Bệnh chàm ở trẻ em chưa có thuốc đặc trị, cách tốt nhất là ba mẹ cần chăm sóc làn da của trẻ đúng cách theo các hướng dẫn của bác sĩ nhi như dưới đây.
Bệnh chàm ở trẻ em là gì?
Chàm hay còn gọi là viêm da dị ứng là tình trạng da bị khô, ngứa, rát, đỏ và có thể gây ra nhiều khó chịu với trẻ trong những năm đầu đời. Tình trạng viêm da bệnh lý này thường xuất hiện lần đầu tiên trước khi con bạn năm tuổi và gần một nửa các trường hợp bắt đầu trước sáu tháng tuổi. Vết chàm thường xuất hiện ở mặt hoặc bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể của trẻ.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh chàm ở trẻ em?
Rất khó có thể biết được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh chàm, nhưng gen có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến việc bị bệnh. Theo số liệu thống kê có khoảng 1/5 trẻ em có nguy cơ phát triển bệnh chàm, nhưng nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh này, thì nguy cơ con mắc bệnh sẽ tăng lên 3/5.
Tình trạng dị ứng, bao gồm bệnh chàm, hen suyễn, … đang ngày càng phổ biến hơn trong môi trường đô thị hiện đại. Điều này có thể là do những người sống trong những môi trường này tiếp xúc với nhiều hóa chất có thể khiến nguy cơ bị các bệnh về viêm da tăng cao. Hiện các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu để tìm ra chính xác nguyên nhân gây ra bệnh chàm.
Các yếu tố dễ kích thích tới bệnh chàm ở trẻ
Bệnh chàm của trẻ có thể bùng phát khi bé tiếp xúc với một số tác nhân gây bệnh phổ biến như:
- Xà phòng, sản phẩm tắm và chăm sóc da, và chất tẩy rửa
- Vải tổng hợp hoặc len, hoặc quần áo được làm bằng cách sử dụng một số loại thuốc nhuộm
- Dị ứng môi trường, chẳng hạn như vật nuôi, phấn hoa và bụi gia đình
- Trẻ dị ứng với thực phẩm, chẳng hạn như sữa, trứng, lúa mì, đậu nành và đậu phộng, …
- Môi trường nóng hoặc lạnh bất thường
Ngoài ra bệnh cũng dễ bùng phát nếu thời tiết thay đổi hoặc sức khỏe trẻ có vấn đề, chẳng hạn bé mọc răng, bị cảm lạnh hoặc không ngủ đủ giấc.
Điều trị bệnh chàm ở trẻ em như thế nào?
Nếu ba mẹ nghĩ em bé của mình có thể bị bệnh chàm, hãy đưa bé đi khám và tư vấn với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp vì mỗi trẻ sẽ có mức độ bệnh khác nhau, do đó cách điều trị cũng khác nhau. Tuy nhiên, một số cách mà các bác sĩ thường sử dụng như:
Sản phẩm dưỡng ẩm
Đây thường là bước quan trọng nhất để điều trị bệnh chàm. Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm là phương pháp điều trị nhằm giúp da bé luôn có một độ ẩm ổn định, bao gồm các loại thuốc dạng kem và thuốc mỡ, hoặc các sản phẩm đặc trị dành cho tắm rửa để sử dụng thay vì xà phòng.
Ba mẹ sẽ cần thoa các loại kem làm mềm da này lên da của bé mỗi ngày, ngay cả khi bé không có triệu chứng bệnh chàm. Ngoài ra, đừng quên thoa lên vùng mông của bé sau mỗi lần thay tã bỉm.
Đặc biệt, ba mẹ nên bôi kem cho bé sau mỗi lần tắm ngay khi da bé vẫn còn ẩm. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa da trẻ bị khô quá nhiều, giảm nguy cơ bùng phát bệnh.
Tuy nhiên, kem giúp mềm da và giữ độ ẩm có thể trở nên kém hiệu quả hơn theo thời gian, vì vậy tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám và kiểm tra lại để đảm bảo rằng em bé của bạn vẫn được điều trị tốt nhất.
Kem Corticosteroid
Khi bệnh của bé phát tác nhiều triệu chứng, kem có chứa thành phần corticosteroid có thể làm dịu các triệu chứng và giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên loại kem này sẽ có những ưu nhược điểm nhất định và có thể gây ra tác dụng phụ như khiến da bị mỏng đi, … Chính vì vậy ba mẹ cần sử dụng thuốc theo đơn kê của bác sĩ cũng như sử dụng thuốc cho trẻ đúng cách theo hướng dẫn sử dụng.
