Bệnh ho ở trẻ thường gặp chủ yếu ở 2 giai đoạn là 6 tháng-2 tuổi và lứa tuổi mẫu giáo. Nếu ho do cảm siêu vi thì không cần dùng thuốc, các cơn ho của trẻ sẽ dần dần tự khỏi. Trường hợp bé ho kèm sốt cao và khó thở thì cần đưa trẻ đi khám trong thời gian sớm nhất.
Ho là phản ứng tốt của cơ thể
Ho cũng giống như sốt, là cơ chế tự nhiên để cơ thể tự bảo vệ mình trước những vật thể lạ xâm nhập. Khi bụi hoặc đờm rơi xuống đường khí quản, cơ thể sẽ xuất hiện phản ứng ho nhằm đẩy những thứ này ra ngoài, giúp cơ thể phòng tránh được viêm phổi.
Ho cũng có thể là một trong các dấu hiệu của bệnh cúm, thường xuất hiện phổ biến ở 2 giai đoạn lứa tuổi của trẻ là 6 tháng-2 tuổi và tuổi mẫu giáo.
Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, trong sách Để con được ốm cũng nói rõ. Nếu trẻ bị cảm do siêu vi thì một đợt ho của trẻ có thể kéo dài từ 2-3 tuần. Ban đầu trẻ sẽ ho khan trong vài ngày. Tiếp đó hệ thống niêm mạc trong đường thở, cổ họng và phế quản tiết ra những chất nhầy đờm để tiêu diệt siêu vi. Vì thế mà vào thời điểm này, cha mẹ sẽ thấy trẻ ho rất nhiều và dữ dội. Sau đó ho giảm dần và cuối cùng là cơ thể con sẽ tự khỏi ho.
Một điều quan trọng mà cha mẹ cần chú ý là hiện tượng sặc trong lúc con ho. Khi trẻ nhỏ ho nhiều sẽ dễ dẫn đến nôn mửa. Con chưa thể nhổ đờm ra ngoài giống người lớn nên ọe hoặc nôn trớ trong khi ho có thể khiến cha mẹ hoảng hốt. Tuy vậy, sau khi nôn kèm đờm ra ngoài, bé sẽ dễ chịu hơn.
Những loại thuốc ho được sử dụng cho trẻ trong trường hợp nào?
Thuốc ho dành cho trẻ thường gồm 3 loại chính là thuốc long đờm, thuốc giãn phế quản và thuốc trị ho.
Với thuốc ho long đờm, thường an toàn khi sử dụng cho trẻ nhưng công dụng trị ho ở mức vừa phải. Trường hợp con có thể nhấp nước thường xuyên và khó uống thuốc thì loại thuốc này cũng không cần thiết phải dùng.
Thuốc giãn phế quản thường được sử dụng phổ biến với các trẻ bị nghẽn phế quản, có tiền sử hen hoặc viêm phổi.
Thuốc trị ho, đặc biệt là kháng sinh trị ho thường được bác sĩ khuyến cáo là không nên sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi vì có thể khiến con bị kháng thuốc và thậm chí là suy hô hấp. Cha mẹ cần lưu ý, hiện nay có những loại thuốc ho bị cấm sử dụng cho trẻ nhỏ như ephedrine, pseudoephedrine, phenylephrine v.v. vì chúng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm về hô hấp đối với trẻ.
Cha mẹ nên làm gì với bệnh ho ở trẻ?
Khi trẻ bị ho, đặc biệt là do cúm siêu vi thì không cần thiết phải cho trẻ uống thuốc. Để giảm thiểu triệu chứng ho của con, nguyên tắc cơ bản mà cha mẹ cần thực hiện bao gồm các bước sau:
Nếu trẻ có nước mũi rồi ho thì cha mẹ nên hút nước mũi cho bé. Nhỏ nước muối sinh lý và day 2 cánh mũi con để giúp nước mũi được tống ra ngoài. Điều này sẽ tránh cho nước mũi xuống đường họng và tạo thành đờm.
Cho bé nhấp nước ấm thường xuyên. Lưu ý là chỉ cho bé uống nước khi đã ngừng ho để tránh con bị sặc.
Sử dụng các bài thuốc ho từ thảo dược để đảm bảo độ an toàn và lành tính.
Khi nào thì bệnh ho ở trẻ trở nên đáng lo ngại?
Ho do siêu vi chỉ diễn ra từ 5-6 ngày hoặc lâu hơn là 2-3 tuần nhưng không đáng lo ngại. Tuy vậy, nếu trẻ có các biểu hiện đi kèm khi ho như sốt, mỗi lần ho dữ dội là trẻ bị mệt, thở gấp, bỏ ăn, lờ đờ, mặt mũi tái nhợt và hơi thở như lên cơn hen suyễn thì cha mẹ nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt.
Xem thêm
- Trẻ bị ho sổ mũi kéo dài trong thời tiết giao mùa – Nguyên nhân và cách điều trị ra sao?
- Mẹo dân gian trị ho dứt điểm cho trẻ
- Trị ho tan đờm cho bé dứt điểm không dùng kháng sinh