lại hàng ngày. Hát nối từ rồi nối câu, …Ban đầu có thể hơi khó với bé nhưng dần dần, con sẽ nhớ được nhanh hơn hay thậm chí còn tự sáng tạo thêm lời bài hát.
Lứa tuổi này cần chú trọng đến kĩ năng ngôn ngữ vì đây là nền tảng để con phát triển tư duy cũng như thích nghi với môi trường sống mới mẻ khi bước vào giai đoạn mẫu giáo và tiểu học.
3. Các hoạt động có nhịp điệu
Cách chơi này sẽ giúp con được rèn luyện nhịp điệu nhanh, chậm, chuyển động, di chuyển hoặc dừng lại theo các nhịp được quy định. Nhờ vậy mà chân tay con có sự phối hợp linh hoạt, chủ động với khả năng kiểm soát của não bộ. Dần dà con sẽ học được cách điều khiển cảm xúc và hoạt động của bản thân.
Chơi với con thế nào?
Bật nhạc hoặc hát các bài có động tác đi kèm. Bố mẹ thử giảm dần nhịp điệu hoặc tăng nhanh, dừng lại và tiếp tục hát. Lặp đi lặp lại nhiều lần. Trẻ sẽ rất thích thú vì đây là hoạt động tạo sự hứng thú, cảm giác bất ngờ và phấn khích cho con.
4. Tập cho bé kể chuyện
Kể chuyện là hoạt động tuyệt vời tạo điều kiện cho bé phát triển ngôn ngữ và trí sáng tạo một cách tối đa. Đồng thời khi kể chuyện, con sự tự biết điều khiển diễn biến và nhân vật trong câu chuyện của mình. Một cách để tăng mối liên kết giữa các sợi dây tế bào thần kinh vô cùng hiệu quả.
Chơi với con như thế nào?
Bé 1 tuổi rưỡi, bố mẹ nên bắt đầu từ việc đọc sách cho bé nghe. Kể chuyện dựa trên các cuốn sách đơn giản lặp đi lặp lại hàng ngày. Khi bé đã nhớ được thì đặt câu hỏi cho trẻ. Đơn giản từ đây là gì, màu gì rồi tiến tới phức tạp hơn như ai đang làm gì, ở chỗ nào.
Chơi nối từ, rồi cụm từ và cả câu với con. Sau đó khuyến khích bé kể lại việc con mới làm, trò chơi con vừa chơi xong, người bạn hàng xóm mới sang chơi cùng con, món ăn con ăn sáng nay, v.v.
Điều quan trọng nhất là bố mẹ cần chăm chú lắng nghe và hỗ trợ khi con cần. Bé 18 tháng-24 tháng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong diễn đạt ngôn ngữ, khi đó bé thường nản trí và tức giận vì mình không thể nói được điều con muốn.
Lắng nghe, trò chuyện và giúp con biết cách sử dụng từ ngữ thông qua hội thoại, đọc sách hàng ngày sẽ là cách hiệu quả nhất để phát triển ngôn ngữ của con được linh hoạt và thuần thục.
5. Các trò chơi liên quan đến hình khối
Tư duy logic và khả năng sắp xếp theo thứ tự, hình khối và nhóm sẽ được rèn luyện thông qua các trò chơi có liên quan đến hình khối. Đây cũng là hoạt động để con có được tính kỷ luật, tạo nền tảng cho con thích nghi với môi trường đi học sau này.
Chơi với con thế nào?
- Dạy bé phân loại đồ chơi theo hình dáng, nhóm và màu sắc. Chẳng hạn ô tô ở một giỏ, khối gỗ ở một giỏ, …
- Xếp các khối gỗ theo thứ tự từ nhỏ đến to
- Chơi đặt các đồ vật nhỏ trong những chiếc thùng to
- Cùng nhau phân loại rau củ quả giúp mẹ khi nấu ăn như cà rốt trong rổ này, đỗ trong rổ này, trứng trong giỏ này, v.v
Trên thực tế, các trò chơi này rất đa dạng. Chỉ cần bố mẹ chịu khó quan sát các đồ vật và công việc nhà để bé có thể tham gia là con sẽ học được rất nhiều điều về cách phân loại và sắp xếp.
6. Trò chơi đóng kịch
Một trò chơi đơn giản, không tốn kém mà lại giúp trẻ phát triển kĩ năng ngôn ngữ, tính sáng tạo, cách xử lý vấn đề hiệu quả. Thông qua trò chơi đóng kịch, bố mẹ có thể lồng thêm các bài học về lễ phép, chia sẻ và giúp đỡ người khác.
Chơi với trẻ thế nào?
Bố là bệnh nhân, con là bác sĩ. Mẹ là y tá con là bệnh nhân. Con là đầu bếp, bố mẹ là khách hàng trong quán ăn. Có hàng trăm tình huống để chơi đóng kịch với bé. Điều quan trọng là khi chơi, bố mẹ nên dựa trên thói quen và sở thích của con để bé luôn hào hứng với trò chơi.