Băng kín vùng bị chàm
Nếu trẻ bị bệnh chàm nghiêm trọng, một phương pháp điều trị có thể được áp dụng là bác sĩ sẽ đề nghị băng bó đặc biệt hoặc quấn ướt vùng da bị tổn thương. Cách này giúp đảm bảo bất kỳ loại kem hay kem dưỡng da nào trên da bé cũng sẽ được giữ lại, từ đó da của trẻ sẽ có được độ ẩm cần thiết và tránh làm trầy xước các vết chàm của bé.
Thuốc kháng histamine
Loại thuốc này thường không được khuyên dùng để điều trị bệnh chàm. Nhưng nếu trẻ khó chịu vì ngứa ngáy, dẫn đến ngủ ít, quấy khóc thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc histamine để giảm ngứa và giúp bé ngủ ngon hơn.
Thảo dược trị bệnh chàm ở trẻ em được không?
Không có nhiều bằng chứng cho thấy các loại thảo dược có thể giúp ích gì nhiều cho bệnh chàm của trẻ. Trong một số trường hợp, nếu trẻ không phù hợp với loại thảo dược đó, thậm chí thuốc còn có thể gây hại nhiều hơn cho làn da bé. Do đó, nếu ba mẹ muốn thử một loại thuốc thảo dược nào đó cho bệnh chàm của bé, hãy tư vấn với bác sĩ trước và tuyệt đối không được tự tiện ngưng thuốc mà bác sĩ đã kê đơn trước đó cho bé.
Bệnh chàm ở trẻ em có gây ra nguy hiểm nào không?
Nếu em bé của bạn bị bệnh chàm, trẻ có xu hướng dễ bị nhiễm trùng da hơn, đặc biệt là nếu bé gãi nhiều. Có hai loại nhiễm trùng chính có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ là:
Nhiễm vi khuẩn
Nếu em bé của bạn bị nhiễm vi khuẩn, các triệu chứng bệnh chàm của con có thể trở nên tồi tệ hơn, và bạn cũng có thể nhận thấy rằng các khu vực trên da của trẻ bị sưng mủ, có những đốm nhỏ màu trắng vàng, kèm theo đó là sốt, khó chịu, …
Nhiễm virus
Nhiễm virus, đặc biệt là virus Herpes Simplex thường phổ biến hơn ở trẻ bị chàm hoặc viêm da cơ địa. Tình trạng này có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng và dẫn đến bệnh chàm Herpeticum khiến vùng da của trẻ xuất hiện những mụn nước có mủ, gây lở loét và đau đớn.
Các cách cần thiết giúp phòng ngừa và hạn chế bệnh chàm ở trẻ em mà ba mẹ cần ghi nhớ
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh chàm nên tốt nhất là ba mẹ nên giúp trẻ ngăn ngừa bệnh bằng cách áp dụng những lối quen sinh hoạt về chăm sóc và vệ sinh thân thể phù hợp cho bé như:
- Cắt móng tay trẻ gọn gàng để giảm tổn thương cho bé
- Sử dụng quần áo làm từ chất vải cotton, thoáng mát, tránh các chất liệu gây dị ứng như len, vải pha, …
- Dùng các sản phẩm tắm rửa đặc trị cho bé
- Giữ gìn nhà cửa mát mẻ, sạch sẽ, khô ráo và thoáng mát
- Nếu bé đi bơi, hãy tắm rửa sạch sẽ cho bé để loại bỏ clo và dưỡng ẩm cho bé ngay sau đó
- Trường hợp bệnh nghiêm trọng, ba mẹ cần xem xét việc nuôi chó mèo vì điều này có thể gây ảnh hưởng tới bệnh của bé
Ngoài ra ba mẹ cũng cần đặc biệt chú ý tới chế độ ăn uống của trẻ. Một số loại thực phẩm có thể khiến bệnh của trẻ bùng phát. Chính vì vậy mà ngay khi trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm, hãy thử lần lượt các loại thức ăn trong 2-3 ngày để xem phản ứng của trẻ.
Theo babycenter
Xem thêm:
- Bé bị chàm sữa tái đi tái lại nhiều lần, mẹ cần làm gì để trị dứt điểm cho con?
- Trị chàm sữa cho bé hiệu quả với 6 kinh nghiệm hữu ích
- Chàm sữa ở trẻ sơ sinh – Những cách đơn giản mẹ có thể giúp bé khỏi khó chịu
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!