Lý giải hiện tượng bé 1 tuổi ngủ nắm chặt tay

Trong suốt quá trình chăm sóc trẻ, mẹ luôn phải chú ý các dấu hiệu để phát hiện sớm bất thường. Liệu việc trẻ 1 tuổi nắm chặt tay khi ngủ có phải là hành động nguy hiểm?

Bé 1 tuổi ngủ nắm chặt tay có vấn đề gì không? Nếu trong ngày tay bé vẫn bình thường thì trường hợp này không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu con có biểu hiện khác bất thường thì ba mẹ nên cho bé đi khám ngay.

Nội dung bài viết:

  • Các mốc vận động tay của bé
  • Bé 1 tuổi ngủ nắm chặt tay có vấn đề gì không?
  • Nguyên nhân khác khiến bé có hành động này

Các cột mốc vận động ở tay của bé

6 tháng đầu

  • 0-1 tháng: giai đoạn này bé chưa có nhiều hoạt động ở tay. Hầu hết bé nắm chặt hai bàn tay, nếu mẹ gỡ ra bé lại nắm vào. Đây chính là bản năng ngay từ trong bụng mẹ.
  • 1-2 tháng: bé vẫn sẽ có sở thích nắm chặt. Nhưng lúc này, các ngón tay có vẻ linh động hơn và duỗi nhẹ nhàng ra, rồi sau đó sẽ vẫn nắm lại.
  • 2-3 tháng: có thể nắm, duỗi các ngón tay, đưa tay lên cao với những đồ vật trước mặt mình. Tuy nhiên bé vẫn sẽ còn rất vụng về và chưa linh động.
  • 3-4 tháng: giai đoạn này bé đã có thể cầm được các đồ vật nhỏ. Tuy nhiên, sự phối hợp vận động giữa tay và mắt vẫn chưa nhịp nhàng với nhau.
  • 4-5 tháng: biết khua tay, đưa tay lên cao, mút tay, bé còn biết giữ đồ vật trong tay rất chặt. Vận động tay và mắt có vẻ sẽ nhịp nhàng với nhau. Bé có thể nắm chặt đồ, nhưng chưa biết nhặt lên nếu làm rớt.

6 tháng sau

  • 5-6 tháng: ngón tay linh động và khéo léo hơn rất nhiều. Các ngón tay cũng tách rời nhau để tiện hơn cho việc cầm nắm. Bé có thể xòe tay ra và nắm vào thành thạo.
  • 7-8 tháng: kỹ năng cầm nắm đồ đã khá tốt. Bé có thể cầm nắm được những vật tròn lớn như quả bóng.
  • 9-10 tháng: Đôi bàn tay và mắt phối hợp rất linh hoạt, bé thích cầm đồ có nhiều màu sắc do thị giác chỉ điểm.
  • 11-12 tháng: bé 1 tuổi đã phối hợp linh hoạt giữa mắt và tay. Biết cầm nắm rất nhiều đồ vật, ngay cả những độ vật lớn, kích thước hình tròn khó cầm. Bé có thể cử động các ngón tay linh hoạt khi cầm đồ, biết nhón và dùng hai ngón tay cái, trỏ giữ đồ.
Kỹ năng vận động tay của bé 1 tuổi đã khá tốt (Nguồn ảnh: unsplash)

Bé 1 tuổi ngủ nắm chặt tay thì có vấn đề gì không?

Nhiều bà mẹ trẻ có con nhỏ thường ngày ngủ vẫn duỗi tay bình thường. Nhưng đột nhiên vài hôm bé ngủ thì nắm chặt tay. Cho dù mẹ có cố gỡ thế nào cũng không thả ra. Và điều này làm mẹ khá lo lắng.

