Cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình là 2 phương pháp cho trẻ sơ sinh ăn sữa phổ biến. Vì vậy, nếu có một ngày bỗng dưng bé không chịu bú mẹ và bình, chắc hẳn các mẹ sẽ vô cùng lo lắng không biết phải làm thế nào.
Bởi nếu không ăn được sữa, bé sơ sinh lúc này vẫn chưa thể ăn bất kỳ món nào khác thay thế để có đủ chất dinh dưỡng được.
Có nhiều lý do khác nhau khiến bé không chịu bú mẹ và bình. Tuy nhiên, nếu đã thử đủ mọi cách mà vẫn không thể thay đổi việc này, mẹ cũng đừng quá lo lắng. Vẫn còn những giải pháp cho bé ăn sữa khác thay thế việc cho bé bú.
Nguyên nhân bé không chịu bú mẹ
Trẻ sơ sinh bị bệnh
Một trong những nguyên nhân bé không chịu bú mẹ có thể là do bé đang gặp vấn đề về sức khỏe như: bé đang bị nhiễm trùng tai khiến việc bú trở nên khóc khăn.
Bé bị nghẹt mũi, sốt, khó tiêu hoặc trào ngược dạ dày cũng khiến bé chán bú mẹ. Ngoài ra, trẻ sơ sinh có thể gặp một số vấn về hệ tiêu hóa khiến con cảm thấy khó chịu sau khi bú mẹ
Trẻ không thích mùi vị sữa mẹ
Tạo hóa sinh ra đã vốn để bé thích nghi dễ dàng với sữa mẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp khi cơ thể người mẹ thay đổi nội tiết tố, mùi vị của sữa mẹ cũng theo đó mà khác trước và khiến trẻ sơ sinh khó chịu và chưa thích nghi được.
Ngoài ra, chế độ ăn uống của người mẹ không đủ dinh dưỡng hoặc ăn những chất gây mùi như tỏi, ớt, cafe,… và khiến lượng sữa bị giảm chất lượng và có mùi lạ khiến nhiều bé không thích.
Cách cho bé bú khiến bé không thoải mái
Nguyên nhân cũng phổ biến không kém khiến bé không chịu là do cách cho con bú sữa mẹ của bạn chưa đúng khiến em bé không cả thấy thoải mái. Hãy thay đổi nhiều tư thế cho bú để tìm ra được tư thế khiến trẻ thoải mái và bú mẹ ngoan nhất.
Bên cạnh đó, mẹ chú ý không nói quá to trong khi cho con bú, hãy dùng tông giọng và những lời nói ngọt ngào để vỗ về con.
Ngoài ra, nếu tia sữa mẹ quá mạnh và lượng sữa tiết ra quá nhiều sẽ khiến bé bị sặc. Ngược lại, nếu sữa tiết ra quá ít cũng khiến bé cảm thấy chán nản khi bú. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể vắt sữa ra bình rồi mới cho con bú.
Nguyên nhân trẻ không chịu bú bình
Khi bé đã quen bú mẹ, việc thay đổi đột ngột cho bé sang bú bình sẽ khiến bé chưa thể thích nghi được. Bên cạnh đó, nhiều bé không thích bú bình vì bé nhận thấy núm vú của bình quá cứng so với ti mẹ. Đôi khi, bé từ chối bú bình là do mùi vị sữa mới khiến bé không thích.
Một nguyên nhân phổ biến khiến bé không chịu bú bình là do bạn thay đổi người cho bé bú. Bình thường, bạn có thể là người cho bé bú bình.
Nhưng vì một lý do nào đó như bạn bận đi làm trở lại, hay bận đi công tác và nhờ một người khác cho bé bú, bé có thể phản ứng không chịu bú bình vì chưa quen.
Ngoài ra, đến giai đoạn mọc răng, nhiều bé chỉ thích cắn chặt răng vào núm vú của bình sữa, chứ nhất quyết không chịu mút sữa.
