Khi mẹ bầu ở tháng thứ 7 của thai kì, bé đã dài hơn 40cm và nặng khoảng 2 đến 2,5kg. Mang bầu 7 tháng ăn gì để đầy đủ chất cho mẹ và bé?
Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 7
Thai nhi ở tháng thứ 7 có sự phát triển gần như hoàn thiện. Giai đoạn này xương của thai nhi đang hấp thụ nhiều canxi nên bà bầu cần lưu ý tới việc bổ sung sữa, thực phẩm giàu canxi.
Não bộ đã phát triển và có nhiều nếp nhăn hơn, hệ thần kinh từ từ được hoàn thiệt hơn. Lúc này, bé đã có khả năng nhận thức và nghe được âm thanh từ bên ngoài, vì thế mà các bà bầu nên thowngf xuyên cho bé nghe nhạc, kể chuyện, hát…
Da thai nhi đã có màu sắc hồng hào hơn, tóc và lông đã bắt đầu mọc dài ra, mắt cũng có khả năng nhắm, mở. Các móng tay, móng chân bé cũng phát triển, thời điểm này bé hay đạp bụng mẹ nên khiến bà mẹ có cảm giác hơi đau.
Bầu 7 tháng ăn gì? Mẹ bầu cần chủ động kiểm soát cân nặng
Theo bác sĩ, ở thai kỳ tháng thứ 7, cân nặng của bà bầu cần tăng 8-10kg. Nếu vượt quá ngưỡng an toàn này, rất dễ có nguy cơ béo phì. Những tháng cuối mang thai, bà bầu di chuyển khó khăn hơn, thai nhi to hơn, rất dễ gặp khó khăn trong sinh nở. Vì vậy, bạn phải biết khôn ngoan trong việc lựa chọn thực phẩm. Ăn nhiều chưa hẳn đã đủ chất.
Từ giờ cho đến lúc sinh, nhu cầu dinh dưỡng cho bào thai tăng mạnh. Vì thế, bạn cần ăn thêm khoảng 840kalo mỗi ngày để đảm bảo bé nhận đủ dinh dưỡng từ mẹ.
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 7
Công việc chính của bé từ tháng này đến cuối thai kì chỉ là tăng cân. Bé sẽ tăng cân với tốc độ rất nhanh. Cho nên, bà bầu vẫn cần ăn đầy đủ các loại thực phẩm để bé có thể phát triển tốt hơn. Các dưỡng chất cần thiết luôn phải nằm trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của bà bầu như những thực phẩm giàu chất sắt, protein, canxi, DHA, axit folic và các loại vitamin…
Do dạ dày của bà bầu ngày càng bị thu hẹp do thai nhi phát triển ngày càng lớn. Nên để đảm bảo dinh dưỡng bà bầu nên chia nhỏ những phần ăn chính của mình thành 4–5 phần ăn nhỏ và xen lẫn ăn vặt với các loại hạt, trái cây… Mặc dù bà bầu có thể ăn những gì bà bầu thích nhưng cũng cần phải đảm bảo cung cấp đủ chất đạm, chất xơ, canxi và các vitamin cần thiết.
Cung cấp đủ lượng chất béo
Tuy chất béo nếu dư thừa có thể gây béo phì nhưng nó cũng là dưỡng chất không thể vắng mặt. Chất béo cấu tạo nên các tế bào thần kinh quan trọng. Chúng chiếm tỷ lệ cao trong võng mạc và chất xám.
Bổ sung chất béo đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ thai nhẹ cân hoặc sinh non. Khi chế biến món ăn, bạn có thể cho 1 – 2 muỗng dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu vừng, dầu lạc). Nếu không, bạn cũng có thể ăn trực tiếp lạc, vừng cũng rất cần để bổ sung chất béo đầy đủ cho cơ thể.
Thực phẩm giàu sắt và protein
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong suốt quá trình mang thai và đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ này, các mẹ nên bổ sung ít nhất 27 mg sắt mỗi ngày thông qua các loại thực phẩm như thịt đỏ, đậu, thịt gia cầm, ngũ cốc, cơm trắng… Nếu không bổ sung chất sắt cho cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu khi mang thai, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết sau khi sinh, sinh non…
Những thực phẩm này cũng chứa lượng protein cần thiết, giúp hỗ trợ sự tăng trưởng nhanh chóng của thai nhi. Theo đó, các mẹ nên ăn khoảng 75 – 100g những thực phẩm trên mỗi ngày để phục vụ cho sự phát triển của thai nhi cũng như cung cấp nguồn năng lượng dự trữ cho mẹ khi chuẩn bị “vượt cạn”.
Bà bầu 7 tháng ăn gì để tránh chuột rút vào các tháng cuối?
Nếu bạn gặp phải vấn đề chuột rút, hãy để mắt ngay đến thực phẩm giàu canxi và photpho. Theo các nghiên cứu, quá thừa photpho hoặc thiếu canxi sẽ làm cho tình trạng chuột rút thêm nặng hơn. Để khắc phục vấn đề này, hãy lựa chọn thực phẩm giàu canxi như sữa, phô mai, cá hồi và súp lơ xanh.
Theo theAsianparent
Xem thêm