Ngày nay, tỉ lệ trẻ em mắc chứng tự kỉ ngày một cao. Việc tìm hiểu cách nhận biết trẻ bị tự kỉ sớm sẽ giúp bố mẹ có phương pháp dạy con phù hợp, cùng trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này để phát triển như những đứa trẻ khác. Nếu để trẻ tự kỉ trong thời gian dài, con sẽ khó thoát khỏi thế giới của mình, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trẻ tự kỉ là một rối loạn phát triển bao gồm những khiếm khuyết trong tương tác xã hội, sự phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp kết hợp hành vi cứng nhắc, lặp đi lặp lại của trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng tự kỉ ở trẻ: bệnh lý thai kỳ (mắc virus Rubella, bệnh lý tuyến giáp), yếu tố di truyền, khiếm khuyết não bộ hoặc do môi trường sống.
Tự kỉ được xem là một trong những triệu chứng khá nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bé. Trẻ tự kỉ thường có xu hướng thu mình lại, không giao tiếp với mọi người, gặp khó khăn trong giao tiếp, lâu dần, bé sẽ trở nên nhút nhát, sợ hãi… Chính vì vậy, bố mẹ cần biết cách nhận biết trẻ tự kỉ để sớm phát hiện và có phương pháp can thiệp kịp thời. Dưới đây là 5 dấu hiệu mà bố mẹ có thể căn cứ vào đó để xác định con có đang mắc chứng tự kỉ hay không.
1. Trẻ bị tự kỉ gặp khó khăn khi giao tiếp
Đây là cách nhận biết trẻ bị tự kỉ khá đặc trưng. Bởi các em bé tự kỉ đều gặp khó khăn chung trong việc giao tiếp bằng lời nói. Phần lớn trẻ sẽ rất bập bẹ tập nói, thậm chí là gần như yên lặng trong những năm đầu đời.
Nếu có nói, trẻ cũng chỉ nói rất ít, nói những câu đơn giản, vô nghĩa, sai văn phạm và phần lớn là nhại lại lời nói của người khác. Trong âm điệu của bé cũng không có nhấn giọng, không bộc lộ cảm xúc gì. Đa phần trẻ tự kỉ thường hay dùng ngôn ngữ riêng theo trí tưởng tượng mà người khác không thể hiểu con đang nói gì. Đồng thời, bé cũng rất có thể không hiểu bạn đang diễn đạt gì.
Trong quá trình giao tiếp, bé rất hay bỏ dở câu nói và cũng không nhìn thẳng vào mắt người khác.
2. Trẻ tự kỉ không thích sự thay đổi
Trẻ tự kỉ có xu hướng thích chơi một mình, thích sắp xếp đồ vật theo trật tự riêng mà bé nghĩ ra và thích môi trường sống quen thuộc, không thích sự thay đổi dù là đồ vật mà bé đã xếp hay môi trường sống. Bạn có thể nhận biết điều này bằng cách sắp xếp lại sách vở, đồ chơi của bé theo một trật tự khác, bé sẽ rất tức giận với sự thay đổi này.
Đồng thời, bé cũng thích có không gian riêng của mình, không thích những điều mới lạ, cũng không thích địa điểm đông người hay bất kỳ sự thay đổi nào khác.
3. Trẻ thích chơi một mình
Một trong những cách nhận biết trẻ bị tự kỉ đó là con thích chơi một mình, trong không gian của riêng mình với những món đồ chơi đã gắn bó với bé. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự hiếu động, nghịch ngợm, thích đùa giỡn của nhiều em bé khác. Nếu bạn thử giấu đi hoặc thay thế con búp bê mà bé yêu thích bằng một món đồ chơi khác, bé sẽ lập tức phản ứng dữ dội như khóc thét, la hét…
4. Trẻ thường xuyên có hành vi lặp đi lặp lại
Trẻ tự kỉ thường hành động một cách máy móc, thường xuyên có các hành vi lặp đi lặp lại. Chẳng hạn, con sẽ ăn mãi một món ăn, chơi mãi một trò chơi, nhìn liên tục vào quạt trần hay cách ăn mặc, cách leo cầu thang… đều thực hiện giống nhau.
Nhìn chung, hành động của trẻ tự kỉ khuynh hướng định hình, cố định và không có ý nghĩ sẽ khám phá thế giới, chơi các trò chơi một cách cứng nhắc, thiếu sự sáng tạo, không có tính tưởng tượng. Bạn có thể dễ dàng nhận ra dấu hiệu này thông qua các hành động thường ngày của bé.
5. Trẻ tự kỉ có vận động chậm chạp
Thông thường, các em bé đều khá nghịch ngợm, chạy nhảy liên tục nhưng trẻ tự kỉ lại khác. Bé vận động tương đối chậm do giảm trương lực cơ toàn thân hoặc rối loạn trương lực cơ. Trẻ gặp khó khăn trong việc bắt chước vận động, không thích tập luyện. Đôi khi bé sẽ có những hành động kỳ lạ như nhăn nhó mặt, xoắn vặn bàn tay, xoay đầu, đập đầu… và các hành động này đều diễn ra một cách chậm chạp.
Đó là một số cách nhận biết trẻ bị tự kỉ mà mẹ hoàn toàn có thể theo dõi nếu để ý đến con nhiều hơn, nhanh chóng phát hiện những bất thường của trẻ để có cách điều chỉnh kịp thời, giúp con từng bước cởi bỏ lớp vỏ bọc của mình, hòa nhập với mọi người xung quanh và tự tin khám phá thế giới.
Xem thêm:
- Nhận biết trẻ tự kỷ khi bé 6 tháng tuổi
- Bé chậm nói có phải bị tự kỉ không?
- Dạy con tự kiểm soát cảm xúc và xử lý sự hung hãn của con!
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!