Giải pháp thay thế khi bé không chịu bú mẹ và bình
Trong giai đoạn sơ sinh, nguồn thức ăn duy nhất của bé lúc này là sữa. Vậy phải làm sao khi bé không chịu bú mẹ và bình? Nếu đã thử hết tất cả các cách mà vẫn không thế khiến bé chịu bú trở lại, bạn cũng đừng quá lo lắng.
Hãy thử cho bé ăn sữa bằng những cách dưới đây
Cho bé uống sữa bằng cốc
Đây là một lựa chọn không tồi cho những bà mẹ đang gặp khó khăn trong việc cho con bú mẹ hoặc bình. Sử dụng một chiếc cốc nhỏ, sau đó đưa lên miệng để bé húp sữa từ từ đang là một phương pháp cho trẻ ăn sữa phổ biến trên thế giới nếu trẻ không thể bú mẹ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định rằng cho trẻ ăn bằng cốc nhỏ là sự thay thế tuyệt vời giúp trẻ hấp thụ đủ lượng chất dinh dưỡng. Nó cần thiết và bảo vệ trẻ trước các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như chậm tăng trưởng, dễ mắc các căn bệnh nhiễm khuẩn, chậm phát triển và thậm chí là tử vong vì không bú được sữa.
Cách cho bé uống sữa bằng cốc:
- Rửa và lau khô tay sạch sẽ, kỹ càng
- Tiệt trùng cốc như tiệt trùng bình sữa
- Quấn chăn nhẹ nhàng để trẻ không đưa tay ngọ nguậy và làm đổ sữa khi uống, đặt yếm quanh cổ trẻ
- Cho trẻ ăn ở tư thế thẳng đứng để trẻ không bị sặc
- Đặt chiếc cốc lên môi dưới của trẻ, nghiêng cốc dần dần, đảm bảo sữa chảy đến môi dưới của trẻ rồi để trẻ tự liếm sữa bằng lưỡi tùy theo tốc độ của trẻ.
- Khi đã no, trẻ có thể sẽ dừng lại một lúc để nghỉ. Khi trẻ đã khép miệng lại và quay đầu ra xa chiếc cốc, bạn không nên cố tiếp tục ép trẻ.
Cho bé uống sữa bằng ống xy lanh
Bên cạnh việc cho bé uống sữa bằng cốc, ống xy lanh cũng là một lựa chọn được các mẹ ưa chuộng. Cũng như cách sử dụng cốc, mẹ cần đảm bảo tay mình và các dụng cụ cho trẻ ăn được rửa sạch và tiệt trùng.
Hãy ôm trẻ thẳng đứng và đẩy một lượng sữa không quá 2ml một lần vào miệng trẻ. Bạn có thể đặt ống xy-lanh giữa má và nướu trẻ hoặc đặt trực tiếp lên lưỡi trẻ đều được. Đảm bảo rằng trẻ đã nuốt hết sữa bạn mới được đẩy thêm sữa vào miệng trẻ để tránh làm trẻ bị sặc.
Đút sữa bằng muỗng cho bé
Hãy sử dụng một chiếc muỗng thật nhỏ vừa miệng bé để đút sữa cho bé. Để cách làm này hiệu quả, sữa ít trào ra ngoài nhất, và giúp hạn chế tình trạng bé bị sặc, mẹ cần biết một số tips đút sữa bằng muỗng cho bé dưới đây:
- Không đổ sữa vào miệng bé
- Nghiêng thìa để sữa ngay mép muỗng
- Đặt thìa nằm trên vùng lưỡi, môi dưới hàm dưới rồi để bé tự hớp sữa
Nếu những cách kể trên vẫn không hiệu quả đối với con, mẹ cần đưa con đến kiểm tra với bác sĩ nhi khoa để được can thiệp kịp thời cho trường hợp của con.
Xem thêm:
- Hãy cùng tìm hiểu tại sao bé không chịu bú bình
- Trẻ sơ sinh không chịu bú mẹ, thử áp dụng những mẹo đơn giản sau
- 13 lý do tại sao bé khóc sau khi cho bú