Có quá nhiều loại rau khiến các mẹ không biết nên chọn loại nào. Hãy cùng tham khảo gợi ý các loại rau cho bé ăn dặm từ các chuyên gia dinh dưỡng sau. Mẹ sẽ có thể chế biến thành những món ăn vừa ngon lại vừa bổ dưỡng.
Điểm danh các loại rau cho bé ăn dặm lý tưởng
Rau xanh là thực phẩm rất tốt đối với trẻ, bổ sung nhiều loại vitamin và dưỡng chất quan trọng. Các thành phần này có tác dụng đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, cải thiện hệ tiêu hóa. Ở giai đoạn ăn dặm nên cho bé ăn nhiều rau để bé quen với loại thực phẩm lành mạnh này. Bởi không ít trẻ do không quen ăn rau từ bé dẫn đến tình trạng lười ăn rau, chỉ ăn thịt. Tuy nhiên, rau xanh thì có vô vàn loại. Đâu mới là loại rau xanh tốt cho bé ăn dặm? Để giúp mẹ giải đáp thắc mắc này, các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra một số gợi ý sau:
Súp lơ xanh
Súp lơ xanh là một trong những thực phẩm đứng đầu danh sách các loại rau cho bé ăn dặm. Trong súp lơ xanh chứa nhiều chất xơ, vitamin C… Đây đều là những dưỡng chất có lợi với hệ tiêu hóa, chống táo bón. Loại rau này có vị ngọt tự nhiên nên khá dễ ăn, kích thích vị giác của trẻ.
Với trẻ tập ăn thô, mẹ có thể rửa sạch, cắt nhỏ rồi đem hấp và rây nhuyễn. Dần dần, khi bé đã quen, mẹ chỉ cần hấp khoảng 10 phút là có thể cho bé ăn trực tiếp.
Củ cải trắng
Các chuyên gia dinh dưỡng ví củ cải trắng như “nhân sâm” dành cho bé ăn dặm. Loại củ này có tính mát, giàu vitamin C, canxi, chất xơ… Trong một số trường hợp, củ cải trắng có công dụng hỗ trợ chữa ho, tiêu đờm, kháng virut… Đặc biệt, củ cải trắng có chất ngọt tự nhiên nên mẹ không lo bé “sợ” ăn rau.
Mẹ có thể cho bé ăn trực tiếp bằng cách gọt vỏ, rửa sạch, luộc hoặc hấp rồi thái miếng hạt lựu. Hoặc bạn cũng có thể kết hợp cùng các món cháo thịt để món ăn thêm hấp dẫn. Một cách chế biến khác được nhiều mẹ áp dụng đó là ninh củ cải, khoai tây, cà rốt, hành tây. Sau khi ninh, mẹ dùng nước có vị ngọt tự nhiên đó nấu cháo cho con.
Quả bơ
Trong số các loại rau cho bé ăn dặm mẹ nhất định không nên bỏ qua quả bơ. Loại quả này chứa hàm lượng chất béo không no dồi dào, tốt cho sự phát triển trí não của trẻ. Ngoài ra, trong bơ còn chứa nhiều protein, vitamin A, E, C – những thành phần rất cần cho thể chất trẻ nhỏ. So với nhiều loại rau khác, bơ có ưu điểm mềm, ngọt bùi nên dễ ăn. Mẹ có thể dùng cho bé mới tập ăn dặm mà không lo bé không cắn, nhai được.
Cách chế biến món ăn dặm từ bơ cũng khá đơn giản. Mẹ chỉ cần lột vỏ, bỏ hạt rồi cho bé ăn ngay. Bơ xay nhuyễn với sữa tươi, sữa chua… cũng là gợi ý hay ho để tạo cho bé món tráng miệng hấp dẫn.
Đậu Hà Lan
Đậu Hà Lan chứa hàm lượng protein thực vật và chất xơ cao, rất tốt cho bé ăn dặm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều đậu Hà Lan giúp tăng trưởng chiều cao, nâng cao sức đề kháng. Do đó, nếu mẹ đang tìm kiếm loại rau cho con ăn vặt thì nên bổ sung ngay thực phẩm này.
Trong Đông y, đậu hà lan có vị ngọt, tính bình, giúp bổ tỳ vị, lợi tiểu tiện. Với những bé khó tiêu, cho ăn dặm với đậu này sẽ giúp bé dễ tiêu, tiêu độc.
Cách chế biến món ăn dặm từ đậu Hà Lan cũng không quá cầu kỳ. Mẹ rửa sạch rồi đem hấp chín, nghiền mịn cho bé ăn như các loại ngũ cốc khác. Mẹ cũng có thể sử dụng đậu Hà Lan cho vào cháo ăn dặm của bé.
Cà rốt
Cà rốt cũng là một loại “thực phẩm vàng” cho bé bởi chứa hàm lượng vitamin A rất lớn. Ăn nhiều cà rốt giúp bé giữ đôi mắt sáng khỏe, phòng ngừa táo bón hiệu quả.
Loại quả này có màu sắc bắt mắt, khiến bé hứng thú hơn khi ăn. Mẹ rửa sạch, cắt khúc và hấp chín, có thể cho bé ăn theo kiểu bốc nhón hoặc đem xay nhuyễn.
Một số lưu ý khi cho bé ăn rau giai đoạn ăn dặm
Vị giác của trẻ nhỏ rất nhạy, thậm chí gấp 1,3 lần so với người lớn. Chính vì vậy, từ khi bé mới tập ăn dặm cho đến ít nhất 8 tháng tuổi, mẹ không nên nêm gia vị vào thức ăn dặm. Bản thân các loại rau cũng đã có vị ngọt sẵn nên mẹ không lo bé chán ăn. Điều này giúp bé có thể làm quen nhiều hương vị của các loại rau.
Nếu thấy bé không thích ăn rau, mẹ có thể thử kết hợp các loại rau có màu sắc khác nhau. Ví dụ, màu đỏ của cà rốt với màu xanh rau bina sẽ kích thích vị giác của bé.
Một lưu ý mẹ cũng nên “bỏ túi” đó là do hệ tiêu hóa lúc này của con còn khá non nớt, dễ dị ứng. Mẹ cần theo dõi cẩn thận để biết nguyên nhân vì sao bé dị ứng với thực phẩm đó. Từ đó, mẹ sẽ có cách điều chỉnh phù hợp.
Xem thêm:
- Ăn dặm: Những gì bé có thể và không thể ăn trong độ tuổi ăn dặm?
- Bột ăn dặm cho bé, nên mua loại ăn liền hay mẹ tự nấu cho con?
- 5 món ăn dặm kiểu Nhật dễ làm cho bé từ 5 – 6 tháng tuổi!