Những vật dụng nhỏ trong gia đình luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ nhỏ. Vụ việc bé trai hóc dị vật tại Hà Tĩnh là một ví dụ điển hình.
Bé trai hóc dị vật, suýt chết vì ăn bát cháo của bà ngoại
Đinh, ốc, khuy áo… những vật dụng rất nhỏ nhưng lại khiến trẻ nhỏ gặp nguy hiểm. Không nói đến việc giẫm vào đinh hay ốc, trẻ hoàn toàn có thể cầm những vật dụng này lên và bỏ vào mồm.
Hậu quả không thể lường được! Thậm chí, có trường hợp đã tử vong!
Nhưng, ngay cả khi có người lớn bên cạnh vẫn xảy ra vấn đề!
Suýt chết vì dị vật
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa tiếp nhận một ca cấp cứu. Bệnh nhân là bé trai mới 19 tháng tuổi bị hóc dị vật ở thanh quản.
Trước đó, theo người nhà bệnh nhân, bà ngoại đang cho bé ăn cháo. Bất ngờ, bé bị sặc, dẫn đến khó thở, tím tái.
Bệnh nhi ngay lập tức được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã cho bệnh nhân chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, chụp X-quang, bác sĩ phát hiện hình ảnh bất thường ở khí quản.
Bé trai được gây mê nội soi. Bằng thủ thuật, các bác sĩ gắp ra mảnh xương hình tam giác có kích thước 1,5 x 1,2 x 0,2 cm ở thanh quản.
Nhờ phát hiện kịp thời và cấp cứu thành công, bệnh nhi đã có thể thở đều hơn, không ho, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Có thể nguy hiểm đến tính mạng
Theo bác sĩ Trần Xuân Sơn, Phó trưởng khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, hóc dị vật đường thở có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Đặc biệt, dị vật thanh quản gây tắc thở tức thì và không có cơ hội để đến bệnh viện cấp cứu.
Trường hợp em bé ở Hà Tĩnh ở trên rất may mắn. Mặc dù bé trai hóc dị vật, song dị vật còn nhỏ nên vẫn còn khe hở để thở.
Trước đó, một bé gái 7 tuổi ở TP. HCM cũng được phát hiện có dị vật ở dưới thuỳ phổi phải. Bác sĩ nội soi phế quản, gắp dị vật là ngòi bút chì dạng lắp ghép ra khỏi đường thở của bé. Mẹ cho biết bé hay có thói quen cắn bút khi ngồi học. Nếu không lấy ra kịp, bé sẽ bị viêm phổi kéo dài vì carbon trong đầu bút chì có thể gây kích thích tạo đờm nhớt, mủ nhiều hơn, gây viêm phổi nặng hoại tử, áp xe phổi, nhiễm trùng huyết.
Còn lại, nhiều trường hợp tử vong đau lòng đã xảy ra do hóc dị vật. Dù có khả năng sơ cứu, song không phải lúc nào cũng thành công.
Lời khuyên từ bác sĩ
Dưới đây là một số lời khuyên của các bác sĩ:
– Không nên cho trẻ dưới 4 tuổi ăn những thức ăn cứng hoặc tròn như kẹo cứng, đậu phộng, nho, sơ ri, các loại hạt… Kể cả ăn cháo cũng phải cẩn thận.
– Trẻ nhỏ nên được ngồi thẳng khi ăn. Tất cả các bữa ăn của trẻ phải được giám sát bởi người lớn. Trẻ nên được dạy cách nhai thức ăn kỹ, tránh việc la hét, nói cười, chạy nhảy hay khóc trong khi ăn.
– Những thuốc nhai hoặc kẹo nhai chỉ được sử dụng cho trẻ trên 3 tuổi.
– Không đưa đồng xu và các vật nhỏ cho trẻ nhỏ. Không cho trẻ sử dụng miệng để giữ các đồ dùng học tập hoặc các vật nhỏ.
– Để các đồ chơi có bộ phận nhỏ và đồ gia dụng nhỏ ngoài tầm với của trẻ nhỏ. Nhận thức được hành động của trẻ lớn vì chúng có thể đưa những đồ vật nhỏ cho em.
– Phụ huynh, giáo viên, những người chăm sóc trẻ nên tham gia các khóa học cơ bản về sơ cứu cho trẻ.
– Thực hiện các khuyến cáo về độ tuổi trên gói đồ chơi của trẻ.
Theo Zing
Xem thêm:
Khóc không thành tiếng, trẻ nuốt dị vật dẫn đến tử vong tại Đồng Nai
Những vật dụng cần thiết cho bé trong năm đầu đời mà bố mẹ không nên bỏ qua!
Quên trà sữa đi, 10 món sinh tố sau vừa bổ vừa mát giải nhiệt ngày hè cho bé