Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng điều Khanh mong mỏi nhất là người làm cha như mình cố sống tiếp để hiến thận cho con khi bé đủ điều kiện ghép thận.
Cảnh đời oan nghiệt của người cha cố sống để hiến thận cho con
Chàng thành niên Khương Công Khanh (SN 1986, trú tổ 50, phường Hương Vân, Thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) được bạn bè, người thân biết đến là một chàng trai mạnh mẽ, cá tính, siêng năng khi vừa học vừa làm nhiều nghề để giảm khó nhọc cho gia đình.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, Khanh lớn lên trong tình yêu thương của người mẹ khắc khổ. Năm 2012, Khanh thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm và khăn gói vào TP. Huế đi làm thêm ở các quán ăn để kiếm tiền tự trang trải việc ăn học.
Sau 3 năm đèn sách, cầm tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, Khanh ra Hà Nội tìm việc nhưng không thành nên trở lại quê nhà lăn lộn kiếm sống bằng nhiều nghề, có lúc anh lặn lội sang tận Lào làm việc để thay đổi tương lai.
Đây cũng là lúc mối tình ngọt ngào giữa Khanh và chị Lê Thị Kiều Huyên (SN 1998), cô sinh viên Đại học Nông lâm kết trái. Năm 2017, cả hai nên duyên vợ chồng và sau đó một câu con trai đáng yêu, kháu khỉnh chào đời.
Căn bệnh lạ khiến anh Khanh mất khả năng lao động
Trớ trêu thay, hạnh phúc ấy quá ngắn ngủi khi chỉ 2 tháng sau ngày cưới, anh bị bệnh với những dấu hiệu như mỏi 2 tay, mỏi vai, tê chân. Một tuần sau chân anh không có phản xạ gì, mọi người phải đỡ mới đứng lên được.
Anh đã đi khám Bệnh viện Trung Ương Huế và 2 bệnh viện nữa nhưng không tìm ra bệnh. Nơi chẩn đoán anh bị teo cơ bình thường, nơi bảo anh bị nhược cơ còn một nơi bảo anh bị chèn dây thần kinh cột sống. Điều trị một thời gian không hiệu quả, anh về nhà theo châm cứu, thuốc Nam, Đông, Tây y, hễ ai bảo gì anh cũng làm hết.
Mãi tháng 8 năm ngoái, anh phải cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Huế. Sau khi xét nghiệm gửi mẫu sinh thiết ra Hà Nội, anh mới biết chính xác căn bệnh của mình là bị bệnh teo cơ tự miễn hay còn gọi viêm đa cơ tự miễn. Ngày nhận kết quả, anh buồn không thể tin được vào mắt và tai mình, đặc biệt anh suy sụp khi đọc được dòng chữ như không có thuốc đặc trị, không thể phục hồi lại ban đầu được, việc điều trị chỉ cầm chừng kìm hãm hệ miễn dịch. Đây là bệnh nặng nhất đến khi teo phổi khiến bệnh nhân không thể thở được.
Khó khăn chồng chất khó khăn đè lên gia đình trẻ
Bệnh tật đến với anh Khanh quá bất ngờ. Trước đây anh vẫn đi làm thu nhập tháng 7 – 10 triệu mà giờ đây anh bất lực không thể kiếm tiền nuôi được vợ con, cuộc sống hoàn toàn dựa dẫm vào mẹ già ở quê. Căn bệnh lạ lùng khiến Khanh từ một thanh niên khỏe mạnh, bỗng chốc chỉ còn da bọc xương. Chỉ trong vòng một tháng, anh sụt từ 60kg xuống còn có 35 kg, mất hẳn khả năng đi lại, ăn uống và vệ sinh cá nhân cũng khó khăn.
Thời gian đầu mới phát hiện bệnh cũng là lúc vợ anh có bầu được 2 tháng, dù suy sụp nhưng anh vẫn phải cố gắng để được nhìn thấy con. Anh theo phác đồ điều trị cầm chừng, kìm hãm hệ miễn dịch của mình, chấp nhận truyền hóa chất, điều trị để kéo dài được sự sống càng lâu càng tốt.
Tưởng chừng đứa bé chào đời là cái kết viên mãn cho vợ chồng trẻ nhưng niềm hạnh phúc chưa được bao lâu thì sóng gió ập đến. Đau đớn đến tột cùng khi cháu bé cũng mắc căn bệnh nặng khi teo một quả thận bẩm sinh, quả thận còn lại bị ứ nước cấp độ 3. Từ ngày cháu bé phát bệnh là gia đình ra vào bệnh viện như cơm bữa. Tuy đã được miễn giảm nhưng mỗi ngày cháu bé cũng cần thuốc tốn khoảng 70.000 đồng. Tiền thuốc của hai cha con mỗi tháng tối thiểu gần 6 triệu đồng.
Khanh ốm đau bệnh tật không đỡ đần được vợ, còn nhà vợ anh lại có em trai mất nên bầu 3 tháng, vợ anh về nhà ngoại để nhờ bố mẹ chăm sóc. Khi sinh xong, con trai bị bệnh, nhà vợ gần viện hơn nên vợ anh cũng ở luôn bên ngoại đến giờ vừa để nhờ bố mẹ giúp đỡ vừa để thuận tiện cho việc đưa con tái khám 2 tuần một lần ở bệnh viện.
Mục đích sống lớn nhất của người cha mang bệnh hiểm nghèo
Đối với anh Khanh bây giờ sống cũng được, mất đi cũng không sao nhưng điều khiến anh trăn trở và lo lắng là cuộc đời, là tương lai phía trước của cậu con trai bé bỏng. Con nào có tội tình gì, sao phải sớm gánh chịu bệnh tật hiểm nghèo.