Theo ông bà ta ngày xưa, nếu bé 1 tuổi ngủ nắm chặt tay (hay bất kỳ tháng tuổi nào) thì thường là khó nuôi. Tức là bé sẽ có xu hướng khó ăn, ngủ ít và hay quấy khóc. Và hầu hết các mẹ có bé 1 tuổi ngủ nắm chặt tay đã để ý và thấy trường hợp này đúng với bé nhà mình.

Tuy nhiên, nếu trong ngày tay bé vẫn bình thường thì trường hợp này không có gì đáng lo ngại. Sau 12 tháng, bé sẽ có thể nhặt một món đồ chơi nhỏ chỉ bằng một ngón tay và ngón tay cái của bé.

Nếu mẹ không thể dễ dàng mở tay của trẻ, hoặc bé không thể cầm và di chuyển đồ chơi từ tay này sang tay kia, thì mẹ nên nhờ bác sĩ để đánh giá và can thiệp kịp thời. Bé có thể sẽ được một bác sĩ trị liệu vật lý thăm khám và chẩn đoán.

Do đó, mẹ cần để ý thêm, nếu bàn tay bé 1 tuổi mà trong hoạt động hàng ngày vẫn nắm chặt thì nên đưa bé đi thăm khám bác sĩ.

Trong đa số trường hợp, trẻ nắm chặt tay khi ngủ là bình thường (Nguồn ảnh: unsplash)

Nguyên nhân khác khiến bé 1 tuổi ngủ nắm chặt tay

Bé 1 tuổi ngủ nắm chặt tay – Ngón tay cò súng

Nếu trong lúc bé chơi, ngón tay của con cử động không trơn tru, hay bị “khựng” lại hoặc nặng hơn là ngón tay của bé hoàn toàn không duỗi ra được, luôn co lại ở tư thế như hình ảnh “cò súng”. Có thể bé đã bị tật ngón tay cò súng (trigger finger) hay ngón tay bật, kẹt gân, tuỳ cách gọi.

Bệnh lý này ở trẻ em thường được phát hiện ở trẻ từ 3 tháng – 3 năm tuổi, thường xuất hiện ở ngón cái (khoảng 80%) và có thể ở cả 2 tay (khoảng 25%). Đối với bé 1 tuổi trở xuống và tính trạng gân chưa kẹt nặng gây đau, có thể tập vật lý trị liệu cho bé dần hồi phục.

Bé 1 tuổi ngủ nắm chặt tay – Bại não

Đây cũng có thể là một lý do khiến trẻ luôn siết chặt nắm tay của mình mọi lúc. Trong trường hợp bé luôn nắm chặt tay và cơ thể bị cứng, đó có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn thần kinh. Trong đó não của bé gặp khó khăn trong việc điều khiển các cơ bắp khác nhau thực hiện các chức năng khác nhau.

Nếu có dấu hiệu bất thường thì nên đưa trẻ đi khám ngay (Nguồn ảnh: unsplash)

Bên cạnh biểu hiện nắm chặt tay, trẻ bị bại não còn có thêm các biểu hiện sau:

  • Trẻ sau khi sinh không khóc ngay mà khóc yếu, tím tái
  • Đầu rũ xuống, không ngẩng lên được
  • Khó bế ẵm, vệ sinh cho bé vì người bé cứng đờ
  • Chậm đạt được các mốc phát triển như cứng cổ, biết lẫy, ngồi, bò…
  • Có khiếm khuyết khi sử dụng bàn tay trong vận động, cầm nắm
  • Không có phản ứng với âm thanh, màu sắc, không có biểu hiện nét mặt
  • Khó khăn khi bú, hay bị sặc sữa, hay chảy dãi, khò khè…

Mang thai và sinh con ra đã gặp biết bao khó khăn. Và mẹ luôn mong rằng bé yêu luôn hạnh phúc và khoẻ mạnh. Do đó, mẹ hãy để ý quan sát con để biết được những bất thường. Nhưng cũng phải bình tĩnh và sáng suốt để có thể xử lý đúng cách nhé.

Bài viết của

mInH.tHu