Bệnh quai bị ở trẻ em thường bắt đầu với các triệu chứng bệnh như sốt, khó chịu, bứt rứt trong người và sau đó bị sưng tuyến mang tai.
Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em – Những dấu hiệu ba mẹ cần đặc biệt lưu ý
Quai bị là một loại bệnh thường do vi rút gây ra (thuộc nhóm Paramyxovirus). Trong giới y học, đây được xem là một trong các bệnh khá phổ biến. Tuy nhiên bệnh thường xuất hiện ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là giai đoạn trẻ từ 6 đến 10 tuổi.
Bệnh quai bị lây truyền chính qua đường hô hấp, có thể phát tán mạnh trong phạm vi 1,5 mét; những hạt cực nhỏ. Dễ lây lan như vậy nên các bậc làm cha mẹ nên nắm vững dấu hiệu của bệnh dưới đây để đưa bé đi khám và chữa trị kịp thời.
1. Trẻ thường cảm thấy khó chịu trước khi phát bệnh
Trước khi phát bệnh 1-2 ngày, trẻ sẽ cảm thấy khó ở trong người. Trẻ khởi phát bệnh bằng triệu chứng sốt từ 38-39 độ C, kéo dài trong 3-4 ngày. Trẻ mệt mỏi, ăn ngủ kém, nhức tai, đau đầu, cảm giác ớn lạnh, sợ gió
2. Có dấu hiệu của viêm tuyến mang tai
Sau khi xuất hiện các cơn sốt, đau họng và đau hàm, tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng.
Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài; có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức. Trẻ có cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết, ngược với những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi khuẩn.
3. Một số trẻ có thể không nói được
Trẻ có thể có cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở phải mở khí quản. Thời gian biểu hiện bệnh lý khoảng 10 ngày.
Tuy nhiên các ba mẹ cũng cần lưu ý, có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị mà không có dấu hiệu bệnh lý rõ rệt, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không nhận biết. Bệnh quai bị gây miễn dịch bền vững khi đã mắc bệnh dù sưng 1 hay 2 bên tuyến mang tai nên ít khi bị quai bị lần 2.
Cách chữa bệnh quai bị giúp con chóng khỏi bệnh
Quai bị không phải là bệnh quá nguy hiểm. Mặc dù vậy nếu trẻ không được chăm sóc và điều trị đúng cách thì có thể gây ra nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm (tăng nguy cơ bị điếc, viêm não, dị tật tiểu não, …).
Do đó, ngay khi con xuất hiện các triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em, ba mẹ cần chăm sóc bé theo các chỉ dẫn của bệnh viện Nhi Đồng 2 dưới đây để giúp con mau khỏi bệnh.
1. Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ
Có thể cho dùng paracetamol để hạ sốt và giảm đau cho trẻ, thời gian dùng thuốc cách nhau từ 4-6 giờ và tối đa 4 lần/ ngày . Ngoài ra ba mẹ nên kết hợp với lau người bằng nước ấm để giúp trẻ nhanh chóng hạ sốt.
2. Trẻ cần được uống nhiều nước để chữa bệnh quai bị
Sốt nói chung và sốt do quai bị nói riêng rất dễ làm cơ thể trẻ bị mất nước và các chất điện giải. Do đó, trong các đơn thuốc của bác sĩ thường có các loại dung dịch bù nước và điện giải cho trẻ bị bệnh quai bị.
3. Trẻ nên được cách ly cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn
Bệnh quai bị có thể điều trị tại nhà, nhưng do là bệnh dễ lây nên trẻ cần được cách ly, kiêng ra gió, không dùng chung các vật dụng như khăn mặt, bát đũa, bàn chải đánh răng,…
4. Tăng cường bổ sung vitamin bằng các loại hoa quả, nước rau củ quả
Thực tế cho thấy, trong suốt thời gian điều trị cũng như hồi phục sức khỏe của trẻ, các loại vitamin từ rau củ quả có khả năng giúp tăng cường sức đề kháng để trẻ có thể chống chọi với bệnh tốt hơn, nhanh chóng khỏi bệnh hơn.
Đồng thời cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ nuốt như cháo; hạn chế ăn đồ cay nóng, các loại thực phẩm cứng.
Ngoài ra, hàng ngày ba mẹ nên chăm sóc răng miệng sạch sẽ cho trẻ, theo dấu các biểu hiện bệnh của trẻ để kịp thời đưa con đi khám và điều trị.
Xem thêm:
- Lịch tiêm sởi quai bị rubella, mẹ nhớ cho con tiêm đủ mũi để phòng bệnh hiệu quả
- Vacxin sởi quai bị rubella tiêm mấy mũi để phòng bệnh hiệu quả?
- Tiêm vacxin sởi quai bị rubella có bị sốt không và các lưu ý khi bé đi tiêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!