Mẹ bầu cần chuẩn bị những gì khi có chỉ định chọc ối?

Trước khi chọc ối, mẹ bầu phải đi tiểu sạch để kết quả xét nghiệm được chính xác nhất. Và điều quan trọng nhất là mẹ nên thư giãn, thoải mái, không lo nghĩ quá mức để tránh ảnh hưởng đến mẹ bầu và thai nhi.

Cần chuẩn bị gì khi chọc ối là điều chị em thai phụ cần quan tâm. Do trong nước ối có các tế bào của thai nhi nên khi cần thiết phải làm các xét nghiệm liên quan, bác sĩ thường chỉ định yêu cầu thai phụ phải chọc ối.

Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.

Bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh

Khi nào thì mẹ cần chọc ối?

Có không ít mẹ bầu cảm thấy lo lắng khi nghe đến cụm từ “chọc ối” bởi nhiều lý do như liệu quá trình này có gây ra đau đớn gì không cũng như có gây nguy hiểm tới thai nhi trong bụng mẹ?

Chính vì vậy, để chuẩn bị tốt về mặt tinh thần và sức khỏe cho bước này, mẹ cần nắm vững những kiến thức sau đây để không quá bị động và lo lắng trong thai kỳ.

Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Trong giai đoạn thai kỳ, để phát hiện sớm nguy cơ dị tật thai nhi, bác sĩ có thể chỉ định cho bà bầu làm xét nghiệm chọc ối. Đây là phương pháp có thể phát hiện các trường hợp có nguy cơ cao bị bất thường về di truyền, như hội chứng Down, bệnh lý về máu, nhược cơ, xơ hóa nang, hội chứng Tay-Sachs và các bệnh lý tương tự khác. Mẹ nên trao đổi kĩ với bác sĩ để chuẩn bị tâm lí tốt, thoải mái nhất trước khi tiến hành. Mẹ cũng cần chọn cơ sở y tế uy tín, bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo an toàn khi thực hiện thủ thuật.

Xét nghiệm chọc ối liệu có gây ra nguy hiểm gì cho mẹ và bé?

Trên thực tế, việc chọc ối có tỉ lệ an toàn cao bởi vị trí của thai nhi và vị trí của kim tiêm được sử dụng trong quá trình chọc ối sẽ được quan sát vô cùng cẩn thận thông qua máy siêu âm.

Tuy nhiên, xét nghiệm chọc nước ối cũng có một tỉ lệ rủi ro nhất định. Theo thống kê, trong khoảng 1000 ca chọc ối, có thể sẽ có 2-3 ca gặp phải tình trạng dọa sảy thai, sảy thai, vỡ ối, nhiễm trùng ối, … Vì vậy nếu cảm thấy có bất kỳ thắc mắc, lo lắng, băn khoăn nào thì mẹ bầu cần hỏi đáp kĩ lưỡng với bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm này.

Theo bác sĩ Nam, lượng nước ối lấy ra khoảng 15-20ml, cơ thể mẹ sẽ tái tạo lại lượng nước ối này và bé sẽ không bị thiểu ối sau khi thực hiện xét nghiệm. Một số trường hợp, mẹ sẽ bị đau bụng sau khi chọc ối, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc uống và dặn mẹ nghỉ ngơi vào ngày chọc ối, tình trạng này thường sẽ giảm vào ngày hôm sau. Bên cạnh đó, vẫn có một số rủi ro có thể xảy ra như vỡ ối, nhiễm trùng, thai lưu, sảy thai với nguy cơ sảy thai là 1/500.

Việc phát hiện ra các dị tật của thai nhi thông qua chọc ối có chính xác không?

Có thể nói, đây là một trong số các phương pháp xét nghiệm để phát hiện dị tật có xác suất khá cao (có thể lên tới 99,7%).

Nghĩa là trong khoảng 1000 thai phụ được chọc ối và có kết quả rối loạn nhiễm sắc thể, chỉ có tầm 2-3 trường hợp sẽ cho kết quả không chính xác.

Mẹ bầu cần chuẩn bị gì khi chọc ối?

Để có thể tiến hành thuận lợi xét nghiệm chọc ối, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe của thai phụ nhằm đảm bảo những vấn đề sau:

Sức khỏe của mẹ bầu phải ở trạng thái bình thường. Thai phụ không có bất kỳ hiện tượng nguy hiểm nào như đau bụng, ra nước và không ở trong tình trạng nhiễm trùng khi chuẩn bị làm xét nghiệm.

Mẹ bầu sẽ được đánh giá bệnh lý nội khoa nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi khi tiến hành chọc ối.

Những mẹ bầu vốn có tiền sử bệnh như bệnh tim, phổi, thận, suyễn, … thì phải thông báo cho bác sĩ kĩ lưỡng về tình hình bệnh tật trước khi chọc ối.

Ngoài ra, cần đảm bảo rằng mẹ bầu không có các biểu hiện dị ứng đối với kháng sinh được kê uống trước khi làm xét nghiệm.

Trước khi chọc ối, mẹ bầu phải đi tiểu sạch để kết quả xét nghiệm được chính xác nhất. Và điều quan trọng nhất là mẹ nên thư giãn, thoải mái, không lo nghĩ quá mức để tránh ảnh hưởng đến mẹ bầu và thai nhi.

Sau khi chọc ối, mẹ bầu cần lưu ý gì để đảm bảo tình trạng sức khỏe ổn định?

Mẹ bầu sẽ được lưu lại tại phòng bệnh khoảng 1 giờ đồng hồ để theo dõi tổng trạng sức khỏe như mạch, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, cơn gò, tim thai, …

Nếu mẹ bầu phát hiện ra các dấu hiệu bất thường bao gồm sốt, ra nước, ra huyết, đau bụng không giảm thì cần lập tức đi khám.

Khi trở về nhà, mẹ bầu chỉ cần duy trì chế độ ăn uống, tắm rửa bình thường, vận động nhẹ nhàng. Trong thời gian 2-3 ngày sau khi chọc ối, mẹ bầu cần nghỉ ngơi, thư giãn, kiêng bê vác vật nặng, tránh quan hệ tình dục và sử dụng thuốc theo đơn kê của bác sĩ.

Xem thêm bài liên quan:

Vào ngay Fanpage của The Asianparent Vietnam để cập nhật và thảo luận cùng những cha mẹ khác nhé!

Bài viết của

Minh Hương