U răng là căn bệnh không phổ biến nhưng có thể để lại nhiều hậu quả nguy hại cho sức khỏe. Mới đây 1 bé gái mắc phải bệnh này đã phải phẫu thuật để loại bỏ gần 20 chiếc răng trong miệng.
Bé gái bị khối u răng hiếm gặp
Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết các bác sĩ tại bệnh viện đã phẫu thuật thành công 1 ca u răng, lấy gần 20 chiếc răng trong khối u cho 1 bệnh nhi 12 tuổi. Được biết cháu bé được gia đình đưa đến viện khám với lý do 12 tuổi nhưng răng nanh hàm trên bên trái vẫn chưa mọc. Kết quả chụp X-quang răng cho thấy hình ảnh khối u răng kết hợp vị trí hàm trên bên trái.
Sau khi chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u, các bác sĩ đã loại bỏ gần 20 chiếc răng nhỏ li ti nằm trong khối u có đầy đủ thân răng, tủy răng và chân răng. Sau đó bác sĩ đã thực hiện đặt khí cụ kéo răng nanh ngầm về đúng vị trí. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và có thể ra viện.
Theo các bác sĩ, đây là thể u răng hỗn hợp (Odontoma) diễn tiến âm thầm và ít bộc lộ các triệu chứng hay các dấu hiệu trên lâm sàng. Khối u có thể gây biến dạng khuôn mặt, hàm răng lộn xộn, xô đẩy do khối u chiếm vị trí của răng.
U răng là bệnh gì?
Bệnh u răng là một u mô thừa nha khoa, bao gồm các mô răng phát triển bất thường. U răng xuất hiện là do có một bất thường nào đó trong quá trình hình thành mầm răng bên trong xương hàm, khi đó mầm răng không trở thành răng hoàn chỉnh mà tạo thành một nang nhỏ, lâu dần lớn lên trở thành u.
Có hai loại u răng chính là u răng đa hợp và phức hợp:
- U răng đa hợp: Thường xuất hiện ở hàm trên, bên cạnh 3 mô răng riêng biệt (men, ngà răng và xương răng) còn có thể xuất hiện phân thùy răng. Có thể hiểu nôm na là khối u chưa có răng cứng hình thành, chỉ có cùi răng, mầm răng nhỏ.
- U răng phức hợp: Thường xuất hiện ở phía sau hàm trên hoặc hàm dưới. Đây là trường hợp u răng đã có răng lớn nhỏ hình thành, trộn lẫn gây vướng víu khó chịu.
Các nha sĩ cho rằng bệnh u răng được gây ra bởi nhiễm trùng và/hoặc chấn thương liên quan, đột biến gen hoặc di truyền. Một ví dụ về hội chứng di truyền có thể gây ra u răng là Gardner, hội chứng này gây ra một loạt các khối u trong cơ thể, bao gồm cả u răng.
Làm thế nào để phát hiện u răng?
U răng có nhiều triệu chứng nhưng chúng thường bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm. Do đó điều cần thiết là mọi người phải gặp nha sĩ định kỳ để được hỗ trợ kiểm tra, chăm sóc và vệ sinh răng miệng. Khi gặp phải 1 trong số bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây thì bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe răng miệng:
- Răng bị mòn và đau đầu thường xuyên
- Đau ở vùng có u, răng lung lay, sưng mặt, xương hàm lệch
- Răng bị nứt vỡ khi không có yếu tố tác động mạnh
- Viêm xoang, viêm mũi
- Lợi sưng to và thay đổi màu sắc
- Viêm chân răng, chân răng thường xuyên chảy máu
- Đau răng thường xuyên và dữ dội.
Điều trị những khối u này thế nào?
Bệnh u răng rất khó để phát hiện do khối u không gây đau nhức, chỉ qua phim chụp X-quang, răng toàn cảnh mới có thể nhìn thấy. Phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật lấy u. Nếu được phát hiện sớm thì phẫu thuật sẽ đơn giản và thời gian phục hồi nhanh chóng. Trường hợp phát hiện muộn thì có thể rất khó điều trị, thậm chí để lại nhiều di chứng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Để tránh các tổn thương ở răng có thể làm tăng nguy cơ u răng, mỗi người cần đi khám răng định kỳ 6 tháng hoặc 1 lần mỗi năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các trường hợp sâu răng, nhiễm trùng răng, chấn thương răng, trẻ chậm mọc răng, hàm bị thiếu răng… cần được kiểm tra bằng cách chụp x-quang răng để phát hiện u răng nếu có.
Nguồn tổng hợp
Xem thêm
- Chuyện lạ đó đây: Những em bé vừa chào đời đã mọc răng, được ví như miệng ngậm ngọc
- Vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh như thế nào trước khi bé mọc răng?
- Dạy con đánh răng và chăm sóc răng miệng đúng cách ngay từ nhỏ
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!