Mục đích sống lớn nhất bây giờ của Khanh là để hiến thận cho con. Hiện tai, cơ thể cháu bé còn quá nhỏ nên chưa thể ghép thận ngay bây giờ. Khanh ngậm ngùi chia sẻ: “Mục đích sống của em bây giờ là cố duy trì sự sống chờ cơ thể cháu lớn tí nữa, đủ thích ứng cấy ghép thì em hiến cho con một trái thận”.
Chi phí ghép thận hiện tại lên tới con số hàng tỷ đồng, nhưng nếu là cha hiến tặng cho con thì mức chi phí giảm xuống còn khoảng 300 triệu đồng. Nhìn hình ảnh người cha gầy tọp, ốm yếu ôm đứa con bụ bẫm vào lòng, không ai cầm được nước mắt.
Có thể nói, động lực duy nhất khiến người đàn ông mắc bệnh đến gầy rạc chỉ còn da bọc xương vẫn còn sống cho đến thời điểm này chính là tương lai và mạng sống của con trai mình. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, anh Khanh vẫn luôn lo sợ bản thân không thể chịu được đến lúc con đủ tuổi, cũng như số tiền 300 triệu mà gia đình phải bỏ ra để phẫu thuật cho con vì dù đã giảm hơn 70% chi phí, số tiền đó vẫn là quá lớn.
Tình yêu con bao la của người cha khi sự sống đang bị đe dọa từng ngày
Nhiều lúc anh Khanh bất lực vì không thể lo nổi cho cuộc sống của vợ con, đến giờ vẫn phải nhờ cậy vào cha mẹ già nhưng anh cũng chẳng biết làm gì hơn, chỉ biết cố gắng sống tốt để mọi người yên tâm.
Anh Khanh tâm sự, con anh 14 tháng tuổi nhưng anh chưa một lần nào bế con. Cơ thể gầy gò, sức khỏe của anh đứng lên không nổi huống chi là bế con. Nhiều lúc anh thèm lắm được bế con vào lòng, dắt con chập chững những bước đi đầu tiên, đỡ con khi bị ngã nhưng cũng không được. Cái mong ước nhỏ nhoi ấy của anh chắc có lẽ sẽ chẳng bao giờ có thể thực hiện được vì căn bệnh quái ác này.
“Nhà mình cách nhà vợ 20km phải đi 45 phút mới tới. Mình ở nhà nội nhờ mẹ chăm sóc còn vợ với con mình ở nhờ nhà ngoại. Bây giờ phương tiện liên lạc tốt nên ngày nào mình cũng gọi cho vợ nói chuyện nhìn con nên không có cảm giác xa cách. Cứ một tuần hay lúc nào nhớ con quá mình nhờ ông ngoại chở con xuống hoặc mình bắt xe lên thăm con”.
Nói đến đây anh rưng rưng, mỗi lần anh đến thăm, nhìn thấy từ xa bố, con trai đã nhanh chóng tụt xuống bậc thềm cao để chạy đến ôm chân anh dù chỉ mới biết đi, rồi gọi papa tập nói. Cảm giác đó khiến anh hạnh phúc ứa nước mắt. Đối với anh, một tuần trôi qua dài vô nghĩa, anh chỉ trông mong được gặp con và khoảnh khắc 2 cha con bên nhau chính là khoảnh khắc ý nghĩa, đáng sống nhất của anh.
“Con bị teo một bên thận, một bên yếu nên cứ 2 tuần phải đi viện một lần, mình bất lực chưa một lần nào đưa được con đi. Bé cũng ít được ở bên bố nhưng quấn bố lắm. Lần nào gặp, bé cứ quây quần bên bố không rời, mình nằm là con ở cạnh ôm, phá giỡn.
Bệnh của mình là vậy, chưa bế con được lần nào, trong khi bé gặp bố là đòi bế, mình chỉ để bé ngồi trên chân mà ôm thôi, có lần bé vùng vẫy cả 2 cha con cùng ngã”, anh Khanh mỉm cười.
2 năm nay, từ ngày phát hiện ra bệnh đến giờ, anh phải vay mượn gần 200 triệu để điều trị bệnh, những gì trong nhà có thể cầm cố, vay mượn anh cũng đã làm hết. Vợ anh trông con nhỏ, tranh thủ làm phụ giúp cho anh họ mỗi tháng cũng được thêm 1,5 – 2 triệu đủ nuôi con. Cuộc sống hiện tại của anh đang rơi vào bế tắc khi mỗi ngày phải tốn gần 200 nghìn tiền thuốc để duy trì sự sống ở bên con lâu hơn.
Mong muốn lớn nhất của anh lúc này là có thể sống chờ con lớn có sức khỏe để hiến thận giúp con có được cuộc sống như những đứa trẻ bình thường khác. Cha cố sống để hiến thận cho con được ngày nào vui ngày đó.
Hi vọng sẽ có một phép màu đến với hai cha con anh Khanh!
Nguồn tổng hợp
Xem thêm
- Không đủ tiền sắm quà cho con, người đàn ông nhặt lại chú gấu ở bãi rác về nhặt lại: Mong con sẽ thích!
- Đến thăm phòng trọ của người cha địu con chạy xe ôm công nghệ: “Mình có lỗi với con, thấy con đi nắng mà xót lắm”
- Con gái lấy chồng xa, tiễn con cháu ra xe, bố sụt sùi lau nước mắt
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!