Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà cần có sự kết hợp giữa dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và chế độ ăn uống, rửa mũi, hạ sốt và nghỉ ngơi hợp lý.
Trẻ bị viêm phế quản
Viêm phế quản ở trẻ em là một dạng bệnh lý viêm nhiễm ở đường thở dưới. Tỉ lệ trẻ em mắc bệnh viêm phế quản thường cao hơn người lớn vì đây là độ tuổi mà sức đề kháng của trẻ còn yếu.
Ngay khi trẻ có các biểu hiện của bệnh viêm phế quản như ho, thở rít trong thanh quản, khó thở, giọng khàn, sốt, chảy nước mũi, nghẹt mũi, sưng bạch huyết, phát ban, … thì cha mẹ cần phải có các biện pháp theo dõi và chăm sóc kịp thời để tránh các biến chứng khó lường (đặc biệt là viêm phổi).
Trong những trường hợp có mức độ bệnh nặng, trẻ sẽ có dấu hiệu rối loạn nhịp thở, thở hổn hển, từng nhịp. Tinh thần trẻ lúc này sa sút, chán ăn, cơ thể mệt mỏi, hai mắt thiếu sự tinh anh vốn có. Da dẻ trẻ lúc này xanh xao, nhợt nhạt.
Một số trẻ có hiện tượng sốt cao, nguy cơ dẫn đến co giật. Mạch yếu nhưng tim đập nhanh, …
Cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà
Việc điều trị viêm phế quản ở trẻ nhỏ cần có sự phối hợp giữa dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và chăm sóc trẻ tại nhà đúng cách.
1. Luôn cho bé uống đủ lượng nước cần thiết
Lượng nước cơ thể bé cần mỗi ngày là khoảng từ 8 – 10 cốc nước. Điều này sẽ giúp trẻ phòng ngừa được hiện tượng khử nước và sung huyết.
2. Hạ sốt cho trẻ đúng cách
Trẻ bị viêm phế quản thường kèm theo sốt kéo dài trong một vài ngày và đặc biệt là sốt cao về đêm. Ngoài việc uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38, 5 độ C thì cần tích cực lau người bằng nước ấm cho trẻ.
3. Sử dụng máy duy trì độ ẩm
Việc duy trì độ ẩm thích hợp trong phòng ngủ cũng như khu vui chơi của bé trong thời điểm này là rất cần thiết, điều này càng đặc biệt cần thiết nếu đó là mùa khô hanh, trong môi trường không khí thiếu đi độ ẩm cần thiết. Duy trì độ ẩm trong không khí sẽ giúp bé dễ thở và cảm thấy thoải mái hơn.
4. Xịt mũi hoặc để cải thiện tình trạng nghẹt mũi, khó thở của trẻ
Sử dụng các loại nước muối chuyên dụng hoặc xịt mũi dành cho trẻ, nhỏ vào mũi bé từ 2-3 giọt. Dùng tay day nhẹ sống mũi có thể giúp lưu thông mũi cho con.
5. Chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp trẻ mau khỏi bệnh
Trong thời gian con bị viêm phế quản, cần tăng cường cho con ăn các loại thức ăn mềm, lỏng như cháo, súp có chứa các loại rau, củ quả, tôm, cá, … nhằm cải thiện sức đề kháng của trẻ và giúp bé chóng hồi phục hơn.
Đồng thời nên tránh cho bé ăn các thực phẩm chứa nhiều đường, các loại nước ngọt có ga, thức ăn nhiều chất xơ, khó tiêu, …
Khi nào thì cần đưa bé đi khám
Mặc dù có thể chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà nhưng đây cũng là một trong những căn bệnh có thể chuyển biến sang giai đoạn với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như:
– Sốt cao trên 38 độ C kéo dài quá 3 ngày.
– Chân tay yếu, mềm, mệt mỏi, môi và da khô, chảy mồ hôi, bỏ ăn và khó thở.
– Trẻ ho theo cơn kéo dài (gần giống như ho gà hoặc ho lao), có thể có đờm.
– Trẻ thở khò khè hoặc thở bằng miệng, lồng ngực hoạt động mạnh.
– Da của trẻ xanh xao, môi và đầu ngón tay, ngón chân tím tái.
– Trẻ bị nôn, tiêu chảy liên tục.
– Con nằm li bì và có những cơn co giật.
Lúc này cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám ngay lập tức để đề phòng bệnh trở nên nặng hơn.
Theo The Asianparent
Xem thêm bài liên quan
- Dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
- Viêm tiểu phế quản – Cha mẹ hết sức lưu ý khi giao mùa
- Chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm phổi như thế nào để tránh biến chứng nguy hiểm cho con?
- Cách phòng bệnh hô hấp cho con đơn giản nhưng hiệu quả khi giao mùa