Cách nấu nước lá tía tô cho bà bầu như thế nào và thực hư việc thai phụ những tuần cuối uống nước này sẽ giúp dễ sinh có phải là sự thật? Hãy tìm lời giải đáp trong bài viết này nhé.
Tác dụng của lá tía tô cho bà bầu
Tía tô là một loại rau thơm khá phổ biến và quen thuộc với đại đa số người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Là loại cây thảo sống quanh năm, tía tô có rễ củ trắng, ăn có vị nồng cay và mọc hoang hoặc dễ trồng nhiều nơi trong cả nước và châu Á. Cây ưa sáng và ẩm, thích hợp với đất thịt, đất phù sa.
Từ lâu, tía tô không những là một nguyên liệu để chế biến các món ăn mà còn là một bài thuốc đông y trị bệnh. Có thể kể đến một vài tác dụng của lá tía tô cho bà bầu như sau:
- Chữa cảm lạnh, giải cảm
- Hạn chế tình trạng sưng phù chân
- Giảm tình trạng ốm nghén
- Đau bụng, đau lưng
- Bổ trợ giúp trị mụn và săn chắc cho làn da
Cách nấu nước lá tía tô cho bà bầu
Một trong những phương pháp dân gian hay dùng là nấu nước lá tía tô để uống. Và việc này cũng được nhiều mẹ bầu áp dụng. Cách nấu như sau:
- Lá tía tô ngâm với nước muối pha loãng rồi rửa sạch
- Đun sôi 2,5 lít nước lọc rồi cho lá tía tô vào
- Đậy kín nắp, để hỗn hợp sôi khoảng 2 phút thì tắt bếp, để nguội
- Sau đó, cho 3 lát chanh tươi vào bình, đậy nắp, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh
Tuy nhiên, lương y Bùi Hồng Minh – Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình khuyến cáo chị em khi mang thai không nên dùng nước lá hay cành tía tô uống hàng ngày thay thế hoàn toàn nước lọc. Tía tô có tính ấm, dùng thường xuyên và nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe, bà bầu có nguy cơ bị tăng huyết áp.
Ngoài ra, tía tô có thể xem như là một vị thuốc. Khi không bị bệnh gì thì chỉ nên dùng như gia vị hay nguyên liệu chế biến món ăn. Để an toàn, mẹ bầu luôn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nước nấu lá tía tô.
Uống nước tía tô trước khi chuyển dạ có giúp mẹ dễ sinh?
Nhiều kinh nghiệm truyền miệng cho rằng bà bầu 39 tuần uống lá tía tô sẽ giúp dễ sinh hơn. Tuy nhiên thực tế chưa có một nghiên cứu nào đề cập hay khẳng định việc nấu lá tía tô cho bà bầu dễ sinh là khoa học.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung tại Hội Đông y Việt Nam cho hay “Nếu có trường hợp uống lá tía tô mà dễ sinh thật thì cần phải có nghiên cứu và số liệu cụ thể. Và không phải ai uống lá tía tô cũng đều có tác dụng, có thể phù hợp với người này nhưng lại không phù hợp với cơ địa của người kia”.
Do đó, thay vì tìm hiểu cách nấu nước lá tía tô cho bà bầu để dễ sinh thì mẹ hãy tìm hiểu và thực hiện những biện pháp khác an toàn và khoa học hơn. Có thể kể đến như các bài tập giúp mẹ bầu dễ sinh.
Gợi ý 2 món ăn ngon từ lá tía tô
Cháo trứng gà tía tô
Nguyên liệu
- Gạo trắng: 1/3 chén con
- Trứng gà ta: 2 – 3 quả
- Tía tô tươi: 1 nắm lá
- Hành tím, gia vị
Cách làm
- Vo gạo thật sạch, thêm lượng nước vừa phải rồi bắc lên bếp nấu cháo chín nhừ trong khoảng 30 phút. Gia giảm lượng nước cho phù hợp với sở thích ăn cháo loãng hay đặc.
- Tía tô rửa sạch và vớt ra để ráo nước, thái nhỏ.
- Cháo sôi, hạt cháo nở mềm, cho hành tím bằm vào, nêm gia vị vừa ăn.
- Sau đó lần lượt đập 3 quả trứng gà ta vào, khuấy đều tay để trứng tan ra, dậy mùi thơm và màu sắc bắt mắt.
- Cuối cùng là cho lá tía tô đã thái nhỏ vào trứng, nêm gia vị lần cuối rồi tắt bếp.
Lá tía tô kẹp thịt chiên
Nguyên liệu
- 1 bó rau tía tô, chọn lá to
- 200gr thịt heo xay
- 1 củ hành tím nhỏ băm nhỏ
- 2 tép tỏi băm
- 1 muỗng cà phê dầu hào
- 1/3 muỗng cà phê bột nêm & đường & tiêu
- 1 quả trứng gà đánh tan với 20ml sữa, lược qua rây
- 1/2 muỗng cà phê nước mắm
- 1 chén bột mì
Cách làm
- Lá tía tô nhặt rửa sạch, để ráo. Áo bột xung quanh lá tía tô.
- Hành lá rửa sạch, thái nhỏ
- Thịt heo xay cho vào tô cùng các nguyên liệu gia vị phía trên trộn đều
- Trải lá tía tô lên bàn, cho chút thịt vào kẹp lại
- Bắc chảo lên bếp, cho vào khoảng 1 muỗng canh dầu, chờ dầu hơi nóng thì nhúng lá tía tô vào tô trứng rồi cho vào chảo chiên lửa thấp.
- Chiên cho khi thấy bên ngoài lá vàng thơm tức cũng là lúc trứng chín. Chiên vàng 2 mặt trước khi gắp ra đĩa.
- Lá tía tô kẹp thịt chiên xếp ra đĩa, ăn với cơm hay bún cuộn với rau đều rất ngon
Việc đảm bảo sức khoẻ cho mẹ bầu và thai nhi là vô cùng cần thiết và quan trọng, đặc biệt là những tuần cuối thai kỳ. Tuy nhiên, tất cả việc bổ sung thức ăn hay nước uống đều nên phù hợp khoa học để tránh tình trạng gây phản tác dụng.
Xem thêm:
- Bà bầu không nên ăn gì vào mùa nóng để bản thân và thai nhi luôn khoẻ mạnh?
- Phụ nữ mang thai có được ăn sương sáo hay không?
- Bí quyết ăn uống để con xinh đẹp thông minh từ trong bụng mẹ
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!